Rao bán cả vũ khí trên sàn thương mại điện tử
Người bán hàng trên mạng rất đông, có người dùng hình ảnh hàng thật để quảng cáo giới thiệu nhưng thực chất là bán hàng giả. Thậm chí có những sàn thương mại điện tử lớn từng rao bán cả vũ khí.
Rao bán cả vũ khí trên sàn thương mại điện tử
Người bán hàng trên mạng rất đông, có người dùng hình ảnh hàng thật để quảng cáo giới thiệu nhưng thực chất là bán hàng giả. Thậm chí có những sàn thương mại điện tử lớn từng rao bán cả vũ khí.Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh yêu cầu như vậy tại cuộc họp với các đơn vị chức năng thuộc bộ chiều 23-8 về các giải pháp quản lý trước thực trạng hàng giả, hàng nhái và gian lận trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Dễ xóa dấu vết, khó truy tìm
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Đặng Hoàng Hải, cục trưởng Cục TMĐT và kinh tế số, cho biết tình trạng hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại trên các trang TMĐT ngày càng phức tạp với phương thức, thủ đoạn tinh vi.
“Nhiều chủ thể không có kho hàng, phân tán nhiều nơi, việc nhận biết hàng giả, hàng thật trên mạng khó khăn do chủ thể không hợp tác” – ông Hải nói.
Trong khi đó, chế tài xử lý vi phạm đã có, đơn cử như nghị định 85 xử phạt chính các hành vi vi phạm như lợi dụng TMĐT kinh doanh hàng giả, hàng nhái xâm phạm sở hữu trí tuệ cấm kinh doanh… nhưng thực thi có khó khăn. Trong khi đó, nghị định 185 về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại lại chưa có quy định xử phạt khi đưa thông tin về hàng giả, hàng nhái trên mạng…
Cũng theo ông Hải, trong năm 2018 cơ quan này đã rà soát sản phẩm vi phạm trên website thường xuyên với các từ khóa để phát hiện hàng giả, nhái có tính nguy hiểm, kết quả phát hiện vi phạm khoảng 35.943 sản phẩm, hơn 3.000 tài khoản bị nhắc nhở, xử lý hoặc khóa.
Để tăng cường chống hàng giả, ông Hải cho biết cơ quan này đã tổ chức lễ ký kết “Nói không với hàng giả trên TMĐT” với 5 sàn lớn nhất và tới đây sẽ tiếp tục ký kết với các sàn ở TP.HCM.
Ông Trần Hữu Linh, tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cho rằng thực trạng hàng giả, nhái và gian lận thương mại trên môi trường TMĐT, mạng xã hội là mối nguy, hiểm họa. Bởi đối tượng bán hàng trên mạng rất đông, mặt hàng đa dạng, thường sử dụng hình ảnh hàng thật để quảng cáo giới thiệu, nhưng thực chất là bán hàng giả. Thậm chí có những sàn TMĐT lớn như Lazada từng rao bán cả vũ khí.
“Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra trên mạng, đóng giả mua hàng và lần theo người bán hàng, nhưng nhiều đơn vị thuê kho là chung cư nên không được thâm nhập” – ông Linh nói. Đồng thời thừa nhận khó khăn lớn nhất là để điều tra phải có dấu hiệu, chứng cứ đầy đủ, trong khi đối tượng có thể đóng website, xoá dấu vết.
Cơ quan chức năng làm việc với một công ty nhập điện thoại Samsung S10+ nhái từ Lạng Sơn và đã bán hết qua mạng với giá chỉ 4,5 triệu đồng – Ảnh: Bộ Công thương
Phải gắn trách nhiệm của chủ sàn
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, cho hay các chủ thể quản lý tham gia TMĐT rất đa dạng, không chỉ trên các website, mạng xã hội, kênh phát thanh và truyền hình, kênh buôn bán trên tivi mà còn có phương thức khác.
Chẳng hạn gần đây xuất hiện phương thức bán hàng mới trên nền tảng không phải nhà cung cấp thứ ba, như bán hàng trên app hoặc YouTube.
“Đáng lo ngại là chưa có phối hợp chặt chẽ với ngân hàng, trong khi phát hiện nhiều biến tướng, tận dụng thanh toán để chuyển sang kinh doanh tiền tệ” – ông Tân cảnh báo.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cần sớm rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật bởi cách thức quản lý chưa theo kịp những mô hình kinh doanh công nghệ mới. “Không thể tiếp tục để phát triển tràn lan chủ thể TMĐT mà thiếu điều chỉnh, quản lý của cơ quan quản lý nhà nước…” – ông Tuấn Anh nói.
Đồng thời, ông cũng yêu cầu Cục TMĐT và kinh tế số phối hợp với các đơn vị đánh giá việc thực thi pháp luật, các quy định đã ban hành về chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái… để chỉ ra tồn tại và bất cập, đề xuất giải pháp chính sách.
Ngoài ra, phải rà soát các quy định pháp luật liên quan như an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng, quản lý ngoại thương, sở hữu trí tuệ… Đối chiếu với cam kết hội nhập quốc tế để đề xuất chương trình và kế hoạch chống gian lận thương mại, hàng giả trong môi trường TMĐT, nhất là các mặt hàng như mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, thời trang, thực phẩm chức năng…
“Phải chủ động làm việc với các sàn TMĐT, rà lại quy chế hoạt động, gắn trách nhiệm và nâng cao trách nhiệm của chủ sở hữu các sàn, đưa ra yêu cầu cam kết về kế hoạch triển khai thực hiện. Làm việc với các bộ, ngành liên quan để thống nhất cách thức quản lý hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội, quản lý chống thất thu thuế và trục lợi…” – ông Tuấn Anh chỉ đạo.
Phủi tay quá dễ
Theo ông Trần Hữu Linh, khó khăn với các cơ quan chức năng là người kinh doanh gian lận trên mạng có thể dễ dàng đóng website, xóa dấu vết. Chẳng hạn, một website bán Samsung S10+ giá dưới 4 triệu đồng, báo chí phản ánh, chủ website đã xóa và không còn địa chỉ truy cập.
“Lực lượng quản lý thị trường phải phối hợp với Công an TP Hà Nội lần ra địa chỉ website và địa chỉ giao dịch, trực tiếp kiểm tra đột xuất cửa hàng và phát hiện hàng trăm điện thoại được bán trị giá gần 1 tỉ đồng nhưng đều là hàng giả” – ông Linh nói.