Dịch sâu keo mùa thu có thể đe doạ an ninh lương thực
Sâu keo mùa thu là loài gây hại đặc biệt nguy hiểm, dù mới xâm nhập vào VN nhưng đã lan đến 36 tỉnh, thành và lây lan nhanh, trong khi lại khó diệt trừ vì chưa có thuốc đặc trị.
Dịch sâu keo mùa thu có thể đe doạ an ninh lương thực
Sâu keo mùa thu là loài gây hại đặc biệt nguy hiểm, dù mới xâm nhập vào VN nhưng đã lan đến 36 tỉnh, thành và lây lan nhanh, trong khi lại khó diệt trừ vì chưa có thuốc đặc trị.
Sâu keo mùa thu đang gây ra mức độ tàn phá rất lớn tại tỉnh Sơn La, vùng trồng ngô lớn nhất miền Bắc Ảnh: P.Hậu
Đến thời điểm hiện nay, sâu keo mùa thu đang là mối nguy đe dọa ngành trồng trọt, đặc biệt là cây ngô (bắp).
Một lứa ngô 6 lần phun thuốc không hết sâu
Khảo sát trong ngày 24.7 tại TT.Nông trường Mộc Châu (H.Mộc Châu, Sơn La), nhiều thửa ruộng ngô 2 – 3 lá cho đến ngô trổ cờ đang bị sâu cắn phá tả tơi. Ông Tạ Mạnh Hùng (tiểu khu 3, TT.Nông trường Mộc Châu) cho biết, chưa khi nào nông dân nông trường phải đối mặt với loại sâu vừa nhiều vừa khó diệt như sâu keo mùa thu. Ông Hùng kể, ngay sau khi phát hiện sâu, cứ 2 – 3 ngày ông lại phải phun thuốc một lần nhưng chỉ được 3 – 4 ngày sau lại thấy có nhiều sâu to, sâu non mới và phải tiếp tục “đánh thuốc”. Mảnh ruộng trồng ngô rộng 8.000 m2hiện đang có bắp non nhiễm sâu keo mùa thu từ khi gieo trồng đến nay đã phun thuốc 6 lần, cả tiền công lẫn thuốc tốn hơn 11 triệu đồng. “Vụ ngô bình thường chỉ phải phun thuốc 1 – 2 lần là cùng, nhưng với con sâu keo này đã phun đến 6 lần mà vẫn chưa hết. Vẫn biết phun nhiều là không còn lãi nhưng nếu không phun thì mất trắng”, ông Hùng nói.
Sâu keo trưởng thành chui vào nõn ngô cắn phá khiến việc phun thuốc diệt trừ không đạt hiệu quả cao
|
Xã Đông Sang (H.Mộc Châu) cũng đang là “điểm nóng”. Có ruộng ngô nhiễm sâu keo mùa thu, ông Nguyễn Thông Tiềm cho biết so với các loài sâu từng gặp trước đây, sâu keo mùa thu có tốc độ phát triển rất nhanh và cắn phá khốc liệt nhất. “Nếu không phun thuốc, “buông” chỉ 1 – 2 ngày là ruộng ngô bị ăn sạch lá. Mỗi lần phun thuốc hiện nay tiêu tốn 2 triệu đồng. Ruộng ngô này trồng 75 ngày, chưa đến ngày thu hoạch nhưng đã phải phun thuốc lần 4 rồi”, ông Tiềm nói.
Bà Lưu Thanh Nga, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật (BVTV) Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Sơn La, cho biết toàn tỉnh có trên 22.000 ha ngô nhiễm sâu keo mùa thu, chiếm 22% tổng diện tích ngô tại địa phương. Ở nơi nhiễm nặng nhất, sâu có mật độ lên tới 50 – 70 con/m2, một nõn ngô có đến 2 – 3 con cùng trú ngụ, cắn phá. Cũng theo bà Nga, thiệt hại do sâu keo mùa thu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và khó khăn nhất hiện nay là địa hình đồi dốc hiểm trở, bà con chỉ dùng bình phun thủ công thì không đạt hiệu quả diệt sâu ở mức tối đa.
