25/12/2024

Để không rơi vào ‘bẫy’ điểm sàn…

Ngày 24.7, tại chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến “Điều chỉnh nguyện vọng: nên hay không?” của Báo Thanh Niên, các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên cần thiết cho thí sinh trong thời gian điều chỉnh nguyện vọng từ 22 – 31.7.

 

Để không rơi vào ‘bẫy’ điểm sàn…

Ngày 24.7, tại chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến “Điều chỉnh nguyện vọng: nên hay không?” của Báo Thanh Niên, các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên cần thiết cho thí sinh trong thời gian điều chỉnh nguyện vọng từ 22 – 31.7.
 
 
 

Một số chuyên gia tư vấn giúp thí sinh điều chỉnh nguyện vọng phù hợp	 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Một số chuyên gia tư vấn giúp thí sinh điều chỉnh nguyện vọng phù hợp   Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 
Chương trình được trực tuyến tại: thanhnien.vnFacebook/thanhnien.com và YouTube Thanh Niên.

Sẽ biến động về điểm chuẩn

Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh – truyền thông Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, thông tin theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong ngày đầu tiên điều chỉnh nguyện vọng (NV), đã có hơn 44.000 thí sinh tham gia điều chỉnh. Với tình hình như vậy, dự kiến năm nay số lượng thí sinh (TS) điều chỉnh nguyện vọng sẽ khá lớn (năm 2018 có 47% TS điều chỉnh). Thạc sĩ Bích cho biết có thực tế này vì năm nay phổ điểm thi khá tốt so với năm 2018. Điểm sàn xét tuyển ở trường ĐH công và tư đưa ra cũng khá an toàn. Rất nhiều trường công lập lớn, trường tư đều đưa ra mức điểm sàn 15 – 16 điểm. Tuy nhiên, với mức điểm sàn an toàn này, TS cần cân nhắc kỹ lưỡng. Theo tình hình hiện nay, điểm chuẩn có khả năng tăng khoảng 1 – 4 điểm.
 
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, gọi mức điểm sàn mà các trường lớn đưa ra an toàn như hiện nay có thể là cái “bẫy”. Ngay cả ở khối ngành sức khỏe, có thể thấy rất nhiều trường hiện nay lấy điểm sàn bằng điểm sàn của Bộ. Trong khi đó, ở ngành y khoa, rất nhiều năm nay chưa khi nào trường ĐH có truyền thống đào tạo ngành này lấy mức dưới 25 điểm.
 
“Đây là “cái bẫy” vì chắc chắn điểm chuẩn năm nay sẽ cao hơn năm ngoái. Năm nay phổ điểm cao hơn, điểm sàn phù hợp hơn, nhiều phương thức tuyển sinh được sử dụng hơn, dẫn đến việc sẽ có sự biến động về điểm chuẩn. “Nếu thấy mức điểm sàn này thấp mà TS không điều chỉnh NV, khi các trường công bố điểm chuẩn cao hơn điểm sàn, TS sẽ mất đi cơ hội xét tuyển đợt kế tiếp. Vì sau khi kết thúc đợt 1, chưa chắc các trường có tiếp tục xét tuyển nữa hay không”.
 
Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt – Đức, cũng cho biết năm nay có những trường có điểm sàn thấp hơn cả năm 2017 và 2018. Những ngành có điểm sàn cao thì điểm chuẩn sẽ tiệm cận, khoảng 0,5 – 1 điểm (trừ các ngành quá đột biến). Vì vậy chỉ những TS có điểm thi quá thấp hoặc quá cao so với NV thì mới cân nhắc điều chỉnh.

Những lưu ý khi điều chỉnh nguyện vọng

Tiến sĩ Hà Thúc Viên cũng cho biết để có thêm thông tin, TS có thể liên hệ các trường ĐH để được tư vấn trước khi điều chỉnh NV. Để có khả năng trúng tuyển cao, TS nên rà soát lại các trường có ngành mình thực sự muốn học và đăng ký học, căn cứ điểm thi và điểm sàn để quyết định NV 1 và 2 đủ khoảng cách an toàn. Chẳng hạn, điểm sàn và điểm thi lệch nhau khoảng 3 – 4 điểm sẽ an toàn.
 
Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, nếu điểm thi của TS không cao hơn điểm sàn từ 3 – 5 điểm thì nên tiến hành điều chỉnh NV. Có thể tăng thêm số NV để tránh rủi ro. Riêng khối ngành y và dược, cần điều chỉnh NV nếu mức điểm của TS từ 21 – 25 điểm.
 
Theo tiến sĩ Hải, TS nên điều chỉnh như sau: Vẫn giữ nguyên ngành học mình yêu thích nhưng nên chọn thêm NV ở nhiều trường khác. Chẳng hạn nếu quyết tâm học ngành y thì nên đăng ký 5 trường có đào tạo ngành y theo thứ tự.
 
Thầy Tô Ngọc Hoàng Nguyên, Trường ĐH Hoa Sen, cũng đưa thêm một hướng mới cho TS nếu điều chỉnh NV. TS nên tham khảo điểm chuẩn các trường những năm gần đây để dự đoán điểm chuẩn năm nay. Bên cạnh đó, có thể xem xét các ngành gần. Hiện nay có những TS chưa xác định đúng ngành mình thực sự yêu thích. Từ ngành học đó, TS nên lựa chọn ngành ở trường phù hợp với mình. “Nếu đã chọn được ngành học, sau 1 năm học mà nhận thấy không phù hợp thì vẫn có thể chọn lại ngành mới phù hợp hơn. Nhiều trường đều cho phép TS thực hiện việc này”, ông Nguyên phân tích.
 
Thạc sĩ Đường Anh Tân, Giám đốc Trung tâm thực hành Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, cho biết nếu vì lý do nào đó không trúng tuyển đại học, TS vẫn có thể chọn học cao đẳng. Các hệ thống trường cao đẳng không thuộc Bộ GD-ĐT không lệ thuộc điểm thi THPT quốc gia và có phương thức xét tuyển riêng liên tục.

Điểm sàn một số trường ĐH, CĐ

Trường ĐH Việt Đức: tuyển sinh 7 ngành với 2 nhóm điểm sàn gồm: 21 và 20 điểm. Toàn bộ chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh nên TS cần phải có IELTS 5.0 hoặc tương đương trở lên.
 
Trường ĐH Hoa Sen: Điểm sàn cho tất cả các ngành là 15.
 
Trường ĐH Tân Tạo: Khối ngành sức khoẻ bằng với điểm sàn của Bộ GD-ĐT (xét theo điểm thi THPT quốc gia). Các ngành khác đều xét học bạ.
 
Trường ĐH Duy Tân: Khối ngành sức khoẻ bằng với điểm sàn của Bộ GD-ĐT, các ngành khác từ 13,5 – 15 điểm.
 
Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM: Từ 16 – 19 điểm cho 20 ngành học.
 
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM: Từ 16 – 20 điểm cho 42 ngành học.
 
Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn: Khối ngành quản trị kinh doanh và ngôn ngữ Anh (14 điểm), luật kinh tế và các ngành khoa học máy tính (15 điểm).
 
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành: Khối ngành sức khoẻ bằng với điểm sàn của Bộ GD-ĐT, các ngành khác xét 15 điểm.
 
Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn: Xét 14 điểm ở tất cả các ngành.
 
 
 
ĐĂNG NGUYÊN