26/12/2024

Nói không với đồ nhựa dùng một lần

Chiến dịch nói không với đồ nhựa dùng một lần đang lan rộng một cách mạnh mẽ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước và được nhiều người ủng hộ.

Nói không với đồ nhựa dùng một lần

Chiến dịch nói không với đồ nhựa dùng một lần đang lan rộng một cách mạnh mẽ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước và được nhiều người ủng hộ.
 
 
 
 

Bạn trẻ mua sản phẩm rau gói bằng lá chuối tại BigC	 /// Ảnh: Nguyên Nga

Bạn trẻ mua sản phẩm rau gói bằng lá chuối tại BigC   Ảnh: Nguyên Nga

 

 
Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức tại Nhật vào cuối tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tái khẳng định quyết tâm của VN trong việc chống rác thải nhựa. Song song đó, VN đã và đang triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ, mục tiêu đến năm 2025 sẽ không sử dụng đồ nhựa dùng một lần trên cả nước. Với quyết tâm từ Chính phủ, nhiều địa phương từ thành phố lớn đến nhỏ đã hưởng ứng chiến dịch chống rác thải nhựa tại VN khá quyết liệt.

Chính quyền, doanh nghiệp, người dân vào cuộc

Sau hơn 3 tháng triển khai quyết liệt, tôi chưa dám nói hiệu quả thế nào nhưng ý thức người dân về tác hại của nhựa dùng một lần đã thay đổi rõ rệt. Từ bà nội trợ đi siêu thị đến bạn nhỏ uống nước ở quán cóc ven đường, họ từ chối lấy thêm túi ni lông, từ chối dùng ly nhựa mang đi mà uống tại chỗ… Đó là điều rất khích lệ, tạo động lực để chúng ta bước đến

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế

Ngày 1.8 vừa qua, kế hoạch “Chống rác thải nhựa” giai đoạn 2019 – 2021 của UBND TP.HCM chính thức có hiệu lực. Theo đó, các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn thành phố phải có kế hoạch cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong cuộc họp, hội nghị, hội thảo và hoạt động khác. Cụ thể là hạn chế sử dụng nước uống đóng chai trong công sở, hội họp, chuyển sang sử dụng các bình nước thể tích lớn (trên 20 lít), hoặc tự đun nấu, sử dụng các vật dụng chứa đựng sử dụng nhiều lần, thân thiện môi trường. Đặc biệt, không dùng ly nhựa, ống hút nhựa… sử dụng một lần trong tất cả hoạt động hằng ngày của cơ quan nhà nước. Dự kiến, từ năm 2020, Sở Tài chínhTP.HCM sẽ không bố trí kinh phí cho các khoản chi trong cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp để mua các sản phẩm nhựa dùng một lần. Đến cuối năm 2020, các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà sách sử dụng 100% bao bì thân thiện môi trường, các chợ dân sinh giảm 50% sử dụng túi ni lông khó phân hu

Nói không với đồ nhựa dùng một lần

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế (bìa phải), khuyến khích các điểm bán lẻ sử dụng túi giấy thay túi ni lông   Ảnh: Ái Như

 

Cũng từ đầu tháng 8 này, Sở Công thương Hà Nội triển khai kế hoạch “chống rác thải nhựa” trong sản xuất công nghiệp, phân phối giai đoạn 2019 – 2020. Hà Nội đề ra chỉ tiêu 100% doanh nghiệp (DN) sản xuất và phân phối trên địa bàn thành phố cam kết phòng chống rác thải nhựa đến cuối năm 2020. Với DN sản xuất, tỷ lệ nguyên liệu nhựa dùng trong sản xuất sẽ giảm dần và bảo đảm được việc rác thải phát sinh từ nhà máy phải được thu gom, phân loại từ nguồn… Trước đó, tuần đầu tháng 6, Sở Du lịch Hà Nội cũng ban hành Công văn 435 yêu cầu các đơn vị, cá nhân kinh doanh du lịch triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lông, ống hút nhựa, cốc nhựa dùng một lần…
 
Thực tế, địa phương đi đầu và sớm nhất trong chiến dịch nói không với đồ nhựa dùng một lần một cách quy mô có thể kể đến tỉnh Thừa Thiên-Huế. Từ ngày 17.5, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phát động phong trào “Ngày chủ nhật xanh” và buộc các cán bộ, công chức, viên chức ký cam kết “nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”.
 
Nhiều DN, người dân cũng nhanh chóng vào cuộc. Sáng cuối tuần đầu tháng 8, tại quán cà phê Trung Nguyên Legend trên đường Lê Đại Hành (Q.11, TP.HCM), một vị khách cho biết khá ngạc nhiên khi thấy ống hút bằng giấy được sử dụng trong quán. Nhân viên phục vụ cho biết, toàn bộ hệ thống quán cà phê Trung Nguyên Legend đã dùng ống hút này từ cuối năm 2018. Quán cà phê Highland góc đường Nguyễn Đình Chiểu – Bà Huyện Thanh Quan (Q.3, TP.HCM) khuyến khích khách mang ly, bình từ nhà đi sẽ được miễn phí upsize. Theo nhân viên tại quán, ống hút nhựa, muỗng chỉ được phục vụ khi khách yêu cầu. Hệ thống Starbucks lại thay đổi thiết kế ly nhựa nắm có phễu để người uống khỏi dùng ống hút; cà phê Old Compass (Pasteur, Q.1, TP.HCM) chuyển sang dùng ống hút inox phục vụ khách… Thậm chí, nhiều cửa hàng bán online cũng bắt đầu dùng túi giấy đựng hàng thay vì túi ni lông như trước. Phạm Minh Ngọc, chủ cửa hàng bán áo quần online ở Q.3, cho biết: “Túi giấy cũng không mắc hơn nhiều so với túi ni lông. Thật sự mình nhận hàng thấy gói giấy rất đẹp so với túi ni lông, nhiều khách hàng rất ưng ý”.
 