Xây dựng các kịch bản phòng ngừa
Dù nhiều tổ chức quốc tế đã có cảnh báo mạnh về tác hại, nguy hiểm của sâu keo mùa thu, nhưng thực tế tại VN đang có rất nhiều vấn đề trong công tác phòng chống được các đại biểu đặt ra tại hội nghị về công tác phòng chống sâu keo mùa thu, do Bộ NN-PTNT tổ chức tại Sơn La ngày 25.7.
Cục phó Cục BVTV Nguyễn Quý Dương cho rằng, khi mới phát hiện trong tháng 4, Cục đã cảnh báo sớm nhưng sâu keo mùa thu phát tán rộng có nguyên nhân tại nhiều địa phương hệ thống trạm BVTV bị sáp nhập nên mất đi vai trò phát hiện, điều tra và cảnh báo sớm dịch bệnh. Nhiều diện tích ngô khi phát hiện thì sâu đã thành quần thể, sức tàn phá mạnh. “Có địa bàn sau sáp nhập chỉ còn một cán bộ làm nhiệm vụ chuyên môn về BVTV, nhưng thời gian qua được chính quyền điều động đi chống dịch tả lợn châu Phi”, ông Dương nói.
Chia sẻ tại hội nghị, một lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Yên Bái nêu dẫn chứng ở địa phương có tình trạng dù đã tuyên truyền, cảnh báo nhưng chính quyền nhiều nơi thờ ơ trong chỉ đạo công tác phòng chống loại sâu nguy hại này và có tâm lý phó mặc ngành BVTV. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu lo ngại, với diễn biến phức tạp hiện nay, sâu keo mùa thu sẽ ảnh hưởng đến việc xuống ngô vụ 2 ở các tỉnh Tây nguyên trong tháng 8 và vụ ngô đông ở các tỉnh miền Bắc vào tháng 9 – 10 năm nay.
Theo ông Trần Xuân Định, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ NN-PTNT, hiện cả nước hiện có khoảng 4 triệu héc ta ngô. Sâu keo mùa thu có tốc độ ăn tạp, phá hoại ở mức “kinh khủng” sẽ ảnh hưởng rất lớn, tiêu cực đến sản xuất ngô tại VN.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, sâu keo mùa thu là loài nguy hại mới xâm nhập vào VN và sẽ để lại hậu quả lâu dài, tiêu cực đối với ngành nông nghiệp. “Sâu keo mùa thu có thể gây hại trên 300 loại cây trồng nhưng VN chỉ ghi nhận sâu trên cây ngô. Giả sử khi ăn hết ngô, sâu chuyển qua tàn phá lúa thì sẽ là mối đe dọa rất lớn đến an ninh lương thực”, ông Doanh nói. Tuy nhiên, ông Doanh lưu ý chúng ta không được hoảng sợ và cũng không được chủ quan, cần kết hợp các hoạt chất hóa học lẫn phương pháp sinh học nhằm giảm mức độ thiệt hại. Song song đó, Cục BVTV tiến hành ngay các đề án nghiên cứu, thí nghiệm khoa học, điều tra thực tế dự báo sau cây khô, khả năng sâu keo sẽ tấn công trên giống cây trồng nào để xây dựng các kịch bản phòng ngừa, ứng phó.
Chưa có thuốc đặc trị
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN-PTNT), khẳng định trong danh mục thuốc BVTV được sử dụng tại VN chưa có hoạt chất tiêu diệt triệt để loài sâu nguy hại này. Chỉ có 4 hoạt chất được cho phép tạm thời (Bacillus thuringiensis; Spinetoram; Indoxacarb; Lufenuron) để phun diệt sâu. Ngay trong tuần tới, Cục sẽ trình Bộ NN-PTNT phê duyệt thêm các hoạt chất mới có tác dụng diệt sâu.
Cũng tại hội nghị, đại diện một số địa phương kiến nghị sâu keo mùa thu hiện có mức tàn phá gây hại rất lớn, Bộ NN-PTNT chủ động đề xuất các chính sách hỗ trợ nông dân về giống, thuốc BVTV để phòng bệnh và khoanh, giãn nợ, lãi suất đối với các hộ đang vay vốn ngân hàng.
PHAN HẬU