Thương chiến leo thang, chạy đua cải cách
Trung Quốc lập thêm khu thương mại tự do, Malaysia lập cơ quan chuyên trách về thương chiến, Thái Lan chuẩn bị gói kích thích phù hợp từng doanh nghiệp. VN có đang đứng trước áp lực?
Thương chiến leo thang, chạy đua cải cách
Trung Quốc lập thêm khu thương mại tự do, Malaysia lập cơ quan chuyên trách về thương chiến, Thái Lan chuẩn bị gói kích thích phù hợp từng doanh nghiệp. VN có đang đứng trước áp lực?
Nhiều ý kiến đề nghị VN cần cải cách mạnh hơn và thúc đẩy phát triển hơn nữa khu vực kinh tế tư nhân. Trong ảnh: tại một doanh nghiệp tư nhân sản xuất công nghiệp hỗ trợ của VN – Ảnh: THANH HƯƠNG
Kinh tế thế giới có dấu hiệu suy giảm cần các chính sách linh hoạt, nâng cao nội lực nền kinh tế VN, chỉ ổn định vĩ mô chưa đủ… là yêu cầu được nhiều ý kiến đặt ra.
Nếu không có cách tiếp cận làm luật khác đi cơ bản thì sẽ cực kỳ nan giải.
TS Trần Đình Thiên
Thách thức không nhỏ
Mặc dù đang không đủ chuối để bán tại Trung Quốc song Công ty CP KD Green Farm vẫn muốn tìm thêm thị trường mới. Bà Lê Thị Mỹ Hạnh – giám đốc công ty – cho hay nhờ áp dụng công nghệ, với mỗi buồng chuối đều trên 20kg nên doanh nghiệp muốn hướng đến các thị trường khó tính.
“Trong ba tháng, chúng tôi đã xuất khẩu được 70 container chuối tươi sang Trung Quốc theo con đường chính ngạch. Công ty CP KD Green Farm xây dựng thương hiệu riêng và bán cho đại lý phân phối chính thức ở Trung Quốc, thậm chí còn đang bị làm giả thương hiệu” – bà Hạnh nói và chia sẻ thêm nhiều nhận thức rõ rệt về rủi ro từ thương chiến Mỹ – Trung nhưng công nhận việc xuất khẩu sang các thị trường khó tính không đơn giản.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang – giám đốc trung tâm WTO, Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) – cho rằng VN xuất khẩu sang Trung Quốc dù vẫn tăng trưởng nhưng so với tốc độ tăng năm 2018 đã giảm ở những mặt hàng có thế mạnh lớn, như nông sản giảm 10,4%, thủy sản giảm gần 4%.
Nhiều thị trường xuất khẩu lớn của VN cũng đều giảm tốc như ASEAN, Nhật Bản… Nguyên nhân, theo bà Trang, một phần do cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Hàng Trung Quốc giảm xuất khẩu sang Mỹ nên đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường khác, khiến hàng VN bị cạnh tranh nhiều hơn.
Nhiệm vụ nặng nề
Cuộc họp sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) mới đây trở thành cuộc bàn thảo sôi nổi về tình hình thương chiến Mỹ – Trung. Mục tiêu xuất khẩu năm 2019 được Quốc hội giao là 265 tỉ USD được xem là một nhiệm vụ khá nặng nề, khi kết quả 7 tháng đầu năm xuất khẩu mới đạt trên 145 tỉ USD.
Ông Phan Văn Chinh – cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – công nhận thương chiến Mỹ – Trung tiếp tục leo thang và ảnh hưởng trực tiếp đến xuất nhập khẩu. “Các nước cũng đang áp dụng nhiều tiêu chuẩn, như truy xuất nguồn gốc gỗ… Nếu không có sóng gió của căng thẳng thương mại và bảo hộ thì có thể đạt được mục tiêu” - ông Chinh nói.
Việc thực hiện đề án tăng cường quản lý nhà nước chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ do Thủ tướng ban hành vào tháng 7-2019 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Công thương.
Ông Trần Hữu Linh – tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường – cho biết trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, tình hình gian lận xuất xứ hàng hóa càng diễn biến phức tạp. Thực tế có tình trạng gia công sản xuất lắp ráp và chế biến giản đơn chưa đáp ứng quy tắc xuất xứ, nhưng vẫn xin giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) của VN.
Thậm chí có những vụ việc doanh nghiệp làm hồ sơ C/O giả, giả mạo chữ ký và bị cơ quan nhập khẩu phát hiện. Ông Linh cho rằng tình trạng này không những làm cho hàng xuất khẩu bị trả về mà còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh và thương hiệu hàng hóa VN.
Ông Trần Tuấn Anh – bộ trưởng Bộ Công thương – cho rằng với những diễn biến xung đột thương mại Mỹ – Trung diễn ra căng thẳng, khó lường đặt ra áp lực và trách nhiệm rất nặng nề trong điều hành, đặc biệt là chính sách.
Như việc Trung Quốc giảm giá đồng nhân dân tệ và Mỹ có thể đưa nước này vào danh sách các nước thao túng tiền tệ tạo ra những nguy cơ và hệ lụy lớn cần được nghiên cứu đầy đủ để có biện pháp ứng phó.
Thúc đẩy mạnh hơn khu vực tư nhân
Trước áp lực mới và cải cách của các nước, TS Lê Quốc Phương – nguyên phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) – cho rằng Chính phủ và các bộ, ngành đã bước đầu có sự chủ động.
Đơn cử việc ban hành quyết định về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ, cần làm mạnh để ngăn chặn gian lận xuất xứ.