Trước đó trên cả nước, nhiều DN đã bắt đầu thực hiện các chương trình sản xuất xanh. Hệ thống siêu thị Co.opMart, BigC… đều sử dụng lá chuối bọc rau củ quả thay vì túi ni lông sử dụng một lần. Một số nhà sản xuất lắp ráp dùng túi giấy bỏ các thiết bị điện tử, gia dụng…

Mỗi năm 2,5 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra môi trường

Một khảo sát của Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng cho thấy, tại VN, rác thải nhựa chiếm 7% tổng lượng chất thải rắn thải ra, tương đương gần 2.500 tấn/ngày. Đáng chú ý, lượng chất thải nhựa và túi ni lông cả nước chiếm khoảng 8 – 12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Như vậy, nếu tính trung bình khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi ni lông không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi ni lông thải bỏ ra môi trường xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm.
 
Đây là gánh nặng cho môi trường. Chuyên gia môi trường, PGS-TS Phạm Thế Hiện, Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường, thông tin cuối năm 2018, đại diện Chương trình Môi trường LHQ công bố mỗi năm VN xả ra đại dương 0,28 – 0,73 triệu tấn rác thải nhựa (chiếm 6% toàn thế giới), đứng thứ 4 thế giới sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines. Theo các nhà khoa học, trong khoảng 10 năm tới, nếu không có hành động cụ thể để giảm xả thải, lượng rác thải nhựa ra biển sẽ tăng gấp đôi.
 
Đồ nhựa dùng một lần ở VN được sử dụng vô tội vạ vì giá rẻ mạt. Theo PGS-TS Phạm Thế Hiện, túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần phổ biến ở chợ, hàng quán chứ không phải trong các môi trường công sở. Thế nên, việc tuyên truyền để người dân ý thức rõ hơn về tác hại của đồ nhựa dùng một lần cần phải mạnh mẽ hơn nữa. “Tính trung bình mỗi người dùng 1 túi ni lông trong 1 ngày thì 5 năm nữa, chúng ta sống ngập trong rác ni lông, ô nhiễm”, ông Hiện nói.

Cần có luật để chế tài

Trao đổi với Thanh Niên, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho rằng vấn đề không chỉ là câu chuyện uống nước đóng chai nhựa hay chai thủy tinh mà là nâng cao nhận thức, ý thức người dân. “Thừa Thiên-Huế là địa phương mạnh công nghiệp không khói, nếu để tình trạng sử dụng đồ nhựa, túi ni lông dùng một lần tràn lan, dễ dãi sẽ tạo cái nhìn thiếu thiện cảm với du khách ngay từ đầu. Cách làm của địa phương trong chiến dịch nói không với túi nhựa một lần là tuyên truyền nhằm hạn chế, rồi thay thế và tiến đến loại bỏ hoàn toàn. Giai đoạn hiện nay đang làm song song hai bước là hạn chế và thay thế. Sau hơn 3 tháng triển khai quyết liệt, tôi chưa dám nói hiệu quả thế nào nhưng ý thức người dân về tác hại của nhựa dùng một lần đã thay đổi rõ rệt. Từ bà nội trợ đi siêu thị đến bạn nhỏ uống nước ở quán cóc ven đường, họ từ chối lấy thêm túi ni lông, từ chối dùng ly nhựa mang đi mà uống tại chỗ… Đó là điều rất khích lệ, tạo động lực để chúng ta bước đến”, ông Phan Ngọc Thọ chia sẻ.
 
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), nhận xét hiện nay nhiều cơ quan công sở, DN hay các hàng quán đã hưởng ứng chương trình hạn chế rác thải, đặc biệt rác thải nhựa là điều đáng mừng và tiếp tục khuyến khích nhân rộng ra cả nước. “Nhà nước cần có thêm chính sách mạnh mẽ hơn. Khuyến khích để các cơ sở sản xuất chuyển đổi mặt hàng thay thế túi ni lông hay nghiên cứu tăng thuế nhập khẩu với một số loại nguyên vật liệu dùng để sản xuất các sản phẩm túi nhựa. Đồng thời đưa vấn đề môi trường vào giáo dục từ các cấp…”, PGS-TS Tuấn đề nghị.
 
Đồng quan điểm, ông Phan Ngọc Thọ bổ sung, để chiến dịch nói không với đồ nhựa dùng một lần có hiệu quả, cần thiết phải có đạo luật quốc gia về vấn đề này. Có đạo luật mới có chế tài, xử phạt. Thậm chí, trong luật cũng đưa ra chi tiết các ngành hàng kinh doanh nào không được sử dụng vật đựng bằng nhựa dùng một lần, từ sản xuất đến tiêu thụ.
 
 
NGUYÊN NGA – MAI PHƯƠNG