Hàng rong kiểu ‘Cơm Chị Đẹp’ thoát cảnh ‘vừa bán vừa chạy’
Cách đây hơn 2 năm, khi TP.HCM có chủ trương siết lại quản lý trật tự lòng lề đường, một số quận đã thí điểm sắp xếp các hộ bán hàng rong có hoàn cảnh khó khăn vào khu vực mua bán tập trung để quản lý.
Hàng rong kiểu ‘Cơm Chị Đẹp’ thoát cảnh ‘vừa bán vừa chạy’
Cách đây hơn 2 năm, khi TP.HCM có chủ trương siết lại quản lý trật tự lòng lề đường, một số quận đã thí điểm sắp xếp các hộ bán hàng rong có hoàn cảnh khó khăn vào khu vực mua bán tập trung để quản lý.
“Chợ hàng rong” Nguyễn Văn Chiêm giờ đây đã là điểm đến du lịch thu hút khách trong và ngoài nước – Ảnh: TỰ TRUNG
Nhiều hộ dân cũng như chính quyền địa phương phản ánh tích cực bởi mô hình này đạt được kết quả rất khả quan. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã vượt qua khó khăn, dần ổn định cuộc sống.
Thoát cảnh vừa bán vừa chạy
Đầu giờ trưa, tại vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm, phường Bến Nghé, Q.1, vợ chồng ông Nguyễn Văn Thanh đang tất bật chuẩn bị bán ca chiều.
Xe “Cơm Chị Đẹp” ở quầy số 3 của ông đắt hàng vì giá tốt (chỉ từ 30.000 đồng/phần), thức ăn ngon, đảm bảo vệ sinh. Mỗi buổi ông Thanh bán trực tiếp và giao tận nơi được vài trăm phần là chuyện thường.
Ông Thanh được phường Bến Nghé vận động về khu vực này bán cơm từ năm 2016. Trước đó, cả nhà ông sống bằng nghề bán hàng rong trên vỉa hè đường Nguyễn Trung Ngạn và bán khăn dạo ở các chợ.
“Ngày nào bị trật tự đô thị đuổi là ngày đó gia đình tui không đủ tiền ăn. Từ khi gia đình tui được phường cho về đây bán, nuôi được ba con ăn học, còn có dư sắm được tivi, tủ lạnh, xe máy” – ông Thanh khoe.
Cách quầy ông Thanh không xa, chị Nguyễn Thị Ngọc Linh đang dọn hàng trả chỗ cho người bán ca chiều, khi vừa hết ca đăng ký bán điểm tâm sáng.
Trước khi về khu Nguyễn Văn Chiêm này, chị Linh bán hàng ăn ở lề đường Lê Duẩn, ngày nào cũng nơm nớp sợ bị công an và trật tự đô thị đuổi, tịch thu đồ.
“Giờ mỗi ngày bán được tầm 2 triệu, tiền lời đủ nuôi hai thằng con” – chị Linh cười vui kể.
Đó là những thành công bước đầu, những điều đem lại cho cuộc sống người bán hàng rong trước đây có cuộc sống đủ đầy như hiện nay của Phố hàng rong TP.HCM (đường Nguyễn Văn Chiêm, Q.1).
Tương tự, tại khu vực vỉa hè trên đường Lê Bình, P.4, Q.Tân Bình, chính quyền phường cũng đã dành một khoảng khá rộng để bố trí tạm cho những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường buôn bán. Khu vực này có dán bảng để người dân biết, có bảng nội quy giờ giấc, an toàn thực phẩm.
Chị Nguyễn Thị Trọng, bán đồ ăn sáng, kể gia đình chị trước đây bán hàng ăn trên vỉa hè nhiều năm. Do đó lúc TP chấn chỉnh trật tự vỉa hè, gia đình chị cũng “phiêu bạt” đủ đường.
“Từ lúc tui có chỗ bán ổn định, thu nhập đã đủ lo cho gia đình và con ăn học. Ông chủ tịch phường vận động cho tụi tui xe, bàn ghế để buôn bán rồi còn thường thăm hỏi việc làm ăn nữa” – chị Trọng kể trong tiếng cười vui.
Còn tại Q.Tân Phú, sau đợt chấn chỉnh trật tự vỉa hè, quận đã sắp xếp người bán hàng rong vào khu chợ Ông Năm Hấp. Hiện nay có khoảng 16 tiểu thương kinh doanh mặt hàng rau, cá, thịt hằng ngày tại chợ này.
Đến nay, khu chợ đã đi vào hoạt động nề nếp, buôn bán trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng được chấp hành tốt hơn so với khi bán dọc vỉa hè.
Năm 2019, các ngành chức năng có kiểm tra và xác nhận các quầy thịt buôn bán tại chợ Ông Năm Hấp đều lấy hàng rõ nguồn gốc.
“Việc sắp xếp người dân vào chợ nhằm đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, lập lại trật tự, mỹ quan đô thị. Ngoài ra chúng tôi cũng mong muốn tạo điều kiện cho bà con kinh doanh, ổn định cuộc sống hơn” – bà Hứa Thị Hồng Đang, chủ tịch UBND Q.Tân Phú, chia sẻ thêm.
