Dịch tả lan rộng, cuối năm nay sẽ thiếu thịt heo?
Dịch tả heo châu Phi (ASF) đang tiếp tục lan rộng với số lượng tiêu hủy ngày một nhiều, tổng đàn heo bị giảm sút mạnh trong khi người chăn nuôi không dám tái đàn do lo rủi ro, khả năng thiếu thịt trong những tháng cuối năm khó tránh khỏi.
Dịch tả lan rộng, cuối năm nay sẽ thiếu thịt heo?
Dịch tả heo châu Phi (ASF) đang tiếp tục lan rộng với số lượng tiêu huỷ ngày một nhiều, tổng đàn heo bị giảm sút mạnh trong khi người chăn nuôi không dám tái đàn do lo rủi ro, khả năng thiếu thịt trong những tháng cuối năm khó tránh khỏi.
Nguồn cung giảm mạnh, nhu cầu tăng cao những tháng cuối năm sẽ khiến giá thịt heo càng tăng mạnh là kịch bản đã được dự báo trước.
Do đó, các địa phương và doanh nghiệp đang tích cực chạy đua để chuẩn bị nguồn cung thịt các loại nhằm bù đắp cho lượng thịt heo thiếu hụt, hạn chế nguy cơ “sốt” giá thịt heo cuối năm.
Khó tránh nguy cơ thiếu thịt
Trước diễn biến phức tạp của dịch ASF, ông Đ.V.Đ. (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) vừa bán hơn 1.000 con heo thịt dù trọng lượng chỉ đạt khoảng 70kg/con, do lo ngại dịch ASF lan rộng. Khoảng 700 con còn lại trong khu trại lạnh được giữ lại, ông Đ. cũng dự định sẽ kêu bán khi đủ trọng lượng và được giá.
“Những tháng cuối năm nay, giá heo sẽ tăng cao vì thiếu hàng nhưng tôi không dám tái đàn vì sợ dịch bệnh” – ông Đ. cho biết.
Ông M. – một thương lái cung cấp heo cho chợ đầu mối TP.HCM – cũng cho biết nhiều trại heo thịt tại Đồng Nai đang đua nhau bán heo dưới trọng lượng, khi heo đạt 60-70kg/con thay vì 100kg/con như bình thường để “chạy dịch”, sau khi dịch ASF lan vào các trang trại quy mô lớn, khiến giá heo hơi rơi về khoảng 30.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành.
“Người chăn nuôi thà bán rẻ, bán lỗ vốn còn hơn để mất trắng khi đàn heo bị nhiễm dịch” – ông M. nói.
Theo các thương lái, đàn heo tại Đồng Nai đã giảm tới 30-40% so với trước dịch, một phần heo bị tiêu hủy và một phần người chăn nuôi không tái đàn, nên nguy cơ thiếu hụt nguồn heo ra thị trường những tháng cuối năm nay là khó tránh khỏi.
Ông Phạm Đức Bình – giám đốc Công ty Thanh Bình – cũng cho rằng căn cứ vào lượng cám bán ra, trong đó nhiều đơn vị giảm hơn 50% doanh số bán cám, có thể thấy đàn heo trên địa bàn giảm mạnh so với cuối năm 2018.
Ông Kiều Minh Lực – phó tổng giám đốc Công ty chăn nuôi CP Việt Nam (Đồng Nai) – cho biết thông thường các trang trại nuôi heo nái có tỉ lệ thế đàn 30-40% mỗi năm do heo nái già hoặc giảm sản lượng sinh sản.
Nhưng vì dịch bệnh, các trang trại này không dám đưa heo hậu bị (heo nái đẻ con để cung cấp heo giống) về nuôi do lo sẽ bị nhiễm virút ASF trên đường vận chuyển.
“Do đó, các trang trại phải tiếp tục nuôi heo nái có chất lượng giảm hơn hoặc giảm đàn heo, lượng heo con cung cấp ra thị trường sẽ giảm theo, nguồn cung thịt heo cũng giảm tương ứng” – ông Lực nói.
Phun thuốc tiêu độc, khử trùng xe vận chuyển heo tại trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức trước khi vào nội thành TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Dự trữ hay tìm nguồn thay thế?
Ông Huỳnh Thành Vinh – giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, thủ phủ chăn nuôi của cả nước – cho biết địa phương này không khuyến khích tái đàn bởi tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi việc cấp đông dự trữ thịt cũng không khả thi bởi chi phí rất lớn, nhất là thiết bị cấp đông thịt heo (âm 40 độ C) hay thiết bị rã đông để đảm bảo chất lượng thịt.
