Ngày 1.9, Văn phòng tổng thống Philippines ra thông cáo về chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Rodrigo Duterte sau khi ông trở về nước vào sáng cùng ngày. Tờ Philippine Daily Inquirer dẫn thông cáo cho hay nhà lãnh đạo Philippines và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý sẽ đẩy nhanh tiến trình đàm phán về COC. “Ghi nhận tầm quan trọng của Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông đối với hòa bình và ổn định khu vực, 2 nhà lãnh đạo bày tỏ quyết tâm đẩy nhanh đàm phán để đúc kết về một COC hiệu quả và trọng yếu trong thời gian sớm nhất”, theo thông cáo.
Tăng tốc COC
ASEAN và Trung Quốc sẽ đối diện nhiều khó khăn trong đàm phán nhằm xóa bỏ những cách biệt lớn về quan điểm
Tổng biên tập trang Nikkei Asian Review Toru Takahashi
Trước chuyến đi, Tổng thống Duterte chỉ trích Trung Quốc đang trì hoãn việc hoàn tất COC, bộ quy tắc được kỳ vọng sẽ ngăn ngừa căng thẳng tại những khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 34 vào tháng 6, nhà lãnh đạo Philippines cũng bày tỏ sự thất vọng về tiến trình đàm phán COC. “Tổng thống cảnh báo rằng việc đưa ra kết luận sớm về COC càng bị trì hoãn thì càng có nhiều khả năng xảy ra sự cố hàng hải và tính toán sai lầm có thể vượt tầm kiểm soát”, theo phát ngôn viên Salvador Panelo của tổng thống Philippines.
Theo tờ The Philippine Star, nhiều nước đã thảo luận với Tổng thống Duterte về việc COC bị trì hoãn quá lâu, trong đó phần lớn là các nước thành viên ASEAN. “Phụ trách điều phối ASEAN – Trung Quốc, tôi nhận được nhiều đề nghị liên quan đến tiến trình COC mà Trung Quốc đang chuẩn bị”, ông Duterte phát biểu trong cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 30.8 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Đáp lời, Thủ tướng Lý chia sẻ mong muốn sẽ đạt được đồng thuận về COC trong nhiệm kỳ Philippines là nước điều phối quan hệ Trung Quốc – ASEAN (2018 – 2021). Trước đó tại cuộc gặp với Chủ tịch Tập, Tổng thống Duterte đề cập đến nhu cầu phải hoàn tất COC nhằm giải quyết nhiều mâu thuẫn. Chủ tịch Tập cũng đồng ý phải có COC trong thời gian Tổng thống Duterte đương nhiệm.
Theo giới quan sát, việc sớm đạt được COC có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì hoà bình và ổn định ở Biển Đông nhưng điều cốt lõi là nội dung thoả thuận phải gồm những điều khoản đảm bảo cho mục đích đó. Tờ The Sydney Morning Herald đăng bài bình luận của cây bút Paul Malone chuyên phân tích các vấn đề quốc tế, cho rằng COC là cơ hội để Trung Quốc và các bên ở Đông Nam Á đạt được giải pháp hòa bình về tranh chấp ở Biển Đông. Tương tự, một số chuyên gia nước ngoài cũng xem đây là bước tiến góp phần giải quyết căng thẳng. TS Patrick Cronin, Giám đốc cấp cao Chương trình an ninh châu Á – Thái Bình Dương thuộc Trung tâm an ninh nước Mỹ mới (có trụ sở tại Washington, Mỹ), kỳ vọng: “COC sẽ giúp tạo nên sự hoà bình ổn định trong khu vực”.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nêu vấn đề COC trong chuyến thăm Trung Quốc Ảnh: AFP
|
Chông gai phía trước
Trong khi đó, Tổng biên tập tờ Nikkei Asian Review Toru Takahashi nhận định rằng không như giai đoạn soạn thảo ban đầu vốn chỉ là việc đọc các văn bản, ASEAN và Trung Quốc sẽ đối diện nhiều khó khăn trong đàm phán nhằm xóa bỏ những cách biệt lớn về quan điểm. Theo ông, Bắc Kinh thể hiện “bộ mặt hợp tác” trong khi vẫn có các động thái gây căng thẳng trên thực địa. Một trong những hành vi mới nhất là nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc quay trở lại và tiếp tục hành vi xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam từ ngày 13.8 sau lần đầu vi phạm từ ngày 12.7 – 7.8. Bên cạnh Việt Nam, có nhiều thông tin cho thấy Malaysia và Philippines cũng bị các tàu khảo sát Trung Quốc xâm phạm EEZ.
