Lãi suất huy động có nơi đã vượt 10%/năm
Lãi suất huy động của các ngân hàng hiện phổ biến ở mức 5,5-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6-12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng mức lãi suất từ 6,6-7,5%/năm. Tuy nhiên, có ngân hàng đã đưa lãi suất lên mức cao.
Lãi suất huy động có nơi đã vượt 10%/năm
Lãi suất huy động của các ngân hàng hiện phổ biến ở mức 5,5-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6-12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng mức lãi suất từ 6,6-7,5%/năm. Tuy nhiên, có ngân hàng đã đưa lãi suất lên mức cao.
Lãi suất huy động một số ngân hàng ở kỳ hạn trên 6 tháng đã vượt 9%/năm. Trong ảnh: người dân giao dịch tại một chi nhánh ngân hàng – Ảnh: CTV
Hiện lãi suất tại thời điểm này của nhiều ngân hàng đã niêm yết ở mức cao trên 8%/năm đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, có ngân hàng lãi suất huy động vượt 10%/năm.
Tại Ngân hàng OCB, lãi suất tiền gửi tại quầy cao nhất là 8,2%/năm, tăng 0,3% so với lãi suất niêm yết tháng 7-2019. Mức lãi suất này áp dụng cho khoản tiền gửi mở mới có số dư từ 500 tỉ đồng hoặc tiền gửi kỳ hạn 13 tháng đến hạn và tự động tái tục.
Nếu không tính đến số tiền gửi “khủng” này, mức lãi suất tiền gửi tại quầy cao nhất ghi nhận được là 8%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng trả lãi cuối kỳ, so với trước đó tăng 0,4%. Cùng mức tăng này, lãi suất tiết kiệm online kỳ hạn 36 tháng hiện ở mức 8,1%/năm.
Ngân hàng SHB cũng điều chỉnh tăng lãi suất nhiều kỳ hạn cho nhóm khách hàng cá nhân tham gia sản phẩm tiết kiệm bậc thang theo số tiền. Cụ thể ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tiền gửi tăng mạnh từ 6,8-6,9%/năm lên 7,8%/năm. Đối với kỳ hạn 9, 12 và 13 tháng, mức lãi suất tối đa lần lượt là 8%/năm, 8,1%/năm và 8,2%/năm. Con số này trước đó dao động từ 6,9-7,2%/năm.
Triển khai huy động vốn dưới hình thức chứng chỉ tiền gửi, Ngân hàng Bản Việt tung ưu đãi lãi suất từ 9,5%/năm kỳ hạn 24 tháng, riêng kỳ hạn 60 tháng, lãi suất lên đến 10,2%/năm. Mức lãi suất này được đánh giá cao vượt trội so với các hình thức gửi tiết kiệm khác hiện có khi lãi suất tối đa dừng ở mức 8,7%/năm, áp dụng cho gửi tiền online và tiết kiệm 39+ Ưu việt kỳ hạn trên 24 tháng.
Tương tự, Ngân hàng Kiên Long tăng 0,2% lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng từ 7,4%/năm lên 7,6%/năm; lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12, 24 và 36 tháng tại BIDV cũng được điều chỉnh tăng nhẹ từ 6,9%/năm lên 7%/năm…
Một số ngân hàng, trái lại nằm ngoài cuộc chơi khi tiếp tục áp dụng biểu lãi suất niêm yết từ tháng 7-2019. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm của Ngân hàng MBBank không thay đổi, dao động từ 6,5-7,7%/năm, trong đó mức 7,7% áp dụng cho các khoản tiết kiệm từ 200 tỉ đồng, kỳ hạn 24 tháng. Tương tự, Vietcombank, VietinBank, ACB vẫn duy trì mức lãi suất cao nhất lần lượt là 6,8%/năm, 7%/năm, 7,2%/năm.
Đối với lãi suất cho vay, theo ghi nhận, nhiều ngân hàng đang áp dụng lãi suất ưu đãi từ 8-10%/năm cố định trong 3, 6 hoặc 12 tháng đầu, sau đó thả nổi theo thị trường từ 10-12%/năm.
Cụ thể, ba “ông lớn” Vietcombank, BIDV, VietinBank cố định lãi suất cho vay bất động sản nhóm khách hàng cá nhân trong 1 năm đầu lần lượt ở mức 8,1%/năm, 8,5%/năm, 9%/năm. Ở mức 10-12%/năm có HDBank 11%/năm, Sacombank, Eximbank cùng lãi suất 11,5%/năm..
Trong khi đó, với ưu đãi lãi suất cố định trong 3-6 tháng, VIB áp dụng mức lãi suất 8,1%/năm (6 tháng), ACB 9,5%/năm (3 tháng), MBBank 10,5%/năm (3 tháng)…