Điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển sao cho chắc chắn đậu?
Từ hôm nay 22-7, thí sinh chính thức điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào ĐH-CĐ. Hai ngày hội tư vấn xét tuyển diễn ra ngày 21-7 tại Hà Nội và TP.HCM đã giải toả mọi băn khoăn, lo lắng cho thí sinh trước khi ra quyết định.
Điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển sao cho chắc chắn đậu?
Từ hôm nay 22-7, thí sinh chính thức điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào ĐH-CĐ. Hai ngày hội tư vấn xét tuyển diễn ra ngày 21-7 tại Hà Nội và TP.HCM đã giải toả mọi băn khoăn, lo lắng cho thí sinh trước khi ra quyết định.
Ngày hội do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức.
“Ngày hội rất có ý nghĩa trước thời điểm quan trọng”
Chia sẻ trong lễ khai mạc, PGS.TS Lê Hải An – thứ trưởng Bộ GD-ĐT – khẳng định việc tư vấn, hỗ trợ thí sinh về thông tin trước thời điểm quan trọng thay đổi nguyện vọng xét tuyển rất có ý nghĩa.
Ngày hội còn là dịp để Bộ GD-ĐT xem xét điều chỉnh chính sách, là cơ hội để các cơ sở đào tạo thông tin rộng rãi, công khai về phương thức xét tuyển, điều kiện đào tạo.
Ông Trương Anh Dũng – phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH – cũng chia sẻ với các thí sinh về những con đường lập nghiệp khác nhau, trong đó thí sinh có thể cân nhắc lựa chọn những cơ sở học nghề.
“85% số sinh viên ra trường có việc làm, có những ngành nghề tỉ lệ này là 100% với thu nhập khởi đầu bình quân 7-10 triệu đồng/tháng” là con số ông Trương Anh Dũng nêu để các bạn thí sinh năm nay có thêm sự yên tâm nếu muốn chọn một địa chỉ học nghề.
Nên đăng ký nguyện vọng 1 cho ngành mơ ước
Đây là thông điệp mà thầy cô ở các khu tư vấn tại hai đầu đất nước chia sẻ với thí sinh, khi có những em tiết lộ đã đăng ký đến cả chục nguyện vọng và bối rối không biết nên xếp ưu tiên nguyện vọng thế nào để có nhiều cơ hội đậu ĐH.
Tại Hà Nội, nhiều câu hỏi của thí sinh tập trung vào khối y – dược, nhất là ngành y đa khoa. TS Lê Đình Tùng, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y Hà Nội, chia sẻ thẳng thắn với các thí sinh chỉ đạt mức điểm bằng điểm sàn (21 điểm) phải cân nhắc kỹ.
Còn PGS.TS Nguyễn Tiến Thảo – phó trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội – khuyên các thí sinh nên tìm hiểu thêm những ngành khác của khối này vì nhu cầu nhân lực một số ngành rất lớn, cơ hội công việc tốt và điểm chuẩn cũng vừa phải so với y đa khoa.
Tuy nhiên, TS Thảo cũng tư vấn thí sinh “cứ mạnh dạn đăng ký nguyện vọng 1 y đa khoa nếu đã tìm hiểu kỹ và muốn trở thành bác sĩ”. Vì nếu không đậu nguyện vọng 1, phần mềm xét tuyển sẽ chuyển sang các nguyện vọng tiếp theo của thí sinh nên không lo mất cơ hội xét tuyển vào các trường khác.
Đối với việc điều chỉnh nguyện vọng, TS Lê Thị Thanh Mai – trưởng ban công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM – lưu ý thí sinh nên áp dụng nguyên tắc cuối cùng khi điều chỉnh nguyện vọng.
Thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng vào nhiều trường khác nhau, nhưng nguyện vọng cuối cùng nên chọn trường nào có điểm chuẩn những năm trước thấp hơn điểm thi của mình ít nhất 2 điểm để đảm bảo cơ hội trúng tuyển.
“Điểm sàn cách điểm chuẩn bao nhiêu?”
Câu hỏi thú vị này của thí sinh khiến chính ban tư vấn cũng phải thừa nhận “là câu hỏi khó”. TS Nguyễn Thị Kim Phụng – vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT – cho biết hiện nay chỉ có hai nhóm ngành đào tạo giáo viên và khối ngành sức khỏe là bộ quy định điểm sàn chung, còn các ngành khác do trường tự xác định điểm sàn xét tuyển cho các ngành học.
“Ở thời điểm này, câu hỏi điểm sàn cách điểm chuẩn bao nhiêu không ai có thể trả lời được vì sắp tới còn 10 ngày thí sinh được thay đổi nguyện vọng. Sau khi thời hạn thay đổi nguyện vọng kết thúc thì tương quan điểm thi và số lượng thí sinh đăng ký vào từng ngành của mỗi trường sẽ quyết định việc trúng tuyển ở ngành đó, trường đó” – bà Phụng nói.