Trung Quốc và ASEAN đồng ý đàm phán toàn diện về COC vào tháng 5.2017 và soạn ra dự thảo gồm quan điểm của mỗi nước tại cuộc gặp cấp ngoại trưởng vào tháng 8.2018. Theo ông Takahashi, trong thời gian đó, Trung Quốc tiếp tục các hành vi thiếu thiện chí ở Biển Đông và nhiều lần trùng hợp với các sự kiện của ASEAN. Chẳng hạn như Bắc Kinh tiến hành phô diễn sức mạnh hải quân quy mô lớn tại Biển Đông vào tháng 4.2018, ngay trước Hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Ngoài ra, Trung Quốc phớt lờ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, đồng thời tiếp tục yêu sách chủ quyền phi lý đối với phần lớn Biển Đông.
Áp lực trong đàm phán
Theo Nikkei Asian Review, Trung Quốc muốn đàm phán song phương và điều này thể hiện ở việc văn bản giai đoạn đầu được xem như 11 đề xuất riêng biệt của từng nước, thay vì của ASEAN và Trung Quốc. Thứ hai, Trung Quốc muốn hoàn tất COC trong nhiệm kỳ của Tổng thống Duterte, vốn tỏ ra mềm mỏng hơn so với người tiền nhiệm Benigno Aquino III. Theo các nguồn tin ngoại giao, Trung Quốc có 3 yêu cầu cơ bản về COC, bao gồm việc không phụ thuộc vào Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS), các cuộc tập trận chung với các nước bên ngoài khu vực phải có sự đồng ý trước của tất cả các bên ký kết thoả thuận, và không thăm dò, khai thác tài nguyên với các nước bên ngoài.
Trong khi đó, ông Takahashi cho rằng ASEAN không thể chấp nhận các yêu cầu trên vì sẽ khiến phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện Biển Đông vô hiệu, đồng thời có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường khác. Tương tự, TS Cronin cảnh báo: “COC nếu không đủ mạnh mẽ sẽ rất dễ trở thành tấm bình phong cho việc Bắc Kinh luôn nghĩ họ có thể viết nên một quy tắc để áp đặt các nước khác”.
Theo GS Robert Beckman, Giám đốc Chương trình luật và chính sách đại dương thuộc Trung tâm luật quốc tế (Đại học Quốc gia Singapore), nội dung COC nên xoáy sâu vào việc không đe dọa và sử dụng vũ lực, hiện trạng trên các thực thể bị chiếm đóng, thực hiện kiềm chế, lập đường dây nóng và thủ tục giải quyết sự cố, khung biện pháp giảm thiểu nguy cơ đụng độ… Tuy nhiên, ông Beckman lưu ý các nước liên quan không nên có những kỳ vọng phi thực tế về nội dung COC và nhấn mạnh bộ quy tắc này sẽ không giải quyết được các tranh chấp ở Biển Đông. Thay vào đó, “COC có thể hỗ trợ giảm căng thẳng và thiết lập lòng tin nếu nó thiết lập được một khuôn khổ cho cơ chế hợp tác giữa các nước ven Biển Đông”, GS Beckman nhấn mạnh.
KHÁNH AN