Nên tiếp tục hay dừng tuyển sinh bậc cao đẳng trong trường đại học?
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – thương binh và xã hội) vừa có quyết định cho phép các trường đại học tiếp tục tuyển sinh bậc cao đẳng năm học 2019-2020.
Nên tiếp tục hay dừng tuyển sinh bậc cao đẳng trong trường đại học?
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – thương binh và xã hội) vừa có quyết định cho phép các trường đại học tiếp tục tuyển sinh bậc cao đẳng năm học 2019-2020.
Sinh viên Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM trong giờ thực hành. Đây là trường CĐ tuyển sinh khá tốt trong nhiều năm qua – Ảnh: NHƯ HÙNG
Trước đó, bộ này đã có văn bản đề nghị 45 trường đại học (ĐH) dừng tuyển sinh bậc cao đẳng (CĐ). Mục tiêu của việc dừng tuyển sinh này là gì? Liệu có giúp các trường CĐ mở rộng nguồn tuyển?
Tránh giẫm chân nhau
ThS Nguyễn Đăng Lý – hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM – cho biết năm 2015 Bộ GD-ĐT đã có thông tư yêu cầu các trường ĐH có tuyển sinh và đào tạo hệ CĐ giảm 20% chỉ tiêu mỗi năm, để đến năm 2020 không còn bậc học này trong trường ĐH.
Tuy nhiên thực tế hầu như không trường nào giảm cả, và cũng không ai kiểm soát chỉ tiêu CĐ của các trường ĐH. Điều này thực sự đã khiến các trường CĐ gặp khó khăn trong tuyển sinh bởi nguồn tuyển bị các trường ĐH tuyển hết.
“Do tâm lý vào trường ĐH oách hơn nên các trường ĐH tuyển sinh bậc CĐ sẽ thuận lợi hơn các trường CĐ. Hơn nữa, các trường ĐH sử dụng rất nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, bao gồm cả học bạ, nên nguồn tuyển của các trường CĐ bị lấy đi rất nhiều.
Trong khi đó, mỗi bậc đào tạo có nhiệm vụ và phương thức đào tạo khác nhau, phục vụ nhu cầu nhân lực khác nhau. Trường CĐ đào tạo 70% thực hành theo hướng ứng dụng, trong khi trường ĐH đào tạo CĐ vẫn theo hướng lý thuyết hàn lâm” – ông Lý nói.
Trong khi đó, đại diện một trường ĐH có đào tạo CĐ tại TP.HCM cho rằng không thể nói giảm nguồn tuyển chỗ này thì nguồn tuyển chỗ kia sẽ tăng lên. Thực tế có nhiều trường CĐ đào tạo chất lượng vẫn tuyển sinh rất tốt, điểm đầu vào nhiều khi còn cao hơn cả ĐH.
Các trường ĐH không tuyển sinh CĐ, dĩ nhiên họ sẽ tăng chỉ tiêu ĐH lên. Thay vì lấy điểm cao, họ giảm điểm chuẩn để tuyển người học thì đâu lại vào đấy.
“Trước đây, các trường trung cấp cũng cho rằng ĐH tuyển trung cấp nên họ không tuyển được. Tuy nhiên khi các trường ĐH ngừng tuyển trung cấp mấy năm qua, trường trung cấp cũng không khá hơn, thậm chí tệ hơn” – vị này dẫn chứng.
Ở góc độ là một trường CĐ tuyển sinh khá tốt, ThS Ngô Thị Quỳnh Xuân – hiệu trưởng Trường CĐ Nghề du lịch Sài Gòn – cho rằng việc dừng tuyển sinh CĐ của trường ĐH không nên hiểu theo hướng để dành nguồn tuyển cho trường CĐ.
Theo bà Xuân, mỗi bậc học đều có định hướng đào tạo riêng, đáp ứng nguồn nhân lực cho các phân khúc khác nhau. Trường CĐ định hướng đào tạo thực hành, trường ĐH theo hướng hàn lâm, nghiên cứu. Nếu để như hiện nay sẽ có sự chồng chéo, giẫm chân nhau giữa trường ĐH và CĐ.
“Vấn đề nguồn tuyển nằm ở chính các trường. Hiện nay có nhiều trường CĐ tuyển sinh vẫn rất tốt, vẫn thu hút được người giỏi vào học. Ngoài các chính sách chung, mỗi trường cũng cần đầu tư cho chất lượng để thu hút người học” – bà Xuân nói thêm.
Nên linh hoạt
Từng làm chính sách nhiều năm ở Bộ GD-ĐT, ông Hoàng Ngọc Vinh – nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT – cho rằng việc ngừng tuyển sinh CĐ ở các trường ĐH có mặt được và chưa được.
