Thuế suất quá cao so với nhiều nước
Mức chiết trừ gia cảnh thấp, biểu thuế luỹ tiến nhiều bậc với thuế suất cao… là những điều còn chưa hợp lý trong luật Thuế thu nhập cá nhân của VN.
Thuế suất quá cao so với nhiều nước
Mức chiết trừ gia cảnh thấp, biểu thuế luỹ tiến nhiều bậc với thuế suất cao… là những điều còn chưa hợp lý trong luật Thuế thu nhập cá nhân của VN.
Người dân làm thủ tục thuế thu nhập cá nhân tại Cục Thuế TP.HCM Đào Ngọc Thạch
Hiện biểu thuế lũy tiến từng phần tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của VN gồm 7 bậc, từ 5% và cao nhất là 35%. Khoảng cách giữa mỗi bậc tính thuế này là 5%. Trong khi đó tại Singapore, chính phủ cũng áp dụng cách tính thuế TNCN theo lũy tiến. Biểu thuế TNCN của đảo quốc này chia thành 10 bậc thuế với thuế suất từ 2% đến mức cao nhất là 22%.
Khoảng cách thuế suất giữa các bậc cũng khác nhau. Chị Hà (hiện đang làm việc tại Singapore cho một tập đoàn toàn cầu) cho hay, nếu một người có thu nhập khoảng 10.000 SGD/tháng (tương đương 170 triệu đồng/tháng), ở VN sẽ phải đóng thuế ở biểu thuế suất 35%, còn ở Singapore chỉ đóng mức 3,5%. Chính sách thuế của nước này cho chiết giảm gia cảnh, một số chi phí… Vì vậy sau khi trừ đi các chi phí, tỷ lệ thuế trên thu nhập không cao bằng tại VN.
Còn tại Malaysia, biểu thuế cũng chia 10 bậc từ 1% đến mức cao nhất 28%. Hay tại Indonesia, chỉ có 4 bậc thuế trải từ 5 – 30%… Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Basico, nhận định: không nên đưa ra con số tuyệt đối về mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc mà có thể dựa vào mức lương tối thiểu do nhà nước ban hành. Đồng thời, nên tính toán lại các mức thuế suất trong biểu thuế theo hướng giảm để khuyến khích người dân tham gia đóng thuế đầy đủ.
Chẳng hạn có thể đưa ra mức thuế thấp nhất là 2% để mọi người không cảm thấy nhiều gánh nặng và mức thuế suất cao nhất là 20%, bằng với mức thuế thu nhập doanh nghiệp. “Mức lương tối thiểu đều được thay đổi hằng năm nhằm bù đắp cho trượt giá để nâng mức sống tối thiểu của người dân. Trong đó mục tiêu bù đắp trượt giá là chính. Vậy phần đóng thuế của người dân cũng phải được điều chỉnh hằng năm mới hợp lý. Vì cứ để đóng khung cứng về thuế suất, mức giảm trừ gia cảnh… khiến nhiều người thấy chi tiêu quá cao, thu nhập còn lại ít mà phải đóng thuế cho nhà nước luôn ở mức cao là không công bằng. Điều đó cũng khiến cho nhiều người phải tìm mọi cách lách để đóng thuế ít hơn. Các công ty cũng né thuế cho người lao động như tăng tối đa chi phí tiếp khách, chi phí không chính thức… Tôi nhớ ngày xưa khi thuế giá trị gia tăng, thuế phí nhà đất ở mức cao khiến nhiều người không chịu nộp nên phải điều chỉnh giảm xuống. Từ đó nguồn thu từ các loại phí này lại tăng nhiều hơn khi số người nộp thuế được mở rộng. Quan trọng là chính sách thuế phải nuôi dưỡng nguồn thu hơn là tận thu”, luật sư Trương Thanh Đức phát biểu.
M.PHƯƠNG – T.XUÂN