24/12/2024

Nghi vấn đội quân côn trùng truyền bệnh của Mỹ

Hạ viện Mỹ yêu cầu điều tra sau khi hàng trăm ngàn người mắc bệnh hằng năm nghi do vũ khí côn trùng phát tán.

 

Nghi vấn đội quân côn trùng truyền bệnh của Mỹ

Hạ viện Mỹ yêu cầu điều tra sau khi hàng trăm ngàn người mắc bệnh hằng năm nghi do vũ khí côn trùng phát tán.
 
 
 
 
Viện Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm thuộc quân đội Mỹ ở Fort Detrick và loài ve truyền bệnh lyme (ảnh nhỏ) /// CBS/WJBQ

 

Viện Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm thuộc quân đội Mỹ ở Fort Detrick và loài ve truyền bệnh lyme (ảnh nhỏ)   CBS/WJBQ

 

 
 
Tờ The Guardian ngày 17.7 đưa tin Hạ viện Mỹ yêu cầu mở cuộc điều tra nghi vấn các cuộc thí nghiệm dùng loài ve ký sinh làm vũ khí sinh học của Bộ Quốc phòng dẫn đến tình trạng lây lan bệnh lyme. Căn bệnh này do xoắn khuẩn Borrelia burgdorferi lây sang người qua vật chủ trung gian là loài ve thân cứng Ixodes sống ký sinh trên chuột, hươu, chó, mèo, chim, sóc và nhiều loài thú cưng.
 
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), bệnh gây sốt, đau cơ, đau khớp và liệt cơ mặt. Nếu không được điều trị, bệnh nhân có thể bị viêm khớp, các vấn đề về tim và hệ thần kinh.
 

Hạ viện thông qua đề xuất của nghị sĩ Chris Smith, yêu cầu Lầu Năm Góc rà soát xem có tồn tại kế hoạch thí nghiệm ve và các loài côn trùng khác làm vũ khí sinh học trong giai đoạn 1950 – 1975 hay không. “Nếu là thật thì quy mô chương trình đến đâu, ai chỉ đạo, liệu có côn trùng nào được thả ra một cách vô tình hoặc có chủ đích không? Chúng ta cũng phải tìm hiểu mọi thông tin để có thể ngăn ngừa dịch bệnh”, Đài CBS dẫn lời ông Smith phát biểu.

 
Trước đó, đã có nhiều chuyên gia đặt nghi vấn Bộ Quốc phòng Mỹ bí mật tiến hành nhiều thí nghiệm nhằm biến côn trùng thành vũ khí sinh học tại các cơ sở nghiên cứu ở Fort Detrick (bang Maryland) và đảo Plum (New York). Đây cũng là chủ đề chính trong sách Bitten: The Secret History of Lyme Disease and Biological Weapons (tạm dịch: Bị cắn: Lịch sử bí mật của bệnh lyme và vũ khí sinh học) của tác giả Kris Newby, do Đại học Stanford xuất bản hồi tháng 5.
 
Bà Newby, người từng mắc bệnh lyme, dẫn phát biểu của nhà khoa học Willy Burgdorfer cho rằng dịch bệnh là hậu quả từ sai sót trong thí nghiệm quân sự. Ông Burgdorfer phát hiện căn bệnh này vào năm 1982 và từng nghiên cứu vũ khí hóa học cho quân đội Mỹ trước khi về hưu và qua đời năm 2014. Nhiệm vụ của ông khi đó là nuôi các loài bọ, ve, muỗi và côn trùng hút máu rồi cho chúng mang theo mầm bệnh có thể truyền sang người. Cuốn sách còn cáo buộc quân đội cố tình thả “binh sĩ côn trùng” ra những khu dân cư để theo dõi khả năng lây lan. Tuy nhiên, nghiên cứu đã vượt tầm kiểm soát và dẫn đến đợt bùng phát dịch bệnh vào thập niên 1960.
 
Liên quan đến việc đối phó bệnh lyme, nghị sĩ Smith đề xuất bổ sung 180 triệu USD (4.175 tỉ đồng) cho công tác nghiên cứu, phòng chống và điều trị, bên cạnh khoản 11 triệu USD hiện chi cho CDC, theo Đài CBS. Hiện Lầu Năm Góc, Nhà Trắng và các bên liên quan khác chưa đưa ra bình luận nào.
 
Theo Tổ chức Liên minh Toàn cầu về bệnh lyme, tại Mỹ có hơn 427.000 người mắc bệnh này hằng năm, nhiều hơn số người nhiễm HIV hay viêm gan C. Đây là một trong những bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh nhất ở Mỹ và Tây Âu, chủ yếu vào mùa hè khi ve sinh sản nhiều. Nhóm dễ mắc bệnh nhất là trẻ em dưới 15 tuổi, người trên 50 tuổi và những người làm việc ngoài trời. Bệnh khó nhận biết ở giai đoạn đầu do chưa đến 50% trường hợp nổi mẩn đỏ sau khi bị ve đốt, trong khi nhiều người để quá lâu mới đi khám nên bị các biến chứng mãn tính.
 
 
 
KHÁNH AN