25/12/2024

Ở ‘thủ phủ’ nuôi heo cả nước, người khóc người xỉu, kẻ liệt giường…

Giờ này, cả “thủ phủ” chăn nuôi heo lớn nhất cả nước – tỉnh Đồng Nai – đã “phủ đầy” dịch tả heo châu Phi. Ở đó, người nuôi heo không chỉ khóc mà ngất xỉu, nằm liệt giường khi nghe đàn heo cả ngàn con bị dính dịch…

 

Ở ‘thủ phủ’ nuôi heo cả nước, người khóc người xỉu, kẻ liệt giường…

Giờ này, cả “thủ phủ” chăn nuôi heo lớn nhất cả nước – tỉnh Đồng Nai – đã “phủ đầy” dịch tả heo châu Phi. Ở đó, người nuôi heo không chỉ khóc mà ngất xỉu, nằm liệt giường khi nghe đàn heo cả ngàn con bị dính dịch…


 

Ở thủ phủ nuôi heo cả nước, người khóc người xỉu, kẻ liệt giường... - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Liên bật khóc trước chuồng trại trống trơn – Ảnh: HÀ MI

 

Chỉ một tiếng đồng hồ có mặt ở xã Lộ 25, thuộc huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, tôi đã rợn người khi chứng kiến những người vợ, người chồng trong các trang trại có cả ngàn con heo buộc phải tiêu hủy ôm mặt khóc nức nở khi thấy heo ủ rũ, lăn đùng ra chết chỉ vì bệnh dịch tả heo châu Phi.

Ngất xỉu, nợ nần tiền tỉ

Nhìn nhân viên thú y đang lùa đàn heo đi tiêu hủy, chị Nguyễn Thị Liên (ấp 2, xã Lộ 25) nấc từng tiếng: “Sắp tới biết sao hả trời?!”. 

Chị cứ nấc từng tiếng rồi chỉ vào vết thương ở miệng: “Đang nợ. Muốn tái đàn đã vay mượn tiền ngân hàng, tiền bạn bè, bên ngoài xã hội để thả heo gỡ vốn. Khi heo chuẩn bị xuất chuồng đi bán thì dính dịch. Chủ nợ cho người đến đòi tiền. Mình nói heo bệnh, hẹn trả sau thì bị đánh rách môi. Giờ thì heo bệnh phải tiêu hủy rồi…”. Chị nhìn đàn heo nằm chết rồi cứ khóc thút thít.

Chiều 17-7, lúc tôi có mặt thì trại của hộ chị Liên được chính quyền xác định có 80 con heo nái, 800 con heo thịt chăn nuôi theo mô hình VietGap đã dính dịch tả phải mang đi tiêu hủy. Chồng chị Liên, trong mấy ngày nghe heo dính bệnh dịch tả, chờ nhân viên thú y xã xuống mang đi tiêu hủy, cứ ngồi bần thần ra đó rồi khóc, không nói nên lời…

Bà Trịnh Thị Thủy, chủ trang trại Vĩnh Bảo, vừa khóc vừa kể: “Gia đình làm 3 trại heo với 650 con nái và 6.000 con heo thịt. Đây được xem như gia sản của gia đình trong nhiều năm qua vì phải vay ngân hàng, xoay vòng tiền thức ăn với tổng vốn đầu tư khoảng 14 tỉ đồng. Nuôi heo hơn chục năm nên nghe dịch tả heo châu Phi nguy hiểm, tất cả quy trình nuôi chúng tôi kiểm soát rất kỹ, từ sát trùng, cách ly người ra vào trại…”.

Thế nhưng, bà Thủy cho hay cách đây khoảng hai tuần, heo nái, heo thịt bắt đầu bỏ ăn chết vài con, rồi mỗi ngày khoảng 100 con. Bà đã chủ động cho kỹ thuật thú y của trại lấy mẫu máu của heo lên TP.HCM xét nghiệm để kiểm tra bệnh. 

“Khi mang kết quả về cho hay heo trong trại dương tính với heo tai xanh, tôi đã ngất xỉu. Khi tỉnh dậy đi ra trại thấy heo tiếp tục chết và… chết!” – bà Thủy lại khóc. Những ngày sau đó, toàn bộ khu vực trại nuôi của bà Thủy với 200 con nái và 2.100 con heo thịt đã được chính quyền xã Lộ 25 tổ chức tiêu hủy trong 3 ngày.

