28/12/2024

Mỹ – Trung dồn dập trả đũa thương mại

Xung đột thương mại Mỹ – Trung đã lên mức cao trào mới sau khi hai bên hôm qua chính thức bước vào đợt áp thuế trả đũa lẫn nhau tiếp theo.

 

Mỹ – Trung dồn dập trả đũa thương mại

Xung đột thương mại Mỹ – Trung đã lên mức cao trào mới sau khi hai bên hôm qua chính thức bước vào đợt áp thuế trả đũa lẫn nhau tiếp theo.

 
 
 

Một quầy hàng đồ điện tử ở Thâm Quyến, Trung Quốc
 ///  Ảnh: Reuters

Một quầy hàng đồ điện tử ở Thâm Quyến, Trung Quốc   Ảnh: Reuters

 

 
Chính quyền Washington hôm qua (1.9) thực thi quyết định tăng thuế suất đối với các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trong nỗ lực gia tăng áp lực buộc Bắc Kinh phải ký vào thỏa thuận thương mại mới bất chấp quan ngại về kinh tế Mỹ bị trì trệ và tăng trưởng của thế giới bị ảnh hưởng. Cùng ngày, Bắc Kinh cũng chính thức áp dụng biện pháp đánh thuế mới nhằm vào hàng hoá nhập từ Mỹ.

“Tấn công” ồ ạt

Theo Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR), mức thuế bổ sung 15% bắt đầu có hiệu lực từ 11 giờ 01 ngày 1.9 (theo giờ VN), nhắm vào các hạng mục hàng hóa mà trước nay Mỹ vẫn chưa chạm đến, theo Reuters. Các hàng hóa tiêu dùng chiếm khoảng phân nửa trong số này, nhiều hơn mức 20% của lần tăng thuế vào tháng 9 năm ngoái. Tổng cộng 3.243 mặt hàng Trung Quốc bị áp mức thuế mới đợt này, từ sản phẩm tiêu dùng (gia vị, thịt mổ sẵn, xúc xích heo, trái cây, rau quả, sữa, phô mai) đến trang thiết bị thể thao (gậy đánh golf, ván lướt sóng, xe đạp), các thiết bị âm nhạc, trang phục thể thao và đồ nội thất. Những thiết bị tiêu dùng kỹ thuật số như đồng hồ thông minh nằm trong số bị ảnh hưởng nặng nề nhất nếu tính theo giá trị. Hơn phân nửa trong tổng số hàng hóa may mặc cũng bị dính đợt đánh thuế mới.
 
Các nhà kinh tế học của Viện Kinh tế quốc tế Peterson, trụ sở tại Washington, tính toán có khoảng 112 tỉ USD giá trị hàng hóa của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng, theo AFP. Trước đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã buộc phải “nới tay”, hoãn tăng thuế suất đối với 555 mặt hàng so với danh sách ban đầu, bao gồm điện thoại thông minh, cho đến ngày 15.12 nhằm giảm ảnh hưởng đối với thị trường tiêu dùng trong dịp lễ cuối năm. Điều này xuất phát từ việc hơn 80% trong tổng số hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ đến từ Trung Quốc, và rất khó tìm được những nguồn thay thế vào thời điểm này. Bên cạnh đó, tăng thuế nhiều khả năng đẩy giá thành hàng hóa lên cao, gây ảnh hưởng đến sức mua và từ đó lan rộng ra cả nền kinh tế.
 
Cùng ngày, Trung Quốc cũng áp dụng việc tăng thuế nhập khẩu từ 5% lên 10% đối với 75 tỉ USD giá trị hàng hóa từ Mỹ. Đợt áp thuế ngày 1.9 của Trung Quốc nhằm vào 1.717 mặt hàng bao gồm đậu nành và dầu thô. Đây cũng là lần đầu tiên dầu thô Mỹ lọt vào danh sách bị áp thuế trả đũa kể từ khi cuộc xung đột thương mại Mỹ – Trung bùng nổ cách đây hơn một năm. Đợt áp thuế thứ hai dự kiến vào ngày 15.12, trùng với thời điểm Mỹ tiến hành đợt tăng thuế tiếp theo. Trung Quốc khi đó sẽ áp thuế đối với 3.361 mặt hàng Mỹ, bao gồm cả ô tô. Tuy nhiên, trong số này chỉ có khoảng 35% (bao gồm dầu thô) là mặt hàng mới được bổ sung, còn đa số đã bị đánh thuế trước đó.
 

