25/01/2025

Coi chừng Trung Quốc ‘giương đông kích tây’

Trung Quốc đã đưa tàu Haiyang Dizhi 8 xâm phạm trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đi hộ tống tàu này là nhiều tàu hải cảnh khác.

 

Coi chừng Trung Quốc ‘giương đông kích tây’

Trung Quốc đã đưa tàu Haiyang Dizhi 8 xâm phạm trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đi hộ tống tàu này là nhiều tàu hải cảnh khác.
 
 
 
 

Coi chừng Trung Quốc giương đông kích tây - Ảnh 1.

Du khách và người dân TP.HCM xem triển lãm ảnh về quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam tại Đường sách TP.HCM – Ảnh: TỰ TRUNG

 

Các tàu của Trung Quốc không chỉ đi theo Haiyang Dizhi 8 mà còn xuất hiện ở khu vực bãi cạn, bãi ngầm xung quanh bãi Tư Chính của Việt Nam.

Có một số ý kiến cho rằng có thể đây là hành động “giương đông kích tây” của Trung Quốc nhằm thực hiện mưu đồ chiếm đóng trái phép một số thực thể ngầm trên thềm lục địa của Việt Nam.

Hành vi này không bao giờ được cho phép xảy ra, hơn nữa chiếm đóng cũng không có giá trị về mặt pháp lý. Theo luật định đã được quốc tế công nhận, nếu các thực thể ngầm nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đương nhiên thuộc về Việt Nam mà không hành vi chiếm đóng nào thay thế được sự thật pháp lý này. 

Tuy nhiên, Việt Nam cũng nên đề phòng trường hợp này xảy ra để tránh “sự kiện Scarborough” diễn ra lần 2. Đó là khi Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines năm 2012; từ đó dẫn đến bước ngoặt quan trọng là Philippines đã kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế một năm sau đó.

Việt Nam có thể kiện ra tòa Trọng tài quốc tế như Philippines đã làm, nếu Trung Quốc cứ “giương đông kích tây” để chiếm đóng trái phép. Tuy nhiên, để không phải mất thời gian và chi phí cho một vụ kiện tương tự, Việt Nam phải theo dõi chặt chẽ và thực hiện các biện pháp đúng luật pháp để ngăn ngừa âm mưu phi pháp này.

Bên cạnh đó, ở Biển Đông đã có một phán quyết khá đầy đủ để bác bỏ lập luận về đường chín đoạn hay quyền lịch sử của Trung Quốc, Việt Nam cần khôn khéo sử dụng các mặt có lợi của phán quyết để bảo vệ quyền lợi của mình. 

 

Giá trị pháp lý của phán quyết sẽ luôn tồn tại trong hệ thống pháp luật quốc tế. Ngoài ra, phán quyết cũng sẽ có đời sống chính trị của nó nếu như vẫn được nhắc đến trong các công tác ngoại giao.

Thực tế, tổng thống Philippines đã gợi ý sử dụng phán quyết để đàm phán về khai thác chung với Trung Quốc. Việc không tuân thủ phán quyết của Trung Quốc nếu được nhắc đi nhắc lại trong cộng đồng quốc tế cũng sẽ tạo những áp lực về mặt thể diện cho quốc gia này.

Tiếp đến, nếu Việt Nam liên tục đưa những thông tin về các hành động phi pháp của Trung Quốc tại vùng biển Việt Nam ra các hội nghị quốc tế, điển hình là các cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sắp tới (như Việt Nam đã từng làm năm 2014 với sự kiện giàn khoan 981) sẽ tạo thêm nhiều áp lực cho Bắc Kinh phải kiềm chế các hoạt động quấy rối của mình.

Để tạo được áp lực từ dư luận quốc tế, Việt Nam còn phải đoàn kết với các nước ASEAN khác, quan trọng nhất là Malaysia và Philippines – hai quốc gia cũng đang phải đối phó với các hoạt động gây nhiễu của Trung Quốc tại Biển Đông. Cấp thiết nhất hiện giờ đó là việc Việt Nam có thể cân nhắc gặp gỡ Philippines trước khi Tổng thống Duterte tiến hành chuyến thăm Bắc Kinh sắp tới.

Quan trọng hơn hết, các hoạt động của Việt Nam cần nằm trong khuôn khổ hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế nhằm tránh Bắc Kinh viện cớ để có các hành động mạnh mẽ hơn.

 

THS PHẠM NGỌC MINH TRANG (giảng viên luật quốc tế, ĐH KHXH&NV TP.HCM)