17/01/2025

Tỷ lệ tốt nghiệp giảm nhiều ở các điểm ‘nóng’

Bộ GD-ĐT cho biết từ dữ liệu phân tích điểm thi THPT quốc gia năm 2019, tỷ lệ tốt nghiệp THPT trên cả nước dự kiến đạt 94,06%, giảm 3,51% so với năm 2018. Tuy nhiên, ở các điểm ‘nóng’ thì con số này có nơi giảm tới hơn 25%.

 

Tỷ lệ tốt nghiệp giảm nhiều ở các điểm ‘nóng’

Bộ GD-ĐT cho biết từ dữ liệu phân tích điểm thi THPT quốc gia năm 2019, tỷ lệ tốt nghiệp THPT trên cả nước dự kiến đạt 94,06%, giảm 3,51% so với năm 2018. Tuy nhiên, ở các điểm ‘nóng’ thì con số này có nơi giảm tới hơn 25%.
 
 
 
 

10 địa phương có điểm trung bình chung thấp nhất cả nước 	 /// Ảnh: Lê Hiệp

10 địa phương có điểm trung bình chung thấp nhất cả nước   Ảnh: Lê Hiệp

 

 
 

Các địa phương “nóng” giảm từ 7 đến hơn 25%

 
Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp chung của địa phương này là 71,97%. Trong đó hệ THPT là 77,79%, hệ giáo dục thường xuyên là 28,34%. Có một trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100% là Trường THCS – THPT Chu Văn An (thuộc Trường ĐH Tây Bắc). So với năm 2018 thì tỷ lệ đỗ của thí sinh tỉnh Sơn La đã giảm đáng kể. Năm 2018, tỷ lệ đỗ là 97,29%. Như vậy, tỷ lệ tốt nghiệp tại địa phương này năm nay sụt hơn 25%.


Trong tổng số 33 trường THPT ở tỉnh Sơn La, ngoài Trường THCS – THPT Chu Văn An, Trường THPT chuyên Sơn La đạt tỷ lệ đỗ là 99,09%. Đỗ thấp nhất là Trường THPT Co Mạ, chỉ đạt 52,92%.

 
 
Tại Hà Giang, ông Nguyễn Thế Bình, Phó giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT, cho biết tỷ lệ đỗ của toàn tỉnh là 71,96%, thấp hơn năm 2018 gần 17%. Năm 2018, Hà Giang cũng thuộc nhóm địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp thấp nhất nước (89,35%).
 
 
Tại Hòa Bình, thống kê sơ bộ cho biết tỷ lệ tốt nghiệp THPT giảm hơn 10% so với năm trước.
 
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Lạng Sơn, năm nay có 7.491 thí sinh đỗ tốt nghiệp/8.292 thí sinh dự thi, đạt 90,34% (giảm 7,34% so với năm 2018). Có 25.219 bài thi bằng và trên 5 điểm, tương đương 51,1% (tăng 5,75% so với năm 2018).
 
 
Năm nay, mặc dù đề thi “dễ hơn” so với năm 2018 nhưng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp chung trên cả nước đều giảm. Theo Bộ GD-ĐT, ở các tỉnh như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, số thí sinh đạt điểm dưới trung bình và điểm liệt so với năm 2018 đều giảm một chút. Gian lận điểm thi năm 2018 chỉ tập trung vào số thí sinh được nâng khống điểm cao để xét tuyển vào các trường ĐH tốp đầu còn kết quả trung bình của cả 3 tỉnh năm trước đều thấp so với mặt bằng chung của cả nước.
 

“Đất học” vẫn giữ ngôi đầu bảng

 
Những địa phương được xem là “đất học” ở khu vực miền Bắc như Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Bắc Ninh… đều vẫn có tỷ lệ tốt nghiệp cao, đứng đầu bảng trong kết quả ở nhiều môn thi.


