24/12/2024

34 trạm thu phí ô tô bao quanh trung tâm TP.HCM?

Nếu được thông qua thì từ 2021, có 34 trạm thu phí được xây bao quanh khu vực quận 1, 3 và giáp ranh quận 5, 10 với kinh phí 250 tỉ đồng. Ô tô cá nhân di chuyển vào trung tâm TP.HCM sẽ phải đóng phí.

 

34 trạm thu phí ô tô bao quanh trung tâm TP.HCM?

Nếu được thông qua thì từ 2021, có 34 trạm thu phí được xây bao quanh khu vực quận 1, 3 và giáp ranh quận 5, 10 với kinh phí 250 tỉ đồng. Ô tô cá nhân di chuyển vào trung tâm TP.HCM sẽ phải đóng phí.
 
 
 
 

 /// Đồ họa: Hồng Sơn
Đồ hoạ: Hồng Sơn
 
 

 
 
Đó là nội dung công văn Sở GTVT TP.HCM vừa gửi UBND TP về chủ trương đầu tư dự án thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm để hạn chế ùn tắc giao thông.
 

34 cổng thu không dừng

 
Đại diện Sở GTVT cho biết trên cơ sở đề xuất của Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong (ITD) trước đây, Sở kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương triển khai thực hiện dự án “Thu phí xe ô tô lưu thông vào trung tâm thành phố để hạn chế ùn tắc giao thông” theo hình thức đầu tư công (giao một đơn vị của TP.HCM làm chủ đầu tư, quản lý theo quy định, sau khi thực hiện xong dự án sẽ tổ chức đấu thầu, thuê đơn vị vận hành, khai thác) thay vì hợp tác công – tư như phương án cũ.
 
 
Theo Sở GTVT, cơ chế này là phù hợp với kinh nghiệm quốc tế đã triển khai ở một số nước như Singapore, Thụy Điển, Anh, việc thu phí do cơ quan nhà nước thực hiện và chỉ thuê doanh nghiệp (DN) vận hành hệ thống. Khi đó, nguồn thu sẽ nộp về ngân sách TP để tái đầu tư cho hạ tầng và phát triển hệ thống giao thông công cộng.
 
 
Nếu được TP đồng ý thông qua chủ trương, dự án sẽ do Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự kiến 250 tỉ đồng từ ngân sách TP; thời gian thực hiện từ năm 2019 – 2021.
 

Cụ thể, TP sẽ triển khai hệ thống thu phí trên một vành đai khép kín khu vực trung tâm TP (bao gồm Q.1, Q.3, giáp ranh Q.5, Q.10) và một số trục giao thông chính bên ngoài đang thường xuyên ùn tắc giao thông, bao gồm hệ thống 34 cổng thu phí đa làn không dừng và một trung tâm điều hành có nhiệm vụ kết nối với các cổng thu phí, xử lý thông tin, điều hành quản lý các hoạt động thu phí.

 
 
Vành đai thu phí gồm các tuyến đường: đường Hoàng Sa dọc theo bờ kênh Thị Nghè – Nhiêu Lộc, đến đường Nguyễn Phúc Nguyên giao với đường Cách Mạng Tháng Tám; đường Ba Tháng Hai; đường Lê Hồng Phong; đường Lý Thái Tổ; đường Nguyễn Văn Cừ; đường Võ Văn Kiệt; đường Tôn Đức Thắng.
 
 
Trả lời Thanh Niên, ông Lâm Thiếu Quân, Tổng giám đốc ITD, cho biết công nghệ thu phí vào nội đô TP đang được đề xuất giống với hệ thống thu phí không dừng đang triển khai tại các trạm thu phí trên cả nước. Tuy nhiên mỗi điểm thu chỉ là các cột như một “cổng long môn” qua đường nên chắc chắn không gây ùn tắc.
 
 
“Khi xe vào đường khu trung tâm, hệ thống tự động sẽ tự thu phí do trên ô tô đã gắn sẵn thiết bị nộp phí. Camera sẽ ghi lại biển số xe của những xe không gắn thiết bị thu phí mà vẫn cố tình vào trung tâm, hay có thiết bị thu phí mà chủ xe không trả phí, sau đó sẽ tổ chức phạt nguội”, ông Quân thông tin.
 

Giảm ô tô, giảm ùn tắc

 
Việc thu phí ô tô vào trung tâm đã được ITD nghiên cứu lập đề án từ năm 2010. Hai năm sau, đề án chính thức được trình UBND TP.HCM nhưng bị ngưng sau nhiều cuộc họp. Đến đầu năm 2017, UBND TP cho phép Sở GTVT tái khởi động lại dự án.
 
 
Tại các cuộc họp phản biện, nhiều ý kiến lo ngại việc tạo một vành đai bao quanh khu vực trung tâm có thể làm tăng thêm nguy cơ tắc đường tại các khu vực cửa ngõ. Đồng thời, với số lượng người đi xe buýt đang có xu hướng giảm đều tại TP.HCM, nhiều chuyên gia cho rằng khi hệ thống giao thông công cộng còn “èo uột” như hiện nay, đừng nghĩ đến chuyện hạn chế phương tiện đi lại của người dân.
 
