04/01/2025

Viễn cảnh Mỹ dùng AI đối phó Nga – Trung

Lầu Năm Góc đang triển khai tham vọng sử dụng trí thông minh nhân tạo để dự đoán các chuyển động bất thường của quân đội Nga và Trung Quốc tại Thái Bình Dương.

 

Viễn cảnh Mỹ dùng AI đối phó Nga – Trung

Lầu Năm Góc đang triển khai tham vọng sử dụng trí thông minh nhân tạo để dự đoán các chuyển động bất thường của quân đội Nga và Trung Quốc tại Thái Bình Dương.


 
 

Trung tướng John Shanahan, Giám đốc Tình báo quân sự Mỹ, trình bày về AI trong phân tích tình báo 
 ///  ảnh: YouTube/NVIDIA

Trung tướng John Shanahan, Giám đốc Tình báo quân sự Mỹ, trình bày về AI trong phân tích tình báo   ảnh: YouTube/NVIDIA

 

 
Trong bối cảnh Washington đang tích cực đẩy mạnh sự hiện diện tại châu Á, lực lượng không quân Thái Bình Dương (PACAF) của Mỹ đang nghiên cứu việc sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để phân tích khối lượng thông tin khổng lồ được Lầu Năm Góc thu thập từ vô số nguồn khác nhau. Mục tiêu của hướng tiếp cận này là nhằm đưa ra dự đoán nhanh chóng và sát sườn hơn về ý đồ của các thế lực tại khu vực, từ đó vạch ra các cách đáp trả thích đáng, theo trang tin Defense One ngày 4.9 dẫn lời trung tá Ryan Raber của PACAF tại Hội nghị Genius Machines.
 
Đây là sự kiện được Defense One và cổng thông tin Nextgov đồng phối hợp tổ chức tại TP.Honolulu (Hawaii, Mỹ) hồi cuối tháng 8, trong đó tập trung thảo luận về sứ mệnh của AI trong nỗ lực giúp Lầu Năm Góc thực thi an ninh tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
 
Theo diễn giải của trung tá Raber, các chuyên gia nghiên cứu tại tổng hành dinh PACAF ở Hawaii đang nạp dữ liệu cũ lẫn mới vào hệ thống máy tính được trang bị AI. Nhờ vào các thông tin được thu thập từ một năm trước đến thời điểm hiện tại, họ tìm cách xây dựng một mô hình phản ánh hoạt động hàng không bình thường của toàn bộ khu vực Thái Bình Dương. Dựa trên bức tranh toàn cảnh này, các chuyên gia tình báo quân sự hy vọng có thể phát hiện những tình huống bất thường, chẳng hạn như khám phá một âm mưu tấn công của thế lực nào đó trong khu vực. Dù PACAF không nêu tên cụ thể những thế lực mà mình đang nhắm đến, nhưng dựa trên vị trí địa lý, Defense One cho rằng Mỹ muốn nghiên cứu các hành vi của Nga và Trung Quốc tại Thái Bình Dương.
 
 
Hệ thống mà PACAF đang nghiên cứu được kỳ vọng dự đoán những bước đi tiềm tàng của đối thủ bằng cách phát hiện những điểm bất thường trong hoạt động thường nhật của đối phương khi phân tích các hành vi quá khứ lẫn hiện tại. Nếu con người phải mất nhiều ngày để hoàn tất, mạng lưới siêu máy tính được trang bị năng lực AI theo lý thuyết có thể đưa ra kết quả trong vòng “vài phút”.
 
“Nếu nắm trong tay khối lượng dữ liệu trong 6 tháng, 8 tháng, hoặc thậm chí cả năm, bạn có thể hình dung được sơ đồ hoạt động thông thường. Kế đến, chúng tôi bắt đầu chọn ra những dữ liệu có vẻ bất thường. Phải chăng máy bay quân sự của đối phương đang chuẩn bị cho một chiến dịch bí mật nào đó?”, trung tá Raber giải thích.
 
Nói một cách ngắn gọn, quân đội Mỹ muốn chặn đứng khả năng xảy ra các vụ tấn công bất ngờ, giống như trường hợp Nhật Bản đánh úp Trân Châu Cảng vào năm 1941. Cách tiếp cận mới của Mỹ trong lĩnh vực cải tổ năng lực phân tích tình báo quân đội được triển khai trong bối cảnh nước này đang tranh giành ảnh hưởng tại Thái Bình Dương với hai thế lực Nga và Trung Quốc.

Mỹ kêu gọi các nước Bắc Cực chống Nga, Trung Quốc

Đài NHK hôm qua đưa tin khi đến thăm Iceland vào ngày 4.9, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence kêu gọi các nước ở Bắc Cực đoàn kết để chống lại Nga và Trung Quốc. Ông Pence cho hay Mỹ quan ngại sâu sắc về hoạt động hải quân của Nga ngày càng gia tăng và việc Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư ở vùng Bắc Cực. Ông còn nhấn mạnh hiện nay là lúc Mỹ cần thắt chặt liên minh với các nước ở Bắc Cực, đồng thời gia tăng hợp tác để bác bỏ sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.  
 
 
Minh Trung
THUỴ MIÊN