Hiệu ứng boomerang

Bất chấp quan điểm cứng rắn của Tổng thống Trump đối với Bắc Kinh, giới phân tích cảnh báo rằng hành động tăng thuế của nhà lãnh đạo Mỹ không giúp thu hẹp thâm hụt mậu dịch giữa nước này và các quốc gia khác, hoặc tạo thêm nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực sản xuất, theo tờ Nikkei Asian Review.
 
Trong khi Washington triển khai đợt áp thuế thứ 4 đối với hàng hóa Trung Quốc, tổng thâm hụt mậu dịch của Mỹ kể từ khi Tổng thống Trump vào Nhà Trắng đã vượt qua mức 2.000 tỉ USD, tăng lần lượt 8% và 10% trong hai năm 2017 và 2018. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng toàn cầu cũng trong tình trạng đan xen chằng chịt đến nỗi thuế suất mà Mỹ áp lên hàng hoá Trung Quốc gây ra hậu quả ngược lại, hay còn gọi là hiệu ứng boomerang. Hàng hoá Trung Quốc đến Mỹ chứa vật liệu, các sản phẩm sở hữu trí tuệ và những mặt hàng vốn xuất xứ từ các nước khác, bao gồm cả Mỹ. Vì thế, nếu giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đến Mỹ giảm, hàng hóa xuất khẩu từ các công ty Mỹ đến quốc gia Đông Á cũng giảm theo.
 
Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Mỹ vào năm 2015 cung cấp 9,57 tỉ USD giá trị hàng hóa cho các công ty Trung Quốc xuất khẩu đến Mỹ. Số liệu thống kê cũng cho thấy những “gã khổng lồ” trong lĩnh vực sản xuất đồ điện tử như Nhật Bản, Hàn Quốc và bản thân Mỹ đều xuất khẩu linh kiện cho Trung Quốc, trước khi thành phẩm được chuyển ngược lại Mỹ. Các nhà phân tích cảnh báo trong trường hợp lãnh đạo Nhà Trắng tiếp tục cuộc chiến thương mại với Trung Quốc mà không thu hẹp được cán cân mậu dịch với đối phương, nền kinh tế thế giới sẽ hứng chịu áp lực ngày càng gia tăng, đồng thời gây ra hiệu ứng dây chuyền. Mỹ và Trung Quốc dự kiến tổ chức các cuộc đàm phán thương mại cấp cao vào đầu tháng 9 nhưng triển vọng ký kết một thoả thuận được đánh giá là sẽ khó khăn.

 Vượt ngưỡng trước thời Thế chiến thứ hai

Nhìn tổng quan, sau đợt đánh thuế mới nhất, mức thuế trung bình của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc tăng lên ngưỡng trên 21%, tức hơn khoảng 3% so với trước khi diễn ra xung đột thương mại, theo nhà kinh tế học Chad Bown thuộc Viện Kinh tế quốc tế Peterson. Trong khi đó, mức thuế trung bình của Trung Quốc áp dụng đối với hàng hóa Mỹ tăng lên gần 22%. Con số này cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình với mức thuế trung bình vượt cả thời kỳ trước Chiến tranh thế giới thứ hai. Vào đầu thập niên 1930, thời điểm Mỹ còn theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, Mỹ áp thuế suất trung bình 20% lên hàng h nước ngoài. Sau khi tâm lý bảo hộ mậu dịch góp phần đẩy toàn cầu đến Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ và các nước khác bắt đầu chuộng tự do thương mại. Theo Tổ chức Thương mại thế giới, hiện chỉ còn Bahamas và Sudan vẫn còn áp dụng thuế suất trung bình hơn 20%, theo báo Nikkei Asian Review
 
 
 
THUỴ MIÊN