Câu chuyện giáo dục: Hãy lắng nghe học sinh
Một phụ huynh học sinh tiểu học kể câu chuyện của con gái học lớp 4. Cháu từng tỏ ra thất vọng và phản ứng cô giáo: ‘Cô có quan tâm đến ý kiến của chúng con đâu, ngay từ chuyện rất nhỏ, nên chúng con nhiều khi không nói vì biết không có kết quả’.
Câu chuyện giáo dục: Hãy lắng nghe học sinh
Một phụ huynh học sinh tiểu học kể câu chuyện của con gái học lớp 4. Cháu từng tỏ ra thất vọng và phản ứng cô giáo: ‘Cô có quan tâm đến ý kiến của chúng con đâu, ngay từ chuyện rất nhỏ, nên chúng con nhiều khi không nói vì biết không có kết quả’.Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) trong một lần trò chuyện cùng học trò Ảnh: Long Hoàng
Phụ huynh này gặng hỏi thì được biết “chuyện nhỏ” là: “Vào giờ nghỉ trưa, chúng con kêu lạnh, nhờ cô thay đổi nhiệt độ máy lạnh nhưng cô nói không thấy lạnh và tiếp tục công việc của cô. Tụi con không biết nói sao nữa”.
Khi nghe câu chuyện này, một hiệu trưởng trường tiểu học tại Q.1 đã lo lắng: “Sự việc đơn giản nhưng hậu quả có thể khó lường. Nếu cứ tiếp diễn những tình huống như vậy sẽ khiến trẻ không còn niềm tin vào thầy cô, không mở lòng chia sẻ nếu cần. Và như vậy thầy cô chỉ còn là… máy dạy”.
Có những trường ban giám hiệu lường trước nhiều tình huống có thể xảy ra, tạo cơ hội, điều kiện để học sinh có thể gửi gắm tâm tư, nêu thắc mắc và đưa ra đề xuất xuất phát từ chính nhu cầu của học sinh thông qua hộp thư “Điều em muốn nói”, “Diễn đàn tiếng nói học sinh”, “Lắng nghe học sinh nói”…
Trong chương trình “Lắng nghe học sinh nói” của Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1. TP.HCM), các thành viên ban giám hiệu lần lượt gặp gỡ học sinh các khối lớp. Học sinh đã từng phát biểu ý kiến của mình và cho rằng “cần thay đổi” chẳng hạn như: về trật tự an toàn giao thông trước cổng trường, an toàn vệ sinh thực phẩm trong căn tin… Và có học sinh thẳng thắn nói rằng: “Cô chủ nhiệm còn giải quyết mâu thuẫn không công bằng, không chịu tìm hiểu sự việc, không chịu lắng nghe học sinh nên khiến chúng em có cảm giác cô thiên vị…”.
Hay như mới đây, Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) đã lấy ý kiến đánh giá của học sinh về giáo viên, thành viên ban giám hiệu. Theo đó, học sinh được quyền chấm điểm các nội dung liên quan đến giáo viên và chất lượng môn học thông qua việc trả lời những câu hỏi trong phiếu tham khảo ý kiến học sinh. Cụ thể, trong phiếu đề xuất 5 tiêu chí để học sinh lựa chọn đánh giá thông qua thang điểm từ 1 đến 10 bao gồm: Kiến thức của giáo viên; Phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp của giáo viên; Trách nhiệm của giáo viên; Phương pháp giảng dạycủa giáo viên; Phương pháp kiểm tra đánh giá của giáo viên.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, cho biết điểm số, mức độ đánh giá giáo viên của học sinh hay chỉ số tín nhiệm với hiệu trưởng, ban giám hiệu đều được nhà trường công khai. Những kết quả này không ảnh hưởng đến kết quả thi đua của giáo viên mà chỉ mang tính tham khảo, không nhằm tạo thêm áp lực cho thầy cô. Mà từ điểm số này, các thành viên trong nhà trường sẽ soi rọi, nhìn nhận lại bản thân để có những điều chỉnh phù hợp.
Ngoài ra, vị hiệu trưởng này cũng chia sẻ, thầy cô hãy lắng nghe học trò và đừng nên lo ngại việc lấy ý kiến làm thay đổi vị thế người thầy. Mà hãy cởi mở và hiểu rằng chỉ khi gần gũi, hiểu học trò muốn gì, cần gì ở mình sẽ khiến các em tôn trọng, tin tưởng mình hơn. Lúc này giáo dục mới hiệu quả, trở thành sức mạnh trong việc hình thành nhân cách và trí tuệ của trò.
BÍCH THANH