Trợ giá làm thị trường điện méo mó?
Chính phủ đang trợ giá cho các hộ nghèo với 30 kWh và bù giá đối với 50 kWh đầu tiên cho người tiêu dùng điện với mức giá thấp hơn giá thành. Việc trợ giá điện đang làm gây méo mó thị trường điện.
Trợ giá làm thị trường điện méo mó?
Chính phủ đang trợ giá cho các hộ nghèo với 30 kWh và bù giá đối với 50 kWh đầu tiên cho người tiêu dùng điện với mức giá thấp hơn giá thành. Việc trợ giá điện đang làm gây méo mó thị trường điện.
Ông Hà Đăng Sơn, Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh (CEGR), đã nêu ra quan điểm như vậy khi dẫn ra nghiên cứu của Viện Kinh tế Việt Nam về giá điện tại tọa đàm Câu chuyện năng lượng, do Trung tâm văn hoá Pháp tổ chức ngày 24-8.
Theo ông Sơn, hiện Chính phủ đang trợ giá 30 kWh cho các hộ nghèo bằng cách trả tiền trước, với những người dân dùng 50 kWh thì được bù giá, khi giá bán hiện đang thấp hơn giá thành. Việc trợ giá cho giá điện vì vậy đã gây méo mó thị trường điện.
Bà Ngô Tố Nhiên – thành viên Tổ chức Sáng kiến chuyển dịch năng lượng Việt Nam, đồng tình với dẫn chứng; năm 2007, khi tham gia vào đoàn chuyên gia của WB nghiên cứu về trợ giá giá điện ở Việt Nam thì thấy rằng để đảm bảo kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải thực hiện bù chéo giá giữa các đơn vị trực thuộc. Ví dụ, miền Trung người dùng ít, chi phí truyền tải cao nhưng EVN vẫn phải chi trả để duy trì hệ thống, nên về nguyên tắc là khu vực cao phải bù cho khu vực thấp.
Trong khi đó, việc duy trì giá điện thấp là bài toán khó bởi phải trên cơ sở nguồn điện. Trong quy hoạch điện VII (điều chỉnh) có hơn 13.000 MW nhiệt điện, nhưng thực tế mới làm được 6.000 MW.
Đây là nguồn có giá phù hợp nhưng việc đầu tư gặp khó khăn, nhà đầu tư không mấy mặn mà, trong khi Chính phủ dừng bảo lãnh cho các dự án. Dẫn tới dù nguồn có rẻ nhưng không có vốn đầu tư nên phải tìm nguồn vốn từ bên ngoài, đa dạng hoá vốn đầu tư.
Ông Võ Quang Lâm, phó tổng giám đốc EVN, cho biết: giá thành sản xuất năm 2018 là 1.666 đồng/kWh, trong đó 1.270 đồng là chi phí nhiên liệu (chiếm tới 76% cơ cấu giá điện ở Việt Nam). Theo sơ đồ điện VII điều chỉnh, giá điện đến hết năm 2020 là 9,76 cent/kWh, trong khi năm 2018 là 7 cent và tháng 3/2019 là 8,36 cent.
“EVN là đơn vị đặc biệt, tự vay tự trả, làm thế nào để không lỗ. Có sự bù chéo giá điện giữa các đơn vị điện lực, là hỗ trợ nhau để không lỗ. Đây là điều tiết nội bộ trong tập đoàn” – ông Võ Quang Lâm cho hay.
Dự tính trong đợt điều chỉnh giá điện vừa qua, EVN thu về 21.000 tỉ đồng, theo kế hoạch tăng cho 1 năm. Tuy nhiên, ông Lâm cho biết giá điện tăng từ ngày 20-3 nên khoản thu thực tế từ giá mới chỉ quanh mức 20.000 tỉ đồng. Nên để bù đắp cho chi phí kinh doanh khoảng 1.000 tỉ đồng, Chính phủ yêu cầu EVN phải tự điều chỉnh, tiết kiệm.
Lấy đâu ra nguồn để đủ điện?
Công suất nhà máy điện truyền thống năm nay sẽ có thêm 600 MW từ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng, đưa tổng công suất thiết kế hơn 48.000 MW, nhưng khả dụng chỉ khoảng 39.000 MW. Theo tính toán, mỗi năm tăng trưởng 10% thì đến năm 2020 cần 43.000 MW huy động, nên bài toán đặt ra là lấy đâu ra nguồn để đủ điện?
Do khô hạn nên năm nay nguồn ước tính thiếu khoảng 10 tỉ kWh từ thuỷ điện. Điện than cũng khó khăn, khi TKV và Tổng công ty Đông Bắc đã khai thác hầm lò ở mức 400m, nên để đủ than buộc phải nhập khẩu. Nhiệt điện khí cần có hệ thống cảng, tàu to và đầu tư lâu dài.
Trong khi đó, năng lượng tái tạo đã phát triển bùng phát, cuối năm 2019 dự kiến chiếm 9,5% công suất lắp đặt toàn hệ thống, nhưng do không ổn định nên vẫn phải trông vào nguồn điện truyền thống.
Hiện nay đã có khoảng 9.500 hộ lắp điện mặt trời áp mái, với công suất 250 MW. Mục tiêu cuối năm nay tăng gấp đôi, tương đương 20.000 hộ và 2020 là 100.000 hộ thì công suất tăng lên là 2.000 MW. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần tháo gỡ cơ chế bán điện, nên EVN đang kiến nghị Bộ Công thương có cơ chế bán điện giữa các hộ lắp đặt điện mặt trời áp mái.