Bắc Kinh cảnh báo về tình hình Hồng Kông
Bắc Kinh cảnh báo tình hình Hồng Kông vẫn phức tạp sau khi đặc khu trưởng thừa nhận khả năng ứng phó cuộc khủng hoảng hiện nay “rất hạn chế”.
Bắc Kinh cảnh báo về tình hình Hồng Kông
Bắc Kinh cảnh báo tình hình Hồng Kông vẫn phức tạp sau khi đặc khu trưởng thừa nhận khả năng ứng phó cuộc khủng hoảng hiện nay “rất hạn chế”.
Học sinh tham gia cuộc biểu tình ở Hồng Kông hôm 2.9 Ảnh: Reuters
Ngày 3.9, phát ngôn viên Dương Quang của Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macau (HKMAO) thuộc chính phủ Trung Quốc cảnh báo tình hình ở Hồng Kông vẫn phức tạp và gây lo lắng, theo Reuters. Mặt khác, ông Dương nói rằng có một số dấu hiệu thay đổi tích cực, nhưng không cung cấp chi tiết.
Cùng ngày, nữ phát ngôn viên HKMAO Từ Lộ Dĩnh cho hay chính phủ Trung Quốc sẽ ủng hộ đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga và chính quyền đặc khu dùng tất cả phương tiện hợp pháp để kết thúc những cuộc biểu tình bạo lực. Bà Từ còn tuyên bố Bắc Kinh sẽ không ngồi yên nếu tình hình ở Hồng Kông gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Bà Từ nhấn mạnh Bắc Kinh tin tưởng chính quyền Hồng Kông có ý chí và khả năng kết thúc tình trạng bạo lực càng sớm càng tốt. Tối 2.9, cảnh sát đã xịt hơi cay để giải tán đám đông sau khi hàng ngàn học sinh, sinh viên và lao động bãi khoá, tổ chức đình công để phản đối chính quyền đặc khu.
HKMAO đưa ra cảnh báo trên vài giờ sau khi Reuters đăng tải một đoạn băng trong đó bà Lâm cho hay khả năng của bà ứng phó cuộc khủng hoảng hiện nay ở Hồng Kông “rất hạn chế”. “Nếu tôi có quyền lựa chọn, điều đầu tiên là từ chức và gửi lời xin lỗi sâu sắc (đến người dân)”, bà Lâm nói trong đoạn băng, khi phát biểu trước nhóm doanh nhân trong cuộc họp kín hồi tuần trước. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo sau khi đoạn băng bị rò rỉ, bà Lâm khẳng định “chưa từng cân nhắc” nói chuyện từ chức với chính quyền trung ương.
Về phát biểu gây tranh cãi, nữ lãnh đạo giải thích ý của bà là “với tư cách một cá nhân, trong một tình hình hết sức khó khăn, từ chức có lẽ là một lựa chọn dễ dàng”. Bà không tính chuyện từ chức vì “tôi nghĩ mình có thể dẫn dắt đội ngũ giúp Hồng Kông thoát khỏi thế lưỡng nan này”. Trong đoạn ghi âm, bà Lâm còn nói Bắc Kinh không đưa ra hạn chót để giải quyết tình trạng bất ổn tại Hồng Kông, mà sẵn sàng chờ đến khi mọi thứ ổn định lại, thậm chí với cái giá phải trả là kinh tế đặc khu bị huỷ hoại.
VĂN KHOA