Cộng đồng quốc tế quyết bảo vệ Biển Đông
Nhiều nước trong và ngoài khu vực kiên quyết phản đối hành vi phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông vì hoà bình, ổn định và lợi ích chung.
Cộng đồng quốc tế quyết bảo vệ Biển Đông
Nhiều nước trong và ngoài khu vực kiên quyết phản đối hành vi phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông vì hoà bình, ổn định và lợi ích chung.
Tàu Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines diễn tập đảm bảo an ninh hàng hải ở Biển Đông hồi tháng 5 Ảnh: JMSDF
Trong phát biểu ngày 19.7 nhằm phản đối nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa VN, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ việc duy trì trật tự, hoà bình, an ninh ở khu vực Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. “Do đó, VN mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này”, người phát ngôn nhấn mạnh.
Cùng phản đối Trung Quốc
Một ngày sau tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, người đồng cấp Mỹ Morgan Ortagus cũng lên tiếng phản đối “hành động khiêu khích lặp lại của Trung Quốc” nhằm vào công tác khai thác dầu khí của các quốc gia khác, đe doạ an ninh năng lượng khu vực. “Mỹ kiên quyết phản đối sự cưỡng ép và doạ dẫm bởi bất cứ bên nào nhằm khẳng định tuyên bố về chủ quyền và hàng hải. Trung Quốc nên dừng các hành vi bắt nạt và kiềm chế không thực hiện kiểu hành động khiêu khích và gây bất ổn”, bà Ortagus nhấn mạnh.
Nhiều nước trong suốt thời gian qua đã cùng nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc phản đối hàng loạt hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông, nhằm duy trì hòa bình trong khu vực, tự do hàng hải và lợi ích chung. Tờ Nikkei Asian Review trích văn bản được cho là dự thảo tuyên bố chung của hội nghị ngoại trưởng các nước ASEAN ở Bangkok (Thái Lan) từ ngày 29.7 – 3.8 bày tỏ quan ngại về những hoạt động của Trung Quốc “làm xói mòn lòng tin” và gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Các ngoại trưởng “lưu ý một số quan ngại về hoạt động bồi đắp đất và những hoạt động ở khu vực vốn gây xói mòn lòng tin và niềm tin, gia tăng căng thẳng, có thể làm tổn hại hoà bình, an ninh cũng như ổn định trong khu vực”, theo dự thảo.
Tàu Hải cảnh 3501 của Trung Quốc nhiều lần hoạt động trái phép trong vùng biển VN Ảnh: Mai Thanh Hải
|
Về phía Úc, Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Pyne cảnh báo việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông gây xói mòn lòng tin và gia tăng lo ngại về ý định của nước này tại khu vực. Ông kêu gọi Trung Quốc cần hành động có trách nhiệm hơn và tránh lối hành xử “mạnh là có quyền” tại khu vực. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Pyne nhấn mạnh Úc sẵn sàng tham gia các hoạt động đa phương tại Biển Đông để nhắc nhở rằng đây là vùng biển quốc tế. Theo quốc hội Úc, hải quân nước này trong những năm qua đang gia tăng dần sự hiện diện tại Biển Đông cũng vì mục đích trên.
Chung tay vì hòa bình
Trước các hành động ngang ngược của Trung Quốc, Quốc vụ khanh Bộ Châu Âu và Ngoại giao Pháp Jean-Baptiste Lemoyne vào tháng trước tuyên bố hải quân nước này sẽ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông để đảm bảo tự do hàng hải ở khu vực. “Chúng tôi là một phần thuộc Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì chúng tôi có 7.000 binh sĩ hiện diện ở khu vực và đó là bằng chứng cho cam kết của chúng tôi đảm bảo tự do hàng hải ở vùng biển này”, ông Lemoyne nhấn mạnh.
Mới đây, 4 nước cùng tham gia diễn tập đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông từ ngày 2 – 8.5, với sự tham gia của tàu khu trục Mỹ USS William P.Lawrence, tàu khu trục thăng Nhật JS Izumo, tàu khu trục Ấn Độ INS Kolkata, tàu tiếp nhiên liệu INS Shakti cùng tàu tuần tra Philippines BRP Andres Bonifacio.
Trước đó, chỉ trong vòng hơn một tháng kể từ ngày 16.1, hải quân Anh và Mỹ tiến hành 2 cuộc diễn tập chung ở Biển Đông với sự tham gia của tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS McCampbell, tàu chở dầu USNS Guadalupe của Mỹ cùng tàu hộ vệ HMS Montrose và HMS Argyll của Anh. Còn tại cuộc họp lần thứ 11 Nhóm giữa kỳ Diễn đàn khu vực ASEAN về An ninh biển (ARF ISM-MS) do VN, Úc và EU đồng chủ trì hôm 15.3 tại Đà Nẵng, các đại biểu đề cao nguyên tắc thượng tôn pháp luật, tuân thủ và thực thi nghiêm chỉnh các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước luật Biển 1982; kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình; không quân sự hoá; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình; bảo đảm thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC) thực chất, hữu hiệu, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Vai trò các nước ngoài Biển Đông
Ảnh: NVCC
Ngay từ khi ASEAN và Trung Quốc đẩy nhanh quá trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), thì đã đặt ra vấn đề là thực tế hợp tác an ninh hàng hải ở vùng biển này như thế nào. Cần nhớ rằng Biển Đông là vùng biển nửa kín, trung tâm hàng hải toàn cầu – nơi hàng hoá có giá trị hàng ngàn tỉ USD được chuyên chở qua đây mỗi năm. Đây là vùng biển hàm chứa quyền lợi kinh tế toàn cầu, nên cần được đảm bảo hoà bình và ổn định, vốn gắn chặt với cả các nước ven vùng biển lẫn các quốc gia có hàng hoá vận chuyển qua đây. Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982 chính là cơ sở pháp lý để các nước hợp tác với nhau đảm bảo an ninh, hoà bình.
Trong đó, các quốc gia vùng ven Biển Đông đóng vai trò quan trọng để thực thi điều này, nhưng sự đóng góp của các nước bên ngoài quan trọng không kém. Điển hình như eo biển Malacca được kiểm soát bởi 4 quốc gia ven biển giáp ranh, nhưng 4 nước này cũng luôn hoan nghênh các đóng góp, nỗ lực từ bên ngoài.
Nói rõ hơn thì các nước vùng ven Biển Đông cũng cần tiếp nhận sự hỗ trợ từ bên ngoài để theo đuổi mục tiêu trên. Sự hỗ trợ có thể là tài chính, kỹ thuật, phương tiện, thiết bị, đào tạo… hay thậm chí là thông tin tình báo. Những hoạt động này cũng giúp cho các quốc gia trong khu vực ngày càng tiến đến năng lực quốc tế. Từ nền tảng đó, COC mới có thể được thực thi hiệu quả hơn trong thực tế, chứ không phải bị “độc quyền” bởi quốc gia nào.
Tiến sĩ Koh Swee Lean Collin
(Chuyên gia tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore)
(Chuyên gia tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore)
KHÁNH AN