“Sớm nhất là ngày 8-8 mới biết điểm chuẩn cách điểm sàn bao nhiêu” – bà Phụng chia sẻ về thời điểm dự kiến công bố điểm chuẩn của các trường.
Lo lộ mật khẩu tài khoản thí sinh
Bà Ngô Phương Thuý (Q.10, TP.HCM) nêu băn khoăn với ban tư vấn: “Bộ GD-ĐT khuyến cáo thí sinh phải bảo mật tài khoản và mật khẩu của mình, nhưng khi lỡ có ai thay đổi thí sinh có biết được không? Hiện nay, bạn bè của thí sinh thường tra điểm giúp nên có gửi mật khẩu cho nhau”.
ThS Nguyễn Mạnh Hùng (chuyên viên chính Vụ Giáo dục ĐH – Bộ GD-ĐT): “Về bảo mật, mỗi thí sinh ngay từ đầu được cấp tài khoản và mật khẩu. Sau đó, mỗi thí sinh phải về tự thay đổi mật khẩu để đảm bảo tính cá nhân và phải giữ suốt sau này.
Bộ GD-ĐT áp dụng kỹ thuật theo nguyên tắc ngân hàng, dùng mã OTP để xác nhận đúng đối tượng chủ nhân của tài khoản. Vì vậy, phụ huynh yên tâm và cần nhắc thí sinh giữ kín mật khẩu tài khoản của mình.
Nếu thí sinh lỡ đưa cho người khác sử dụng tài khoản của mình, tôi khuyên nên đổi mật khẩu. Trong quá trình thí sinh thay đổi nguyện vọng trực tuyến, chúng tôi luôn đảm bảo không xảy ra sự cố nghẽn mạng”.
Nhiều trường đại học ngoại tham gia ngày hội
Ngày hội ở TP.HCM trở nên đặc biệt khi có mặt nhiều trường ĐH nổi tiếng từ Đài Loan như ĐH Quốc gia Đài Loan, ĐH Thanh Hoa Đài Loan tham gia.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Lily Hsu – trưởng bộ phận sinh viên quốc tế thuộc Văn phòng hợp tác quốc tế Trường ĐH Quốc gia Đài Loan – cho biết đây là lần đầu tiên trường bà cũng như nhiều trường khác ở Đài Loan tham dự ngày hội.
“Chúng tôi biết ngày hội diễn ra vào thời gian rất hợp lý khi các em đã hoàn thành xong chương trình học, do đó kỳ vọng sẽ có nhiều sinh viên tính đến chuyện du học” – bà Hsu nói. Đồng thời cho biết hiện có 51 sinh viên Việt Nam theo học tại Trường ĐH Quốc gia Đài Loan, chủ yếu theo các ngành khoa học và công nghệ thông tin.
Con bận làm thêm, cha mẹ… đi nghe tư vấn giùm
Con bận làm thêm, con thích ngành này nhưng ba mẹ muốn con chọn ngành khác, ba mẹ muốn tham khảo thêm dù con đã chắc chắn với nguyện vọng đăng ký… là những lý do mà không ít phụ huynh một mình đến tham dự ngày hội ở Hà Nội và TP.HCM.
Cô Kỳ Trân (Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết con trai cô sau khi thi THPT quốc gia đã đăng ký làm thêm ở một cửa hàng tiện lợi. Vì ngày hội tư vấn trùng với lịch làm nhưng con không thể xin nghỉ, nên cô quyết định đi tìm hiểu thay con.
Tương tự, chú Tiêu Chí Vĩ và cô Trịnh Gia Bửu (TP.HCM) ghé vào nhiều gian hàng tư vấn các ngành cơ khí, công nghệ điện tử để tìm hiểu thông tin cho con. Chú Vĩ cho biết con trai chú bận làm thêm, một phần con muốn đăng ký học ngành kỹ thuật ôtô nhưng gia đình chưa có nhiều thông tin về ngành này nên vợ chồng chú tự tìm đến ngày hội để được tư vấn, giải đáp thắc mắc, băn khoăn của mình.
Tân sinh viên khó khăn hãy gọi Tuổi Trẻ!
Tại lễ khai mạc, ông Lê Xuân Trung – phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ – đã chia sẻ về chương trình đặc biệt dành cho tân sinh viên ĐH-CĐ năm 2019: học bổng “Tiếp sức đến trường”. Thông điệp của chương trình học bổng này là không để bất kỳ bạn sinh viên nào vì khó khăn, không có tiền đóng học phí phải dừng bước trước cánh cửa ĐH. “Thí sinh nào khó khăn hãy gọi điện đến Tuổi Trẻ” – ông Trung nhấn mạnh.
Trong 16 năm qua, báo Tuổi Trẻ đã trao 18.000 suất học bổng cho các tân sinh viên. Năm nay, dự kiến chương trình sẽ trao 1.000 suất học bổng, trị giá 10-15 triệu đồng/suất cho các bạn tân sinh viên khó khăn, có nhu cầu và xứng đáng nhận học bổng.