Hôm nay bắt đầu điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển: thí sinh lưu ý gì?
Thí sinh có 10 ngày, kể từ hôm nay 22-7, để đưa ra quyết định điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ. Thí sinh cần phải cân nhắc cẩn trọng vì chỉ có một cơ hội duy nhất.
Hôm nay bắt đầu điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển: thí sinh lưu ý gì?
Thí sinh nghe tư vấn điều chỉnh nguyện vọng từ các chuyên gia trong Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH – CĐ 2019 do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại TP.HCM hôm 21-7 – Ảnh: TRẦN HUỲNH
Hôm nay 22-7, các thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ năm 2019 bắt đầu điều chỉnh nguyện vọng. Mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển một lần trong thời gian quy định và chỉ được sử dụng một trong hai phương thức: trực tuyến hoặc bằng phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Có cần phải điều chỉnh nguyện vọng?
Chỉ có thí sinh đã đăng ký xét tuyển khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia năm nay mới được thay đổi nguyện vọng, chứ không được đăng ký mới.
Theo các chuyên gia, nếu đến thời điểm hiện tại, thí sinh không yêu thích ngành học nào đó một cách đột biến thì không cần thiết điều chỉnh nguyện vọng. Nếu điểm thi đạt từ điểm chuẩn năm trước trở lên và cao hơn 1-2 điểm đối với các ngành “hot” và vẫn thích ngành học đã đăng ký thì thí sinh nên kiên định với nguyện vọng của mình.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng quy định trong thời gian thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, các trường không cập nhật, không công bố thông tin thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường. Do vậy thí sinh không thể trông chờ vào những thông tin này để đưa ra quyết định điều chỉnh nguyện vọng.
Chọn phương thức điều chỉnh nguyện vọng nào?
Thời gian điều chỉnh nguyện vọng từ ngày 22-7 đến 17h ngày 29-7 (phương thức trực tuyến) và đến 17h ngày 31-7 (bằng phiếu đăng ký xét tuyển).
Với phương thức trực tuyến, chỉ được chấp nhận số lượng nguyện vọng không lớn hơn nguyện vọng đã đăng ký trước đó. Thí sinh được điều chỉnh tăng thêm số lượng nguyện vọng và phải nộp bổ sung lệ phí. Thí sinh sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân (đã được cấp khi đăng ký dự thi) để truy cập vào hệ thống, dùng mã OTP để xác nhận thực hiện việc điều chỉnh nguyện vọng.
Nếu quên mật khẩu, cần đến điểm tiếp nhận hồ sơ để xin cấp lại. Thí sinh tự chịu trách nhiệm bảo mật tài khoản và mật khẩu đăng nhập hệ thống. Bên cạnh đó, thí sinh muốn điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến phải đăng ký số điện thoại.
Thí sinh điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến có thể thay đổi tất cả các nguyện vọng cũ bằng các nguyện vọng mới nhưng số lượng nguyện vọng không được tăng thêm. Sau khi thực hiện điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh phải nhấn “Lưu thông tin” và phải kiểm tra ngay trước khi xác nhận đăng ký.
Còn đối với phương thức điều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu, thí sinh cần điền đầy đủ thông tin vào phiếu và gửi trực tiếp về điểm thu nhận hồ sơ. Thí sinh muốn điều chỉnh nguyện vọng tăng so với đăng ký ban đầu hoặc có điều chỉnh ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng phải điều chỉnh bằng phiếu.
Khi đến điểm tiếp nhận để điều chỉnh nguyện vọng cần phải đem theo Chứng minh nhân dân và Phiếu đăng ký dự thi số 2 (để có cơ sở điền và kiểm tra phiếu điều chỉnh nguyện vọng).
“Cần ghi đúng mã trường, mã ngành/nhóm ngành, mã tổ hợp xét tuyển theo quy định của trường. Nguyện vọng nào ghi không đúng sẽ không được hệ thống chấp nhận và bị loại. Sau đó, phải kiểm tra kết quả điều chỉnh trong thời gian quy định và đề nghị điều chỉnh sai sót, nếu có” – ThS Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD-ĐT, lưu ý.
Nên xếp thứ tự nguyện vọng ra sao?
PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ – trưởng ban đại học ĐH Quốc gia TP.HCM – tư vấn: Do chỉ được phép điều chỉnh nguyện vọng 1 lần nên thí sinh phải cân nhắc thật kỹ rồi mới điều chỉnh.
Để tăng khả năng trúng tuyển vào ngành mình yêu thích, thí sinh lưu ý đối với ngành cho phép sử dụng nhiều tổ hợp môn thì chọn tổ hợp mà tổng số điểm 3 môn của mình cao nhất. Đồng thời, cần xếp thứ tự ưu tiên các nguyện vọng theo mức độ yêu thích của ngành từ cao đến thấp.
TS Phạm Tấn Hạ – phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cũng lưu ý thí sinh nên xem kỹ lại ngành và trường đã đăng ký.
“Thí sinh cần tra cứu mức điểm có phù hợp hay không, có bao nhiêu khối, tổ hợp môn xét tuyển có thể nộp vào ngành đó, coi lại điểm của từng khối của mình. Các em nên chọn nguyện vọng theo 3 cấp độ theo sức học của mình: trên sức, vừa sức, dưới sức. Cứ đăng ký nhiều tổ hợp nếu điểm mình thấy thích hợp và nên xem xét nhiều trường có ngành nghề mình thích”, ông Hạ khuyên.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng – hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cách thức xét tuyển hiện nay thực hiện theo nguyên tắc “lọt sàng xuống nia”. Do đó thí sinh đừng e ngại khi ngành, trường các em ưa thích có điểm chuẩn cao hơn 1-2 điểm so với điểm của mình.
“Trường, ngành nào các em yêu thích nhất hãy xếp đầu tiên… Nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1, 2 thí sinh vẫn còn tiếp tục có cơ hội xét tuyển các nguyện vọng tiếp theo sau đã đăng ký… bình đẳng với tất cả các thí sinh có cùng ngành, trường xét tuyển”, ông Dũng tư vấn.
Không nên đăng ký “thả phanh”
PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM – cho hay: “Nhiều thí sinh nghĩ rằng cứ đăng ký “thả phanh” nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển. Thực tế thí sinh chỉ cần 4-6 nguyện vọng là đủ. Việc xét tuyển chỉ dựa theo điểm chứ không dựa theo nguyện vọng”.
Ông Khôi lưu ý việc điều chỉnh nguyện vọng dựa trên kết quả thi, nhưng năm nay Bộ GD-ĐT đã quy định ngưỡng sàn riêng đối với hai nhóm ngành sức khỏe và sư phạm, do đó thí sinh đã đăng ký nhóm ngành này còn phải căn cứ mức “điểm sàn” để điều chỉnh. Trường hợp đạt điểm dưới sàn, bắt buộc phải thay đổi nguyện vọng.