Xếp hạng học sinh để làm gì?
Tại sao lại bỏ xếp hạng hay xếp hạng học sinh làm gì để các em tự ti, xấu hổ… là những ý kiến tranh luận trước đề nghị các trường không cung cấp thông tin xếp hạng cho phụ huynh, học sinh.
Xếp hạng học sinh để làm gì?
Có nhiều ý kiến xung quanh việc xếp hạng học sinh B.THANH
Xếp hạng để tạo động lực cố gắng
Mới đây, trong lễ tổng kết và triển khai nhiệm vụ năm học mới bậc trung học, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết ngành giáo dục không có quy định về việc xếp hạng học sinh trong lớp nhưng thực tế, các trường thực hiện việc xếp hạng học sinh trong từng lớp và thông báo cho phụ huynh. Cứ tưởng việc thông báo thứ hạng trong lớp sẽ tạo động lực thúc đẩy học sinh học tập nhưng có khi lại làm tổn thương học trò nhất là những học sinh học yếu.
Vì vậy, vị lãnh đạo bậc học này đề nghị năm học tới, nếu có tiến hành xếp hạng học sinh trong lớp thì nhà trường, giáo viên chỉ cung cấp thông tin cho những người làm công tác chuyên môn liên quan chứ không cung cấp thông tin cho phụ huynh và học sinh.
Trước đề nghị trên, là giáo viên đang dạy lớp 8 tại Quận 6, TP.HCM, cô T.M.H nói rằng mình ủng hộ quan điểm xếp hạng học sinh trong lớp và chia sẻ: “Không biết các giáo viên khác thực hiện việc xếp hạng học trò thế nào. Riêng cá nhân tôi, mỗi lớp học, tôi luôn có bảng xếp hạng học sinh trong lớp vào mỗi tháng. Sau đó 2 em đứng đầu lớp sẽ nhận được quà tặng, những trò xếp thứ hạng thấp tôi luôn tìm cách động viên. Học sinh trong lớp đều rất cố gắng và thể hiện qua việc thứ tự xếp hạng thường xuyên thay đổi”.
Hay phụ huynh Trần Văn Thanh, ngụ chung cư Topaz City (Q.8, TP.HCM), cho rằng xếp hạng học tập là việc cần làm vì thúc đẩy được sự tranh đua, cố gắng của học sinh. Kết quả học tập phải công khai vừa để tuyên dương các học sinh giỏi, kích thích các em yếu cố gắng hơn, vừa tránh tình trạng giáo viên thiên vị. Điểm công khai, trường không xếp hạng thì học sinh cũng tự làm được.
Bỏ luôn xếp loại hạnh kiểm thì hay hơn
Ở khía cạnh ngược lại, phụ huynh Nguyễn Văn Hoàng (TP.HCM) bày tỏ quan điểm: “Chỉ cần biết tháng này học lực giỏi, khá hay kém là học sinh biết mình phải tiếp tục học ra sao cho tháng tiếp theo. Cần gì phải hạng mấy, thứ mấy. Vì đôi khi nó chẳng có ý nghĩa khi cùng thứ hạng nhưng ở lớp 60 em và ở lớp 10 em khác nhau một trời một vực. Em đứng thứ 10 lớp 60 học sinh là học sinh giỏi, lớp kia 10 em thì lại là học sinh đội sổ, học lực kém”. Vì vậy phụ huynh trên khẳng định không xếp hạng là chính xác. Chỉ có ngành giáo dục cần kiểm tra đánh giá thì mới cần phân tích thứ hạng theo tiêu chí cụ thể cho mỗi khối lớp học, để biết thay đổi cách giảng dạy cho phù hợp. Cha mẹ và học sinh không cần lấy thứ hạng, chỉ cần lấy học lực cụ thể mà thôi.
Tương tự, bạn đọc O.G.G gửi ý kiến đến Báo Thanh Niên với quan điểm: “Quy định của ngành giáo dục là đúng, không cần phải xếp hạng học sinh trong lớp. Các nước có nền giáo dục phát triển họ đã làm vậy từ lâu rồi. Vì vốn dĩ sinh ra không ai giống ai về khả năng tiếp thu nên hãy để mọi người công bằng như nhau. Xếp loại học tập cũng có ý nghĩ gì đâu vì cuộc sống còn rất dài phía trước chứ không phải chỉ là những ngày đi học. Ngoài ra, nếu Bộ GD-ĐT bỏ luôn xếp loại hạnh kiểm học sinh thì hay hơn bởi nó phản sư phạm và thiếu nhân văn”.
BÍCH THANH