28/11/2024

Nhìn từ kỳ thi tay nghề thế giới 2019: Cần con người làm chủ công nghệ

Theo các chuyên gia đang có mặt tại kỳ thi tay nghề thế giới 2019 (Cộng hoà Tatarstan, Nga), một khái niệm sẽ xuất hiện trong tương lai: đào tạo nghề – kỹ năng số và trở nên quen thuộc rất nhanh.

 

Nhìn từ kỳ thi tay nghề thế giới 2019: Cần con người làm chủ công nghệ

Theo các chuyên gia đang có mặt tại kỳ thi tay nghề thế giới 2019 (Cộng hoà Tatarstan, Nga), một khái niệm sẽ xuất hiện trong tương lai: đào tạo nghề – kỹ năng số và trở nên quen thuộc rất nhanh.
 
 
 

Nhìn từ kỳ thi tay nghề thế giới 2019: Cần con người làm chủ công nghệ - Ảnh 1.

 

Một thí sinh thực hiện phần thi nghề tương lai, vận hành máy bay không người lái – Ảnh: TH.THƯƠNG

 

Ông Trương Anh Dũng, phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), nhận định 27 nghề của tương lai được trình diễn tại cuộc thi tay nghề thế giới năm nay cho thấy người lao động cần có được những kỹ năng cần thiết để thích nghi với sự biến đổi của nghề nghiệp trong 10-20 năm sau.

20 năm tới mất 1 tỉ việc làm

Tại kỳ thi tay nghề thế giới 2019 (WorldSkills Kazan 2019), ngoài nội dung thi đấu 56 kỹ năng nghề chính thức của hơn 1.300 thí sinh thuộc 63 quốc gia và vùng lãnh thổ, còn có 171 thí sinh của 16 quốc gia tham gia thi 27 nghề kỹ năng tương lai (Future Skill) – những nghề lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử của cuộc thi.

Kỹ năng tương lai là một trong những sáng kiến của các chuyên gia trẻ nhằm đào tạo nâng cao nhân sự trong nền kinh tế kỹ thuật số theo hướng sản xuất công nghệ cao…, nơi robot sẽ thay thế con người điều hành mọi hoạt động.

Tại nơi thi đấu của 27 nghề tương lai, thí sinh cũng trải qua 4 ngày thi từ 23 đến 26-8 để giải quyết kỹ năng cho một tình huống thực tế, phân tích quá trình và vận hành công nghệ số như thế nào để thay thế cho một công đoạn cụ thể. Điều này đòi hỏi các thí sinh – những người thợ kỹ năng tương lai – phải viết quy trình chuẩn xác, logic, cả tính toán khối lượng, phần công việc nào sẽ xuất hiện.

Nói về nghề tương lai, ông Robert Urazov, tổng giám đốc của Liên minh chuyên gia trẻ, nhấn mạnh kỹ năng trong tương lai giúp nhìn thấy tương lai 10 năm tới, thông qua các năng lực và ngành nghề được xuất hiện ở WorldSkills.

Gia tăng robot hóa có tác động mạnh mẽ đến kinh tế, xã hội vì nó đã tạo ra một số lượng lớn việc làm, nhưng đồng thời tạo ra những công việc mới. Vấn đề quản lý các quy trình này không chỉ đòi hỏi sự hiểu biết mà còn cả các giải pháp cụ thể, những kỹ năng nghề. “Khoảng 1 tỉ việc làm sẽ bị mất trong 20 năm tới, nghề kỹ năng tương lai sẽ thay thế sự mất mát này” – ông Robert Urazov phân tích thêm.

Dù thế nào người lao động cũng cần kỹ năng chuyên sâu

Đứng trước tương lai tất cả quy trình lao động sẽ hoạt động theo lập trình dù không có bóng dáng con người, câu hỏi được nhiều người quan tâm là khi công nghệ thông minh ngày càng được áp dụng rộng rãi thì vai trò của con người sẽ ở đâu trong chuỗi sản xuất?

 

Trả lời cho câu hỏi này, ông Segej Galkin, giám đốc kỹ thuật Siemens tại Cộng hòa liên bang Nga, cho rằng: “Nhà máy số là tích hợp của rất nhiều công nghệ khác nhau nhưng không có nghĩa là vắng bóng con người. Vận hành nhà máy lúc nào cũng cần con người có nhiều kỹ năng chuyên sâu hơn”.

Ông Segej Galkin giải thích thêm, máy móc có thể thay thế được các hoạt động tay chân nhưng không thể thay thế con người. Đối với những nghề tương lai này, người lao động cần có kiến thức để linh hoạt xử lý những tình huống, nhất là hiểu biết quy trình vận hành của hệ thống.

Phân tích thêm điều này, ông Trương Anh Dũng cho rằng không phải nói đến công nghệ số, nói đến cách mạng công nghiệp 4.0 là không còn vai trò của người lao động. Vai trò của người lao động vẫn còn là người điều khiển, để vận hành những quy trình công nghệ ở trong các trang trại, nhà máy thông minh.

Như vậy để lao động có kiến thức, kỹ năng vận hành được quy trình trên, người lao động cần được đào tạo kỹ năng công nghệ số và những kỹ năng chuyên sâu với những yêu cầu hoàn toàn mới.

Ví dụ, với nhà máy số (digital technology factory) và trang trại số (digital technology farm) thì chữ “digital” hết sức quan trọng, bởi không phải ngẫu nhiên bộ trưởng của các nước G20 họp đưa ra khuyến cáo về phát triển đào tạo nghề, trong đó tập trung đặc biệt vào phát triển kỹ năng số. Đó chính là kỹ năng hết sức cần thiết cho nhu cầu các ngành nghề trong tương lai.

Đoàn VN tham gia kỳ thi tay nghề thế giới 2019 gồm 19 thí sinh thi đấu ở 18 nghề chính thức, thì nhìn từ những nghề tương lai đang trình diễn tại kỳ thi năm nay, ông Dũng thông tin: Tổng cục Dạy nghề đã có kế hoạch để nghiên cứu toàn bộ 27 nghề tương lai này, nhằm mở rộng nghiên cứu, tăng cường ứng dụng phát triển đào tạo các nghề mới ở các trường nghề của VN để sớm bắt kịp xu thế như các nước bạn.

Những nghề tương lai sẽ “hút hàng”

Khi nghề cũ mất đi thì sẽ có những nghề mới sinh ra và chính việc dạy nghề cũng thay đổi, tức là cần dạy những kỹ năng mới nhất để thích nghi.

Những nghề tương lai được WorldSkills Kazan 2019 giới thiệu gồm: vi sinh học nông nghiệp, các giải pháp dựa trên blockchain, mô hình xây dựng thông tin, công nghệ composite, nhà máy kỹ thuật số, thiết kế thời trang kỹ thuật số, trang trại kỹ thuật số, vận hành vật thể bay không người lái, an toàn hệ thống an ninh doanh nghiệp, công nghệ số doanh nghiệp, công nghiệp 4.0, kết nối vạn vật, quản lý vòng đời sản phẩm, dữ liệu lớn và máy học, kỹ thuật tái hiện ngược cơ khí, tổng hợp và xử lý khoáng chất, phát triển ứng dụng di động, thiết kế giao diện trung hòa, công nghệ lượng tử, chép hình nhanh, tích hợp hệ thống robot, hàn robot, mạng lưới thông minh, kỹ thuật hệ thống không gian, thực tế ảo…

 

 

THẢO THƯƠNG (từ Cộng hòa Tatarstan, Nga)