Bên cạnh đó, việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát thời gian qua đã giúp VN không nhỏ.
Tuy nhiên, ông Phương cho rằng để tạo nội lực cho nền kinh tế đủ sức chống chọi với những diễn biến bất lợi từ bên ngoài, cần phải thực hiện nhanh việc tái cơ cấu, cải cách hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh; chuyển từ việc tăng trưởng phụ thuộc vào vốn, lao động, tài nguyên, công nghiệp lắp ráp, năng suất lao động thấp sang nền kinh tế có năng suất cao, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đồng quan điểm, TS Trần Đình Thiên – nguyên viện trưởng Viện Kinh tế VN – cho rằng kinh tế VN đã tốt lên trong nhiều năm gần đây, đặc biệt là cơ chế khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân. VN cũng tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, tăng sức hấp dẫn FDI. Đây là nền tảng giúp VN bước đầu ứng phó tốt hơn những biến động thời gian qua.
Tuy nhiên, ông Thiên cho rằng ổn định kinh tế vĩ mô, giữ ổn định tỉ giá… là chưa đủ mà cần có đột phá trong cải cách và tháo gỡ những điểm nghẽn.
Như giải ngân vốn đầu tư công đang rất chậm trễ mà nguyên nhân là do luật lệ, cách làm luật, chính sách chồng chéo. Nếu không có cách tiếp cận làm luật khác đi cơ bản thì sẽ cực kỳ nan giải.
“Thành tích tăng trưởng thời gian qua vẫn tốt cho thấy công lao đóng góp của khu vực tư nhân khi khu vực nhà nước gặp khó khăn… Do đó, nếu cởi trói cho tư nhân tốt hơn, tránh tư tưởng ỷ lại vào FDI, nền kinh tế sẽ tốt hơn nhiều và sẵn sàng ứng phó với bất ổn kinh tế thế giới” – ông Thiên nói.
Một chuyên gia Bộ Tài chính:
Nghiêm túc nhìn lại mình
Theo tôi, rủi ro với nền kinh tế VN lúc nào cũng có, không nên bi quan nhưng cũng không nên đơn giản hóa bối cảnh hiện tại. Phải nghiêm túc nhìn lại mình trước và sau thương chiến chúng ta có lợi thế gì, có thế mạnh gì.
Về thu hút FDI, chúng ta không thể ưu đãi nhiều hơn được nữa, trong khi các nước khác có đặc khu, có nhiều cơ chế vượt trội. Cải cách trong nước có được đẩy mạnh nhưng những vấn đề về môi trường kinh doanh, chi phí không chính thức, độ minh bạch và rủi ro cho doanh nhân vẫn khiến nhiều người lo.
Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới cho thấy VN vẫn thua 4 nước ASEAN. Nhà đầu tư vào VN họ sẽ nhìn tổng thể, nên cũng không nên nghĩ với thương chiến Mỹ – Trung, người ta sẽ đổ dồn về VN. Các nước họ cũng rất năng động. Chúng ta phải thực sự cầu thị, thẳng thắn với nhau để cải cách mạnh hơn, từ đó giảm thiểu nguy cơ bị thiệt hại, suy giảm kinh tế.
Tiến Mạnh
Bà Amanda Rasmussen (chủ tịch Amcham TP.HCM):
Không nên quá phụ thuộc thị trường MỹQuý 1-2019, xuất khẩu VN sang Mỹ đã tăng 140% nhưng bao nhiêu phần trong số này đến từ tăng trưởng thực sự của các DN Việt, và bao nhiêu tăng do ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung?
Các chuyên gia kinh tế, thương mại đều nhận định xuất khẩu trên thế giới đều đang giảm nhưng VN lại tăng xuất khẩu sang Mỹ. VN cần để ý tăng xuất khẩu không thể phụ thuộc quá nhiều vào xuất hàng qua Mỹ.
Nhà xuất khẩu nên lưu ý là xuất khẩu trực tiếp, thay vì hàng Trung Quốc xuất qua VN rồi sang Mỹ. Chúng tôi đã làm khảo sát với các DN Trung Quốc cũng cho thấy, 36% chọn đầu tư vào VN…
Môi trường kinh doanh của Việt Nam đang ở đâu?
Nghị quyết 19 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), sau 5 năm thực hiện đã có sự lan tỏa.
Môi trường kinh doanh năm 2019 đã được cải thiện về điểm số và thứ hạng, so với năm 2015 tăng 21 bậc. Nhiều chỉ số tăng hạng như tiếp cận điện năng tăng 108 bậc, nộp thuế và bảo hiểm tăng 42 bậc, khởi sự kinh doanh tăng 21 bậc, cấp phép xây dựng tăng 1 bậc…
Tuy nhiên, có 4 chỉ số VN vẫn giảm bậc, gồm: đăng ký tài sản giảm 17 bậc, thương mại qua biên giới giảm 25 bậc theo cách tính mới, giải quyết tranh chấp hợp đồng giảm 15 bậc, phá sản doanh nghiệp giảm 29 bậc.
Môi trường kinh doanh của VN vẫn đứng sau 4 nước ASEAN, còn tồn tại một số hạn chế như cải cách điều kiện kinh doanh chủ yếu tập trung vào các vấn đề được doanh nghiệp phản ánh liên tục, một số chỉ tiêu không có chuyển biến.
Sự phối hợp giữa các bộ, ngành chưa chặt chẽ và chưa chủ động. Một số cải cách còn hình thức, thái độ của cán bộ, công chức vẫn còn nhiều vấn đề…