Mỹ tìm đồng minh mới ở châu Á
Tháng 8 chứng kiến những nỗ lực trấn an và thuyết phục đồng minh dồn dập của Mỹ, từ một Mông Cổ nằm giữa Nga và Trung Quốc đến một Micronesia nhỏ bé nhưng án ngữ vị trí chiến lược trên Thái Bình Dương.
Mỹ tìm đồng minh mới ở châu Á
Tháng 8 chứng kiến những nỗ lực trấn an và thuyết phục đồng minh dồn dập của Mỹ, từ một Mông Cổ nằm giữa Nga và Trung Quốc đến một Micronesia nhỏ bé nhưng án ngữ vị trí chiến lược trên Thái Bình Dương.Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper (phải) nhận quà là một con ngựa quý khi đến Mông Cổ ngày 8-8 – Ảnh: Reuters
Việc tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper chọn châu Á cho chuyến công du đầu tiên kể từ khi nhậm chức ngày 23-7 đã cho thấy vai trò quan trọng của khu vực.
Sau những cái tên quen thuộc như Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Mông Cổ trở thành cái tên mới lạ đáng chú ý trong chuyến thăm của ông Esper, báo hiệu sự chuyển dịch ưu tiên mới của Lầu Năm Góc trong ít nhất một thập kỷ tới.
Kiềm chế Trung Quốc
Chuyến công du châu Á của ông Esper đã được mở đường và hâm nóng bởi các tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc của Ngoại trưởng Mike Pompeo khi ông đến ASEAN đầu tháng này.
Để rồi sau đó khi hội ngộ tại Úc, hai vị bộ trưởng Mỹ đã cùng lên tiếng về mối đe dọa đến từ Bắc Kinh, tìm cách trấn an đồng minh và thậm chí công khai nói về việc sẽ triển khai tên lửa đến châu Á.
“Trung Quốc không nên bất ngờ nếu chúng tôi đưa tên lửa tới châu Á bởi Mỹ đã nói về điều này từ lâu rồi” – ông Esper tuyên bố tại Úc hôm 3-8.
Dù Mỹ vẫn chưa thông báo sẽ triển khai tên lửa đến nước nào, Úc đã lên tiếng từ chối trước. Điều này không có gì khó hiểu nếu xét đến sự phụ thuộc của kinh tế Úc vào Trung Quốc.
Và trong khi một quốc gia mang tiếng đồng minh của Mỹ nằm cách Trung Quốc hơn 4.000km đã từ chối khéo, Mông Cổ – quốc gia nằm sát Trung Quốc – lại đang muốn nghiêng về Mỹ.
Cuối tháng trước, Tổng thống Mông Cổ Battulga Khaltmaa đã đến Washington để gặp Tổng thống Donald Trump.
Ông Battulga, một doanh nhân thường được mô tả là “ông Trump của Mông Cổ” đắc cử vào năm 2017 với những cam kết dân túy, đang ngày càng cảnh giác với những ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực.
Ulaanbaatar đang tìm kiếm “những láng giềng thứ ba” kéo họ thoát khỏi sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.
Mông Cổ từ lâu đã là một đối tác quân sự nhất quán của Mỹ, hỗ trợ nhất định cho các chiến dịch quân sự của Mỹ tại Iraq và Afghanistan. Ulaanbaatar cũng có mối quan hệ tốt với Bình Nhưỡng, điều mà Washington có thể tận dụng nếu ông Trump muốn tìm cách hồi sinh các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa đang bế tắc.
Chuyến thăm của ông Esper tới Mông Cổ, đất nước bị kẹp giữa Nga và Trung Quốc – hai quốc gia bị Mỹ xem là mối đe dọa trong chiến lược an ninh quốc gia, do vậy có nhiều tầng nghĩa.
Đồng minh trên biển
Hôm 5-8, ông Pompeo đã trở thành ngoại trưởng Mỹ đầu tiên thăm Micronesia, một đảo quốc trải dài theo xích đạo và rải rác trên chiều dài hơn 3.000km ở Thái Bình Dương.
“Các hòn đảo nhỏ bé của các bạn lại là thành trì to lớn của tự do” – Ngoại trưởng Pompeo ca ngợi.
Chuyến đi báo hiệu mối quan tâm mới của Washington đối với các nước Thái Bình Dương, bất kể nhỏ bé như thế nào về diện tích cũng có thể đóng vai trò lớn về chiến lược trong nỗ lực kiềm chế và cạnh tranh với Trung Quốc.
“Chúng tôi biết Bắc Kinh đang tìm cách can dự và gây ảnh hưởng tại khu vực này” – ông Pompeo nói thẳng nhưng tin rằng Micronesia và các đảo quốc khác “sẽ hiểu rằng các quốc gia dân chủ khác ở Thái Bình Dương mới là những đối tác tốt nhất”.
Thông điệp quen thuộc này đã được ông Pompeo đưa ra trong cuộc gặp với các ngoại trưởng ASEAN tại Thái Lan, nơi ông mô tả Mỹ là một “sự lựa chọn lành tính”.
Bà Elizabeth Economy thuộc Hội đồng quan hệ đối ngoại nhận định trong vòng 1 năm qua Mỹ “làm việc tích cực” để củng cố vị thế của mình trong khu vực quần đảo Thái Bình Dương, coi đó là “lợi ích chiến lược quan trọng”.
Tổng thống Micronesia David Panuelo đã cố gắng xoa dịu những lo ngại khi gặp ông Pompeo, nhấn mạnh “mối quan hệ với Mỹ là trên hết” và khẳng định quan hệ với Trung Quốc chỉ là “hợp tác kinh tế và kỹ thuật”.
Những phối hợp đang trở nên vô cùng ăn ý giữa Lầu Năm Góc và Foggy Bottom (nơi đặt trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ) dưới thời ông Esper và ông Pompeo – hai người bạn học cùng thời Học viện quân sự West Point.