Quản lý chặt giúp bà con
Sau thời gian triển khai “chợ hàng rong”, lãnh đạo một số địa phương đã rút ra được nhiều kinh nghiệm như cần có sự quản lý chặt, kèm kiểm tra, giám sát thường xuyên.
Từ đó mô hình “chợ hàng rong” mới phát huy hiệu quả, giảm các gánh hàng rong trên các nẻo đường cũng như tạo sinh kế cho người nghèo mà không làm phát sinh khu chợ tự phát mới.
Chia sẻ thêm về điều này khi nói về khu kinh doanh tập trung trên vỉa hè đường Lê Bình, ông Nguyễn Trung Sơn, chủ tịch UBND P.4, Q.Tân Bình, cho biết phường đã sắp xếp cho 5 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn vào buôn bán chia làm 2 ca sáng – chiều. Sáng bắt đầu từ 5h30-10h30, chiều từ 16h đến lúc hết hàng.
“Có nhiều người xin vào khu buôn bán này nhưng hiện phường chưa giải quyết vì khi đông người sẽ khó quản lý. Các hộ được vào đều là người có hộ khẩu tại phường, có hoàn cảnh khó khăn hoặc là gia đình chính sách” – ông Sơn nói.
Còn bà Trương Thị Phương, cán bộ phường Bến Nghé, Q.1, cho biết phường xác định rõ đối tượng được vào bán ở “Khu ẩm thực thí điểm kinh doanh có thời gian” là hộ nghèo, cận nghèo, buôn bán lâu năm mà chưa có chỗ ổn định trên địa bàn phường.
Khu đường Nguyễn Văn Chiêm hiện bố trí 40 hộ, khu công viên Bách Tùng Diệp có 30 hộ đang buôn bán, chia làm 2 ca sáng – chiều. Những hộ này được tập huấn kỹ về an toàn vệ sinh thực phẩm, phân loại rác, PCCC.
Ngoài ra, hằng quý phường Bến Nghé còn họp tiểu thương để chấn chỉnh văn hóa ứng xử, an toàn thực phẩm. Phường cũng cử cán bộ phụ trách thường xuyên giám sát tại khu chợ bán hàng rong trên.
Do đó, từ ngày hoạt động “chợ” đến nay chưa có sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra. “Phường nắm rõ hoàn cảnh, tình hình kinh doanh của từng hộ.
Nếu quầy nào chuyển nhượng cho người không đúng đối tượng vào bán là phát hiện ngay. Đã có 2 trường hợp vi phạm bị lập biên bản, thu hồi quầy” – bà Phương nói.
Chia sẻ về khả năng nhân rộng mô hình “chợ hàng rong”, ông Võ Quốc Hưng, phó chủ tịch UBND phường Bến Nghé, cho biết tuyến đường để tổ chức cho người nghèo vào buôn bán phải là đường nhánh, không làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông chung.
Ngoài ra, trong khu vực phải có nhiều tòa nhà, văn phòng công ty – tập trung đông người có nhu cầu ăn uống.
Theo tiêu chí đó, phường Bến Nghé tiếp tục đề xuất một số địa điểm có thể tổ chức khu kinh doanh ăn uống có thời gian để cấp quận trình TP xem xét quyết định.
Các điểm đề xuất gồm: vỉa hè đường Chu Mạnh Trinh – vách Bệnh viện Nhi đồng 2, hẻm 17 Lê Duẩn, vỉa hè đường Huỳnh Thúc Kháng (đối diện cổng Trường Cao Thắng), vỉa hè đầu đường Thái Văn Lung…
Nhân rộng các mô hình hiệu quả
Mới đây, UBND TP cũng đã chỉ đạo Sở Công thương đề nghị các quận huyện đánh giá lại hiệu quả, kinh nghiệm triển khai mô hình “chợ hàng rong”. Từ đó TP sẽ xem xét, lựa chọn mô hình tốt nhất triển khai nhân rộng.
Cùng với đó, UBND TP sẽ sớm ban hành quyết định về quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè, làm cơ sở pháp lý để các quận huyện thực hiện thống nhất mô hình “chợ bán hàng rong” trên phạm vi toàn TP.
Quận, huyện lập phương án ”chợ hàng rong”
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông TP.HCM, hiện có một số quận huyện đã quy hoạch khu tập trung cho người bán hàng rong như: Q.5 sắp xếp vào khu vực tuyến đường Triệu Quang Phục (phía sau Bệnh viện Chợ Rẫy, bên hông Bệnh viện Hùng Vương); Q.Tân Bình sắp xếp vào khu vực chợ Phạm Văn Hai vào buổi tối. Huyện Nhà Bè cũng chỉ đạo UBND các xã, thị trấn rà soát, đề xuất vị trí khu đất có mặt bằng trống để triển khai “chợ bán hàng rong” tập trung.