Biến vùng bán ngập hồ Dầu Tiếng thành nơi phát điện
Ngày 7-9, tại khu vực hồ Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh), cụm dự án điện mặt trời DT1 và DT2 do Tập đoàn Xuân Cầu làm chủ đầu tư đã chính thức đưa vào hoạt động, cung cấp một nguồn điện khổng lồ hoà vào mạng lưới điện quốc gia.
Biến vùng bán ngập hồ Dầu Tiếng thành nơi phát điện
Ngày 7-9, tại khu vực hồ Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh), cụm dự án điện mặt trời DT1 và DT2 do Tập đoàn Xuân Cầu làm chủ đầu tư đã chính thức đưa vào hoạt động, cung cấp một nguồn điện khổng lồ hoà vào mạng lưới điện quốc gia.
Công nhân thi công dự án điện mặt trời tại khu vực hồ Dầu Tiếng, Tây Ninh trong mùa ngập nước – Ảnh: NGỌC TUYÊN
Dự án được xây dựng trên diện tích hơn 720ha đất bán ngập khu vực hồ Dầu Tiếng, với sản lượng điện khoảng 1,9 triệu kWh/ngày (690 triệu kWh/năm). Đây là một trong những dự án điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á.
1,8 triệu tấm pin mặt trời
Mỗi năm vào mùa khô, khu đất bán ngập rộng lớn ở khu vực hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) lại “trồi” lên. Đến mùa nước lên, bãi đất này lại chìm trong biển nước. Nhận thấy tiềm năng khai thác lợi ích từ khu đất này trong mùa khô, chính quyền tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với Tập đoàn Xuân Cầu nghiên cứu đầu tư dự án điện mặt trời tại đây và sau 11 tháng thi công, dự án đã bắt đầu hòa lưới.
Một lãnh đạo tỉnh Tây Ninh cho biết ngay từ khi có ý tưởng về dự án, địa phương đã xác định rõ vị trí khảo sát và triển khai dự án tập trung ở khu vực đất bán ngập, vị trí mặt nước thuộc các nhánh hồ xa khu vực đập chính, đập phụ. Đảm bảo cự ly an toàn hồ đập theo quy định và không ảnh hưởng đến môi trường.
Nói về quá trình thi công, anh Phùng Ngọc Tuyên – kỹ sư làm việc tại dự án – cho biết dự án bắt đầu được thi công vào cuối tháng 7-2018, thời điểm mực nước khu vực hồ bắt đầu dâng lên. Những ngày đầu anh em công nhân không thể di chuyển bằng phương tiện cơ giới, nên mọi công tác thi công đều phải đi bộ và vật liệu được khiêng vào bằng sức người.
Khoảng vài ngày sau đó mưa bắt đầu dai dẳng, nước đổ về ngày một nhiều, mực nước dâng lên nhanh. Và để thi công, các công nhân phải tạo các cảng đất tạm thời để tập kết vật liệu rồi đưa lên sà lan, thuyền nhỏ đến nơi thi công. Các cọc bêtông được đóng sâu xuống mặt đất, lúc mới hình thành nhìn từ trên cao như một trận địa chông khổng lồ.
Dự án có 1,8 triệu tấm pin mặt trời được cố định trên gần 190.000 cọc bêtông trải dài ven bờ hồ và khu đất bán ngập của hồ Dầu Tiếng. Để gắn các tấm pin mặt trời lên cọc, phía công ty sử dụng các thùng phuy kết thành bè và làm giàn giáo nổi. Những ngày đầu thi công do chưa quen với phương pháp này, nhiều công nhân bị say sóng, có người té xuống nước lóp ngóp bơi vào lại.
“Có đợt đang giữa đêm, nước lũ về ồ ạt ngập luôn khu vực kho tập kết vật liệu, tấm pin, anh em công nhân phải thức xuyên đêm cứu đồ đạc. Đến tháng 6-2019, khi dự án đưa vào vận hành, anh em vỡ òa trong hạnh phúc vì thành quả một quá trình cuối cùng được đền đáp” – anh Tuyên chia sẻ.
Giảm phụ thuộc về nguồn điện cho miền Nam
Theo ông Nguyễn Phước Đức – giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam, sau khi đưa vào vận hành, lượng điện được tạo ra từ hai nhà máy của dự án điện mặt trời Dầu Tiếng sẽ được đấu nối vào đường truyền tải 220kV Bình Long – Tây Ninh.
Với sản lượng 1,9 triệu kWh/ngày, dự án này sẽ đóng góp vào nguồn điện miền Nam một nguồn cung cấp rất lớn, giúp giảm sự phụ thuộc của nguồn điện phía Nam vào mạng lưới truyền tải Bắc – Nam. Ngoài ra, theo ông Đức, đây là nguồn năng lượng sạch, việc tác động đến môi trường thấp nên phía Tổng công ty Điện lực miền Nam rất hoan nghênh.
Trao đổi về công tác đánh giá tác động môi trường trước khi khởi công dự án điện mặt trời hồ Dầu Tiếng, ông Tô Duy – giám đốc phát triển kinh doanh Tập đoàn Xuân Cầu – cho biết trước khi thi công, chủ đầu tư đã nghiên cứu kỹ càng về đặc điểm tự nhiên khu vực hồ Dầu Tiếng và lên phương án thi công kỹ lưỡng.
“Các công nghệ, phương án áp dụng này đã được UBND tỉnh Tây Ninh và các cơ quan chuyên ngành kiểm tra, đánh giá trước khi bắt đầu. Ngoài ra, phía công ty cũng đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và trình phê duyệt theo đúng quy định” – ông Duy nói.
Giải thích lý do chọn hồ Dầu Tiếng làm nơi đầu tư, ông Duy cho biết vì dự án phù hợp với chính sách phát triển của Chính phủ trên các địa phương có điều kiện khó khăn về kinh tế, tăng cường sử dụng hiệu quả vùng đất bán ngập không thuận lợi cho việc canh tác nông nghiệp. Dự án cũng góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương, đóng góp ngân sách và đảm bảo cung cấp điện năng ổn định cho tỉnh Tây Ninh.
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh cho biết khi quyết định chủ trương đầu tư dự án điện năng lượng mặt trời tại khu vực hồ Dầu Tiếng, địa phương này đã xem xét, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng các yếu tố, các điều kiện cần và đủ để bảo đảm dự án điện mặt trời không ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hồ đập. Đặc biệt, quá trình triển khai và hoạt động của dự án đều phải đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái của hồ.
“Chúng tôi yêu cầu dự án phải sử dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường, được các ngành chức năng đánh giá kỹ về tác động môi trường, không ảnh hưởng đến nguồn nước, hệ sinh thái và phải bảo đảm tuân thủ theo quy hoạch được Chính phủ và Bộ Công thương phê duyệt” – vị này cho biết.
Sẽ bổ sung vào quy hoạch thêm 3.000-3.500MW điện
Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 được Chính phủ, Bộ Công thương phê duyệt, điện mặt trời tại khu vực hồ Dầu Tiếng giai đoạn hiện nay đến năm 2020 sẽ có tổng công suất 2.110MW (hiện tại có 5/6 dự án điện mặt trời đã hoàn thành và phát điện thương mại đạt 480MW/2.110MW).
Để phát huy tiềm năng lớn về điện mặt trời trên địa bàn trong giai đoạn tiếp theo đến năm 2030, chính quyền tỉnh Tây Ninh đang khảo sát, đánh giá hiện trạng để bổ sung quy hoạch phát triển điện mặt trời tại khu vực này, dự kiến tăng thêm 3.000-3.500MW.