 
Tuy nhiên theo TS Vũ Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, việc tổ chức thu phí xe ô tô cá nhân vào TP.HCM giai đoạn này là hợp lý. Về nguyên tắc, những phương tiện cá nhân chiếm dụng nhiều không gian đường thì sẽ phải đóng phí nhiều. Số tiền thu được sẽ giúp TP có ngân sách để giải quyết ùn tắc giao thông bằng cách cải thiện các nút thắt hạ tầng, tái đầu tư phát triển hệ thống giao thông công cộng. Người sử dụng ô tô cá nhân không phải đối tượng sẽ chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng, nhưng khi thu phí cao, một lượng người sử dụng ô tô cá nhân sẽ cân nhắc chuyển qua đi taxi hoặc xe máy, giải thoát được một lượng lớn không gian đường, giúp giảm ùn tắc trong ngắn hạn. Khoảng thời gian, không gian cùng số chi phí này sẽ đồng thời được dồn vào làm hệ thống xe buýt, triển khai song song cùng các biện pháp “siết” xe gắn máy để chuyển đổi dần thói quen di chuyển của người dân. Tất nhiên cùng với việc thu phí, TP cần cam kết khoản tài trợ cùng lộ trình cụ thể phát triển giao thông công cộng để người dân thấy được cả nghĩa vụ và quyền lợi khi chia sẻ cùng TP ngân sách để đầu tư cho giao thông.
 
 
“Trên một làn đường rộng 3,5 m, xe máy có thể chuyên chở 10.000 người/giờ/hướng, gần bằng 1 làn xe buýt và gấp 3 – 4 lần xe ô tô. Với điều kiện hạ tầng, đường sá của TP.HCM hiện nay, việc hạn chế phương tiện chiếm dụng mặt đường lớn như ô tô là cần thiết. Chúng ta phải chấp nhận cho xe máy hoạt động đến một thời gian nhất định khi giao thông công cộng chưa phát triển. Lộ trình 2021 – 2030 hạn chế ô tô, dồn tiền đầu tư metro, xe buýt, đến 2030 từng bước hạn chế dẫn đến cấm xe máy mà Sở GTVT đề xuất là hợp lý”, ông Tuấn nêu ý kiến.
 

Cấp bách xây dựng các bãi đậu xe

 
Theo PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng – Phó hiệu trưởng Trường ĐH GTVT TP.HCM, cùng với việc thành lập một vành đai thu phí vào nội đô, TP cần triển khai đồng bộ, nghiêm túc các giải pháp cấm đậu, đỗ xe trên vỉa hè, lòng đường và quan trọng nhất là nhanh chóng xây dựng đa dạng các bãi đậu xe. Thời gian qua, việc thiếu trầm trọng các bãi đậu xe cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ùn tắc khu vực nội đô. Diện tích bến bãi theo quy hoạch của TP đến 2020 là 1.145,88 ha, nhưng hiện mới chỉ đạt 20% – tương đương 227,6 ha; mới xây dựng được 35 vị trí trong khi theo quy hoạch có tới 126 vị trí bến bãi.
 
 
Khi mở các cổng thu phí, phát triển giao thông công cộng, nhu cầu bãi đậu xe sẽ càng tăng lên. Nếu không đáp ứng được nhu cầu này, có thể các giải pháp sẽ thất bại. Thực tế loạt quy hoạch bãi đậu xe ngầm, bãi đậu xe thông minh của TP đều “chết yểu” là do chưa có cơ chế giá hợp lý và chưa quản lý được việc đậu xe bừa bãi. Xây dựng bãi đậu xe ngầm rất tốn kém, chi phí gấp khoảng 3 lần bãi đậu xe thông thường. Trong khi đó, giá đỗ xe hiện nay do TP ban hành và quản lý, nhà đầu tư không thể thay đổi, và quá thấp không đảm bảo cho nhà đầu tư thu hồi vốn. Chưa kể do quản lý chưa nghiêm, người dân vẫn có thể đậu xe “chui” dưới lòng đường, trên vỉa hè, ảnh hưởng không nhỏ tới sản lượng khách hàng, khiến các nhà đầu tư e ngại rủi ro, không mặn mà tham gia.
 
 
Hiện hệ thống xe buýt trong khu vực trung tâm TP tương đối tốt. Đến năm 2021, khi tuyến metro số 1 hoàn thành sẽ thu hút thêm được số lượng lớn người sử dụng giao thông công cộng. Đây là thời điểm thích hợp để thu phí phương tiện chiếm dụng nhiều diện tích mặt đường như ô tô cá nhân. Tuy nhiên, cần lưu ý có chính sách giá đặc biệt đối với những người dân sống trong khu vực nội đô thuộc vành đai thu phí như giảm giá hoặc miễn phí một số lần.
 
 
PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng
HÀ MAI