Sẽ có iPhone, iPod ‘made in Vietnam’?
Sau tai nghe iPod, thông tin Apple có thể đặt nhà sản xuất iPhone tại Việt Nam thực sự khiến nhiều “tín đồ” của tập đoàn công nghệ Mỹ tò mò, phấn khích.
Sẽ có iPhone, iPod ‘made in Vietnam’?
Sau tai nghe iPod, thông tin Apple có thể đặt nhà sản xuất iPhone tại Việt Nam thực sự khiến nhiều “tín đồ” của tập đoàn công nghệ Mỹ tò mò, phấn khích.
Việt Nam vẫn còn thiếu nhân lực công nghệ chất lượng cao Ảnh Ngọc Thắng
Sáng 31.7, tờ The New York Times có một bài phân tích khá dài về xu hướng dịch chuyển các tập đoàn lớn từ Trung Quốc sang Việt Nam, sau những khó khăn và bất định liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.
Tờ nhật báo hàng đầu của Mỹ cho hay, các nhà máy của Việt Nam đã tăng mạnh với các đơn đặt hàng vì thuế quan của Mỹ khiến các công ty phải xem xét lại việc sản xuất sản phẩm của họ tại Trung Quốc. Nhiều công ty công nghệ lớn đang tìm cách đẩy mạnh hoạt động sản xuất tại Việt Nam, nâng cao tham vọng của một quốc gia đang trên đường trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh và các thiết bị cao cấp khác.
“Apple đã tìm đến Việt Nam và Ấn Độ khi họ tăng cường tìm kiếm các cách để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình. Nintendo đã tăng tốc chuyển đổi sản xuất bảng điều khiển Switch sang Việt Nam từ Trung Quốc, theo Panjiva, một công ty nghiên cứu chuỗi cung ứng. Công ty điện tử Đài Loan Foxconn, một nhà lắp ráp iPhone lớn, cho biết vào tháng 1 rằng họ đã mua quyền sử dụng đất ở Việt Nam và đã bơm 200 triệu đô la vào một công ty con của Ấn Độ. Các đối tác khác của Đài Loan và Trung Quốc với Apple đã chỉ ra rằng họ cũng đang xem xét tăng cường hoạt động tại Việt Nam”, The New York Times đánh giá.
Trước đó, Apple được cho là sẽ chuyển nhà máy sản xuất tai nghe không dây AirPods, một trong những phụ kiện quan trọng nhất của hãng, từ Trung Quốc sang Việt Nam, như một cách để giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang tiếp tục.
Nguồn tin cũng cho hay, Goertek, một trong những đối tác sản xuất tai nghe chính cho Apple, sẽ đầu tư vào nhà máy sản xuất tai nghe AirPods thế hệ mới nhất của Apple tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Hiện tại Goertek đang có 2 nhà máy lắp ráp tại khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh). Gần đây, Goertek chi nhánh tại Việt Nam cũng liên tục đăng tin tuyển dụng nhân sự, nhiều khả năng là để chuẩn bị cho dây chuyền lắp ráp AirPods mới của Apple.
Apple đang gặp nhiều khó khăn tại Trung Quốc Ảnh: Phonearena
|
Không dễ “xơi”
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để Apple lựa chọn Việt Nam làm nơi đặt nhà máy sản xuất iPhone cũng không phải chuyện một sớm một chiều. Tại hội thảo Thương chiến Mỹ – Trung do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách tổ chức, ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF), cho biết hoàn toàn chưa đủ cơ sở để khẳng định FDI đang thực sự dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đặc biệt là từ các hãng công nghệ lớn như Apple, bởi những tập đoàn này cần công xưởng với nhân công có chất lượng lên tới hàng trăm ngàn người. Ngoài ra, còn nguồn linh kiện, nguyên phụ liệu giá rẻ mà Trung Quốc vốn chiếm nhiều lợi thế.
Trao đổi với Thanh Niên, PGS – TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, cảnh báo nên khoan vội vui mừng vì những thông tin đó.
“Apple hay các tập đoàn lớn của thế giới nói chuyển cũng không thể chuyển ngay được. Họ cần nhân lực chất lượng cao, hạ tầng hiện đại còn Việt Nam chúng ta đã có chưa?”, ông Thiên nói và cho rằng, muốn đón được làn sóng này, Việt Nam phải có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ là đào tạo nguồn nhân lực công nghệ, chất lượng. Cùng với đó là phải đầu hạ tầng cảng biển, cao tốc hiện đại, thông thoáng. “Tôi thì thấy không dễ xơi chút nào, đó là còn chưa nói đến khâu thủ tục chúng ta cũng chưa đủ sức cạnh tranh với nhiều nước khác trong khu vực”, chuyên gia này nhận định.
PGS – TS Trần Đình Thiên cũng nhấn mạnh, xu hướng đó có xảy ra hay không còn phụ thuộc vào hành động của Việt Nam. Thực tế, ngay trong quý 2 năm nay, nguồn vốn FDI vào Việt Nam đã giảm mạnh với 2 con số (tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 7 tháng năm nay đạt 11,7 tỉ USD, giảm 35,6% so với cùng kỳ năm 2018). Điều đó, cho thấy các “ông lớn” FDI còn rất e ngại về nhiều thứ tại Việt Nam chứ không phải “miếng bánh” ngon.
ANH VŨ