Di sản giữ được hay không là do cộng đồng
Các học giả, nhà nghiên cứu khi nêu ý kiến tại hội thảo ‘Vai trò cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá thế giới’ sáng 8-9 tại Hội An, đều chung nhận định rằng sự tồn vong của mỗi di sản đều do cộng đồng quyết định.
Di sản giữ được hay không là do cộng đồng
Nêu góc nhìn của UNESCO, ông Michael Croft – trưởng cơ quan đại diện UNESCO tại Hà Nội cho rằng việc tham vấn ý kiến của người dân, lắng nghe ý kiến của họ là điều không thể khác trong việc bảo tồn di sản.
Theo ông Croft, nếu trước đây chúng ta đặt vấn đề rằng có hay không sự tham gia của người dân trong bảo tồn di sản thì nay câu trả lời luôn là điều bắt buộc, hiển nhiên.
Ông Phan Hộ – giám đốc Ban quản lý Khu di tích Mỹ Sơn cho rằng di sản nào cũng được hình thành từ bàn tay của con người, gìn giữ được hay không thì cũng do con người. Thiên nhiên có thể tàn phá di sản nhưng nếu con người đối xử không đúng thì mức tàn phá của con người còn ghê gớm hơn nhiều.
“Chúng tôi gắn người dân vào công tác quản lý. Thông qua các dự án đào tạo nghề để người dân có công việc gắn liền với di tích, không chỉ giúp người dân có sinh kế mà quan trọng hơn là làm cho cộng đồng biết rõ giá trị của khu đền tháp đang được cả thế giới biết đến” – ông Hộ nói.
Ông cũng cho rằng “không có hàng rào nào đủ an toàn cho di sản bằng hàng rào được dựng bằng tình yêu, tấm lòng trân quý di sản của cha ông để lại”.
Ông Nguyễn Chí Trung – giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hoá Hội An cho rằng bảo tồn di sản là công lao của cộng đồng, bao gồm cơ quan quản lý, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học…
Tất cả các nhóm này đều có mối quan hệ gắn kết với nhau, trong đó người dân – chủ thế sống trong di sản đóng vai trò quan trọng bậc nhất.
PGS.TS Đặng Văn Bài – phó chủ tịch Hội đồng di sản văn hoá Việt Nam cho rằng để hỗ trợ tốt việc bảo tồn di sản, chính quyền phải tôn trọng quyền của người dân.
“Chúng ta cần tôn trọng ý tưởng, lắng nghe kinh nghiệm của người dân, phải huy động và lấy sự đồng thuận làm yếu tố quyết định”.
GS Hiromichi Tomoda – Trường Đại học Nữ Chiêu Hoa (Nhật Bản) cho biết nhiều năm qua Nhật Bản cũng đã tổ chức rất nhiều hoạt động ở Hội An, Mỹ Sơn, hướng đến việc tự để người dân gìn giữ, phô diễn các nét văn hoá truyền thống, hỗ trợ việc bảo tồn di sản.
TS Trần Đình Thành – Cục Di sản văn hoá - cho rằng Hội An đã có nhiều quy định bảo tồn được người dân đồng tình. Điều này góp nên sự thành công của phố cổ này.
Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 20 năm ngày Hội An, Mỹ Sơn được UNESCO vinh danh Di sản văn hoá thế giới.