Chuyển đổi số thật đơn giản?
Chúng ta đang nói rất nhiều đến “cách mạng công nghiệp 4.0”, “kinh tế số”, “thành phố thông minh”… nhưng đa số chúng ta vẫn còn mơ hồ về việc chúng ta cần làm là gì…
Chuyển đổi số thật đơn giản?
Chúng ta đang nói rất nhiều đến “cách mạng công nghiệp 4.0”, “kinh tế số”, “thành phố thông minh”… nhưng đa số chúng ta vẫn còn mơ hồ về việc chúng ta cần làm là gì…Tôi bắt đầu quá trình đưa CNTT vào nông nghiệp từ năm 2015. Câu chuyện của chúng tôi là làm sao số hoá được dữ liệu nông nghiệp từ một sở NN&PTNT của một địa phương để có thể đưa thông tin đó đến được nông dân. Nôm na là nông dân có thể xem được các thông tin về giá cả, dịch bệnh, tư vấn cây trồng vật nuôi… từ sở NN&PTNT ngay lập tức thông qua ứng dụng di động.
Chúng tôi có hơn 25.000 nông dân tại địa phương sử dụng ứng dụng sau một năm để tra khảo giá cả mua bán hằng ngày, hay tìm kiếm các thông tin về nông nghiệp. Để đạt được con số ban đầu này, chúng tôi phải làm việc hàng năm trời với sở NN&PTNT và hội nông dân tại địa phương.
Quá trình chuyển đổi số mà chúng tôi thực hiện là số hóa dữ liệu nông nghiệp, đưa thông tin số hóa đến người dân và phân tích những dữ liệu thu thập được trong quá trình sử dụng của người dùng. Dù lĩnh vực nông nghiệp là nơi có trình độ áp dụng CNTT chậm nhất so với các lĩnh vực còn lại nhưng kết quả ban đầu cho thấy “chuyển đổi số” là khả thi, kể cả ở khu vực chậm phát triển CNTT nhất.
Chúng ta đang nói rất nhiều đến “cách mạng công nghiệp 4.0”, “kinh tế số”, “thành phố thông minh”, “chuyển đổi số”… Chúng ta đề cập đến những cơ hội và thách thức của Chính phủ, người dân và doanh nghiệp trong thời đại số, nhưng đa số chúng ta vẫn còn mơ hồ về việc chúng ta cần làm là gì. Tôi thấy rất nhiều hội thảo, chương trình, sự kiện nói về chuyển đổi số nhưng đa số là các số liệu, xu hướng, đánh giá từ các chuyên gia…
Trong khi đó, dường như chúng ta cần một kế hoạch thực thi rõ ràng và nhanh chóng. Nhiều nơi cơ bản không làm gì trong khi có thể thúc đẩy, không quá khó và đem lại lợi ích lớn cho người dân.
Ở bình diện quốc gia, Chính phủ phải là người hoạch định và dẫn dắt chiến lược vĩ mô về chuyển đổi số. Đó có thể là một kế hoạch giúp toàn dân khởi nghiệp công nghệ số hay phổ cập công nghệ số để số hóa nền kinh tế.
Tuy nhiên, một chiến lược quốc gia được công bố và triển khai từ Chính phủ thường mất một khoảng thời gian để đi vào thực tiễn. Nhưng quá trình chuyển đổi số vẫn diễn ra tự nhiên và sẽ tạo ra các doanh nghiệp công nghệ mới, thách thức mô hình kinh doanh cũ và cũng tạo ra các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ số. Cần thúc đẩy quá trình này. Các doanh nghiệp truyền thống sẽ không thể nói không với công nghệ nếu muốn phát triển.
Tuy nhiên, qua hàng trăm doanh nghiệp chúng tôi tiếp cận thực tế, các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong việc nhận các tư vấn tốt cho mô hình của họ, hay nguồn lực triển khai các dự án chuyển đổi số của mình.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng chuyển đổi số nhanh hơn rất nhiều doanh nghiệp lớn. Theo tôi, để thành công, các công ty chuyển đổi số sẽ phải quan tâm đến ba vấn đề. Thứ nhất, chi phí triển khai phải vừa phải. Thứ hai, giải pháp của nhà cung cấp phải phù hợp với mô hình kinh doanh của doanh nghiệp. Cuối cùng là giải pháp phải dễ dàng sử dụng và dễ triển khai trong nội bộ doanh nghiệp. Nhà nước có thể thúc đẩy cả ba vấn đề này.
Một “liên minh chuyển đổi số” của các công ty công nghệ trong nước có thể là một hướng đi cần thiết để giúp hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số. Các công ty này có thể liên kết lại với nhau tạo ra các sản phẩm dịch vụ chất lượng và đồng nhất, đồng thời giúp tiết giảm chi phí tư vấn cho các doanh nghiệp khách hàng.
Điều cần nhắc lại là Chính phủ phải hoạch định và dẫn dắt chiến lược vĩ mô về chuyển đổi số, với lộ trình và trách nhiệm rất cụ thể. Nếu không, chúng ta sẽ rất nhanh và rất dễ bị bỏ lại trong cuộc đua số hoá.