06/01/2025

‘Thầy quan tâm tới hạnh phúc của trò thì bạo lực sẽ giảm’

‘Nhà trường và thầy cô quan tâm tới hạnh phúc của học trò thì bạo lực sẽ giảm, chuyện to thành nhỏ, nhỏ thành không có gì’.

‘Thầy quan tâm tới hạnh phúc của trò thì bạo lực sẽ giảm’

 
 
‘Nhà trường và thầy cô quan tâm tới hạnh phúc của học trò thì bạo lực sẽ giảm, chuyện to thành nhỏ, nhỏ thành không có gì’.


 

Thầy quan tâm tới hạnh phúc của trò thì bạo lực sẽ giảm - Ảnh 1.

Niềm vui của học sinh Trường tiểu học Phan Huy Ích (Q.Tân Bình, TP.HCM) trong ngôi trường mới được khánh thành vào ngày 4-9 – Ảnh: NHƯ HÙNG

 

Hôm nay 5-9, trên 23 triệu học sinh, sinh viên cả nước bước vào năm học mới. Một năm học quan trọng, chuẩn bị mọi mặt để chuyển giao thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Những câu chuyện buồn về bạo lực học đường, sai phạm của giáo viên, học sinh gây hậu quả xấu, giảm niềm tin của xã hội vẫn tiếp tục được đặt ra ngay trong những ngày đầu năm học mới với một thách thức, đi tìm giải pháp hiệu quả nhất hạn chế việc này.

Giáo dục đạo đức: thi hay không thi?

Trong phiên họp của Hội đồng giáo dục quốc gia do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa – thành viên tổ tư vấn của Chính phủ về đổi mới giáo dục, khiến nhiều người băn khoăn khi đặt vấn đề: “Hoạt động đổi mới giáo dục, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh phải gắn với thi cử ở tất cả các khối lớp”.

Đã có những hiệu trưởng, giáo viên khác tâm sự: “Nếu Bộ GD-ĐT không đổi mới thi cử thì chúng tôi rất khó tổ chức các hoạt động học tập phát huy tính tích cực của học sinh”.

Tuy nhiên, theo cô Nhiếp, cho dù khó khăn là thật nhưng bên cạnh việc kiến nghị lồng ghép giáo dục đạo đức, lối sống trong việc kiểm tra thường xuyên, thi các cấp nhằm tác động tích cực đến nhận thức, cảm xúc, hành vi của học sinh thì vẫn cần nhiều giải pháp khác.

GS Hồ Ngọc Đại, người đại diện cho quan điểm giáo dục “thầy thiết kế – trò thi công”, bày tỏ quan điểm dạy “đạo đức” rằng thay vì việc đưa cho học sinh những kiến thức có sẵn thì cần dạy học sinh kỹ năng, hành vi đúng qua cách “giao việc” cho học sinh tự làm, từ đó tác động đến thói quen, nhận thức. 

“Phải làm thế nào mà trò không cần cố gắng. Vì không cần cố gắng là làm một cách tự nhiên, tự nhiên như hít thở không khí, và lớn lên. Tự nhiên có nghĩa là gần với sự tối ưu nhất” – quan điểm này được học sinh thích thú.

 

Thực tế này cũng cho thấy để học sinh thích, tự nguyện học và vận dụng không phải chỉ bằng mệnh lệnh, bằng các quy định, khẩu hiệu và các kỳ thi. Tuy nhiên, thay đổi tư duy này không chỉ trông đợi ở các nhà trường mà cần phải phá bỏ được rào cản từ nhiều phía, trong đó có tâm lý các bậc phụ huynh.

Vai trò của nhà trường vẫn là trên hết

Khi sự việc đau lòng ở Hưng Yên xảy ra (một nữ sinh bị đánh hội đồng dã man), thầy Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, chia sẻ: “Tôi sẵn lòng đến Hưng Yên để giúp các nhà trường tập huấn cho giáo viên làm công tác chủ nhiệm những bài học nghiệp vụ cần thiết để có khả năng kiểm soát, ngăn ngừa tiêu cực và biết cách giải quyết tốt, tránh những hậu quả như đã xảy ra”.

Tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), tuần nào cũng có các cuộc họp giao ban của riêng giáo viên chủ nhiệm. Trong một năm học, nhiều “tiết học” dành riêng cho giáo viên chủ nhiệm do chính thầy Tùng Lâm giảng bài và tổ chức thảo luận. 

“Tôi đã nhiều lần kiến nghị các trường sư phạm khi đổi mới chương trình cần phải có nội dung đào tạo nghiệp vụ làm giáo viên chủ nhiệm. Vì thực tiễn giáo dục học sinh cho thấy vai trò của giáo viên chủ nhiệm vô cùng quan trọng. 

Thành, bại trong việc giáo dục học sinh – nhất là ở môi trường học sinh không thuần – lệ thuộc phần lớn vào giáo viên chủ nhiệm. Họ không phải chỉ được đào tạo để dạy giỏi các môn học mà trước hết phải là một nhà giáo dục. Họ cần đủ hiểu biết, đủ kỹ năng, đủ trải nghiệm để có thể thấu hiểu, yêu thương và hỗ trợ học sinh chứ không phải chỉ là người ra lệnh” – thầy Tùng Lâm chia sẻ.

Cũng với quan điểm này, thầy Nguyễn Văn Hoà, chủ tịch HĐQT Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cho biết trong suốt gần một thập kỷ, ông kiên trì với việc xây dựng một đội ngũ giáo viên được trang bị giá trị sống, cách xử lý vấn đề giáo dục tốt để sẵn sàng ứng phó với những tình huống khác nhau trên tinh thần “nhà trường và thầy cô quan tâm tới hạnh phúc của học trò thì bạo lực sẽ giảm, chuyện to thành nhỏ, nhỏ thành không có gì”.

 

VĨNH HÀ