Còn 2 trại nữa với hơn 4.300 con là vốn liếng còn lại chưa biết sắp tới ra sao vì xung quanh xã rất nhiều trại có heo bị bệnh dịch phải tiêu hủy”

Bà Trịnh Thị Thủy nức nở

Không hiểu vì sao lây lan dịch bệnh

Bà Thủy kể nuôi heo hơn chục năm qua nên đã có kinh nghiệm trong xử lý dịch bệnh heo tai xanh, lở mồm long móng. Nhiều tháng qua, khi được chính quyền cảnh báo dịch tả heo châu Phi thì tất cả nhân viên, kỹ thuật viên của trại đều phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. 

Thức ăn cho heo, đồ ăn cho người và tất cả vật dụng ra vào trại đều phải qua kiểm tra, sát trùng, xử lý tia cực tím trước khi đưa vào khu vực chăn nuôi. Vậy mà dịch bệnh vẫn xảy ra. 

“Trại của gia đình tôi kiểm soát quy trình chăn nuôi rất chặt chẽ nhưng hơn 2.000 con heo chết thì tôi tin rằng sẽ không có trại nào ở xã này không dính dịch bệnh. Chỉ có thể virút dịch bệnh phát tán lây qua không khí thôi” – bà Thủy đặt nghi vấn.

Tương tự, một hộ nuôi lớn thứ hai ở xã Lộ 25 là bà Hoàng Thị Phương cũng có heo đang mắc bệnh dịch tả, cho biết: “Gia đình đầu tư 4 tỉ đồng nuôi 130 con nái, 1.000 con heo thịt nhưng giờ một số đã bị chết bất thường. Khi nghe dịch tả heo, chúng tôi càng thận trọng bảo vệ trang trại. Nhưng không thể tưởng tượng heo bị lây bệnh qua đường nào mà bị chết…”.

Theo bà Phương, thương lái mua heo đều gửi ảnh qua mạng xã hội rồi rao giá mua bán chứ không cho bất kỳ người lạ nào vào trại nuôi. Khu vực gia đình nuôi heo được kiểm soát chặt chẽ bằng cách bao lưới quanh trang trại, sát trùng xe ra vào, xử lý tia cực tím ở tất cả kho cám, quần áo công nhân… 

Thậm chí, bà Phương còn bỏ ra 50 triệu để làm một hành lang lưới để lùa heo ra khỏi khu chăn nuôi đến 230m mới xuất heo lên xe bán. Nhưng heo vẫn dính dịch bệnh. “Giờ đã có vài chục con chết và cả ngàn con đang trong chuồng nằm ủ rũ. Mấy ngày qua, chồng tôi cứ ôm mặt khóc vì heo dính dịch tả, sợ tài sản gia đình tan tác và cha con không còn việc để làm…” – bà Phương tâm sự.

Ông Trần Văn Quang - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai:

Hơn 100.000 con heo đã bị tiêu hủy

Đồng Nai và nhiều tỉnh chăn nuôi đã trải qua những đợt dịch bệnh rất lớn. Dịch bệnh tai xanh, lở mồm long móng cũng từng xảy ra gây thiệt hại nhưng có văcxin và các biện pháp khác để kiểm soát. Riêng với dịch tả heo châu Phi đến lúc này không có văcxin, gây thiệt hại lớn cho nhiều hộ nuôi. Hiện địa bàn đã có hơn 102.000 con heo của 982 hộ tại 11 huyện (81 xã, 178 ấp) phải tiêu hủy.

Tuy nhiên, nhìn vào tổng số lượng đàn heo hơn 2 triệu con và số lượng tiêu hủy thì người chăn nuôi cần bình tĩnh để cùng tìm giải pháp phòng chống. Đó là người nuôi cần nâng cao sức đề kháng vật nuôi thông qua thức ăn, thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, sử dụng các chế phẩm để nâng cao sức đề kháng. Bởi trong quá trình chống dịch, chúng tôi thấy các trại để xảy ra dịch đã thực hiện các điều kiện an toàn sinh học chưa hiệu quả.

 

 

HÀ MI