Cái được khi trường ĐH tuyển sinh CĐ là cung ứng nhân lực ở trình độ CĐ đáp ứng nhu cầu nhân lực và nhu cầu người học, thực hiện tốt nguyên tắc xã hội hóa huy động nguồn lực cho giáo dục nghề nghiệp, giải quyết nhân lực giảng dạy chỉ có khả năng dạy CĐ.
Tuy nhiên, điều này cũng có hạn chế. Không ít trường ĐH lấy chương trình ĐH cắt xén thành chương trình đào tạo CĐ làm ảnh hưởng đến chất lượng chính trong đào tạo CĐ. Một số trường ĐH vì nguồn thu mà chạy theo tuyển sinh bậc CĐ, xa rời mục tiêu, sứ mạng đào tạo ĐH của mình.
Cùng một khu vực, nếu trường CĐ và trường ĐH có đào tạo CĐ cùng ngành, đa số thí sinh sẽ chọn học ở ĐH, đó là sự cạnh tranh không lành mạnh đối với trường CĐ.
Để giải quyết bài toán này cần có sự linh hoạt. Ông Vinh đề xuất: “Một số địa phương không có trường CĐ, chỉ có trường ĐH đào tạo bậc CĐ đáp ứng nhu cầu tại chỗ. Nếu không cho đào tạo CĐ sẽ gây khó khăn cho chính các địa phương này.
Bên cạnh đó, hiện có nhiều tập đoàn, trường ĐH có nhiều bậc học. Nếu cấm đào tạo CĐ cũng cần tính đến phương án họ sẽ lách để đào tạo CĐ bằng cách thành lập các trường CĐ độc lập. Thực tế hiện nay đã bắt đầu hình thành xu hướng này. Như thế nguồn lực đầu tư giáo dục sẽ bị phân tán, đi ngược lại chủ trương quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp”.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho biết mục tiêu việc ngừng đào tạo CĐ trong trường ĐH không phải vì cạnh tranh nguồn tuyển. Hành lang pháp lý có, sứ mệnh, chức năng và mục tiêu đào tạo của trường CĐ và ĐH khác nhau.
“Nguồn tuyển của giáo dục nghề nghiệp là vô cùng lớn, từ học sinh cơ sở để phân luồng sớm, từ hàng chục triệu lao động cần đào tạo lại, đào tạo liên tục, chứ không chỉ từ nguồn cạnh tranh trực tiếp với giáo dục ĐH.
Bộ đã chỉ đạo định hướng các trường như vậy và xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế để mở rộng nguồn tuyển cho các trường nghề. Qua đó nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo lên cao (hiện chỉ khoảng 23% lực lượng lao động).
Vừa rồi, đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH đã được đưa vào Luật giáo dục sửa đổi, mở ra nguồn tuyển lớn từ mô hình đào tạo 9+ với mục tiêu nâng chỉ tiêu phân luồng trong 5 năm tới lên 30% học sinh hết THCS vào học nghề” – ông Quân cho biết.
Cũng theo ông Quân, trường CĐ muốn tuyển tốt cũng phải chú ý nâng cao chất lượng đào tạo, việc làm. Cái gốc vẫn là chất lượng. Hiện có nhiều trường CĐ tuyển sinh rất tốt, thậm chí điểm chuẩn còn cao hơn ĐH.
“Có thể điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ trường ĐH tốt hơn nhưng đó chỉ là một phần của chất lượng. Mỗi bậc có hệ thống tiêu chuẩn, phương pháp đào tạo, quản trị khác nhau dù trường CĐ và trường ĐH sẽ còn liên kết với nhau chặt chẽ sau này, nhưng phải rạch ròi về quản trị, tiêu chuẩn, chương trình đào tạo, điều kiện đảm bảo chất lượng… để đáp ứng tốt mục tiêu chất lượng của phân khúc” – ông Quân nói.
Muốn đào tạo cao đẳng, thành lập trường cao đẳng
Theo Thứ trưởng Lê Quân, trong thời gian tới, trường ĐH muốn đào tạo CĐ phải tách bạch quản trị, chương trình đào tạo, tiêu chuẩn giảng viên, điều kiện đảm bảo chất lượng… với ĐH. Có thể xây dựng đề án thành lập trường CĐ độc lập với các tiêu chuẩn phải chịu sự chi phối theo quy định của giáo dục nghề nghiệp.
Hiện nay đã có một số trường ĐH trình đề án thành lập trường CĐ. Với các trường ĐH địa phương tuyển sinh ĐH khó khăn, bộ sẽ xem xét hỗ trợ để trường tuyển sinh bậc CĐ với các điều kiện đảm bảo chất lượng phù hợp.