“Đầu tư thì được, nhưng vấn đề kinh phí sẽ rất cao, giá thành sẽ đội lên. Đây là một trong những khó khăn trong việc đưa thịt heo vào dự trữ” – ông Vinh nói.
Trong khi đó, với tốc độ lây lan dịch ASF nhanh như hiện nay, theo ông Vinh, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng thiếu thịt heo, bởi thịt heo là món chính trong bữa ăn của phần lớn người dân. Và khi cung không đáp ứng được cầu, thịt heo sẽ đội giá.
Do đó, ông Vinh cho biết đã làm việc với các trang trại chăn nuôi bò trên địa bàn mở rộng đàn, đồng thời khuyến khích người dân tăng cường nuôi thủy sản, gia cầm nhằm bù đắp lại lượng thịt heo bị thiếu trong giai đoạn tiếp theo.
“Trước mắt, từ nay đến cuối năm ngành nông nghiệp đang tìm kiếm các nguồn thịt thay thế thịt heo. Trong đó, chúng tôi đang khuyến khích các hộ chăn nuôi, trang trại nên nuôi bò, gà vịt, thủy sản… đẩy mạnh sản xuất nhằm đảm bảo đủ lượng thịt phục vụ nhu cầu người dân trong thời gian tới” – ông Vinh cho biết.
Dù thừa nhận việc chuyển đổi vật nuôi từ heo sang các loại khác như trâu bò, thủy sản hay gia cầm… là giải pháp khả dĩ nhất hiện nay, nhưng một chuyên gia nông nghiệp cho rằng sẽ rất khó bù đắp lượng thịt heo bị thiếu hụt, bởi tăng 10% gia cầm hay 15% bò chỉ giải quyết được 1% thịt heo, chưa kể việc tăng đàn mạnh các loại vật nuôi này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
“Còn nếu nhập thịt ồ ạt sẽ vô tình đẩy ngành chăn nuôi trong nước tiếp tục lún sâu, khó có khả năng hồi phục trong ngắn hạn” – vị này khuyến cáo.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Phú – phó tổng giám đốc Công ty Vissan – vẫn lạc quan khi cho rằng nguồn cung thịt heo từ các trang trại lớn vẫn còn “dồi dào”.
Dù vậy, theo ông Phú, doanh nghiệp này cũng có nguồn hàng thịt đông lạnh nhập khẩu để đảm bảo nguyên liệu cho chế biến và dự trữ. Nhưng nguồn cung thịt heo tươi trong nước vẫn là quan trọng nhất vì thói quen của người tiêu dùng vẫn là tiêu thụ thịt tươi, thịt nóng.
TP.HCM: nhiều kịch bản ứng phó
Công nhân lò giết mổ heo Thy Thọ (TP Long Khánh, Đồng Nai) chuẩn bị đơn hàng cung cấp cho hệ thống siêu thị – Ảnh: A LỘC
Trước nguy cơ nguồn cung thịt heo thiếu hụt vào cuối năm, một lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM cho biết cơ quan này đã triển khai kế hoạch nhằm đảm bảo nguồn cung thịt ra thị trường.
Trong số đó, các doanh nghiệp thực phẩm cam kết sẽ đảm bảo cung cấp cho thị trường thành phố 106,5 tấn thịt heo và 220 tấn thịt gà mỗi ngày, chưa kể các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường cũng đã chuẩn bị tăng cường 33,5 tấn thịt heo/ngày và 37 tấn thịt gà/ngày cho thị trường cuối năm.
Trường hợp nguồn heo giảm khiến giá tăng mạnh, thành phố sẽ tính đến kế hoạch sử dụng nguồn thịt heo đông lạnh dự trữ và xây dựng phương án chuẩn bị nhập khẩu thịt đông lạnh.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Hải quan TP.HCM ghi nhận các doanh nghiệp đã nhập khẩu trên 5.600 tấn thịt heo, tăng khoảng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng thịt heo nhập nhiều nhất từ các nước Brazil, Hoa Kỳ, Ba Lan…
Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp nhập thịt heo để chế biến thực phẩm như làm giò chả, xúc xích… chứ ít bán lẻ ra thị trường do không phù hợp thị hiếu, nếu có chủ yếu là thịt heo đặc sản hoặc thịt heo cao cấp.