Theo thông tin từ Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định, điểm bình quân các môn của thí sinh tỉnh này có 2 môn xếp thứ nhất toàn quốc gồm môn toán (bình quân 6,523 điểm) và môn hóa học (5,94 điểm), 1 môn xếp thứ hai là vật lý (6,20 điểm), 1 môn xếp thứ ba là ngữ văn (6,041 điểm), 3 môn xếp thứ tư là lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, 1 môn xếp thứ sáu là ngoại ngữ. Môn sinh học nằm ngoài tốp 10 tỉnh điểm cao nhất. Nếu xét về điểm bình quân các môn thi là 5,9 thì Nam Định đứng số 1 toàn quốc (tỉnh xếp thứ hai là Hà Nam đạt 5,89 điểm). Tỷ lệ tốt nghiệp hệ THPT của Nam Định đạt 99,53%; hệ giáo dục thường xuyên đạt 88,74%. Tỷ lệ tốt nghiệp chung của toàn tỉnh cũng dẫn đầu toàn quốc, đạt 98,57%. Ngoài ra, Nam Định cũng giữ số lượng bài thi đạt điểm giỏi (từ 8 điểm trở lên) cao nhất toàn quốc với 12.538 bài (trong đó có 25 bài đạt điểm 10).

 
 
Thái Bình có 18.117 học sinh tốt nghiệp, đạt 97,83%. Trong đó, hệ THPT đạt 98,6%; hệ giáo dục thường xuyên đạt 90,35%.
 
 
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.Hà Nội, tỷ lệ tốt nghiệp là 96,18%, trong đó hệ THPT đạt 97,6%; giáo dục thường xuyên đạt 83,68%. Có 70 trường đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%. Thống kê điểm các môn thi của học sinh Hà Nội trong kỳ thi năm nay cho thấy, toàn TP có tới 56.584 bài thi đạt điểm giỏi (từ 8 trở lên), chiếm tỷ lệ gần 15%. Trong đó có 166 bài thi đạt điểm 10, chiếm tỷ lệ khoảng 13% của cả nước (63 tỉnh thành trên cả nước có tổng số 1.270 bài thi đạt điểm 10, trong đó môn ngoại ngữ, Hà Nội có tới 113/299 bài thi điểm 10, chiếm gần 38% cả nước và chiếm 68% số bài thi đạt điểm 10 của Hà Nội). Tuy nhiên, Hà Nội cũng có 143 bài thi bị điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống), trong đó có 4 điểm 0. Điểm trung bình cao nhất của Hà Nội là môn giáo dục công dân với 7,31 điểm; tiếp đến là môn toán 6,33 điểm; môn địa lý 6,13 điểm; vật lý 5,82 điểm; ngữ văn 5,76 điểm; hoá học 5,26 điểm; ngoại ngữ 5,02 điểm; sinh học 4,39 điểm; thấp nhất là lịch sử với điểm trung bình toàn thành phố là 4,35.
 
 
Tỷ lệ tốt nghiệp của thí sinh Bắc Giang năm nay là 96,16%. Bắc Ninh là địa phương có điểm trung bình môn vật lý cao nhất toàn quốc với 6,31 điểm. Đây cũng là tỉnh có 1/2 bài thi đạt điểm 10 môn vật lý của cả nước.
 
 
Theo Sở GD-ĐT Thanh Hóa, tỷ lệ tốt nghiệp đạt 92,39%, giảm hơn 5% so với năm trước (năm 2018 là 97,46%). Toàn tỉnh có 2 trường THPT có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100%, đó là THPT Đào Duy Anh và THPT Bỉm Sơn. Trường THPT Quảng Xương 1 và THPT chuyên Lam Sơn có nhiều học sinh có điểm thi tổ hợp 3 môn xét tuyển từ 27 điểm trở lên nhiều nhất. Đặc biệt, Vũ Đức Anh, học sinh Trường THPT Quảng Xương 1 là thủ khoa khối A cả nước.
 

Thay đổi cách tính điểm khiến tỷ lệ tốt nghiệp giảm

Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân chính khiến tỷ lệ xét điểm thi THPT quốc gia giảm là do cách tính điểm xét tốt nghiệp thay đổi, điểm thi được tính 70% và kết quả học tập 30% thay vì 50% – 50% như năm 2018 trong khi đó chất lượng giáo dục và kết quả thi thì chưa được nâng lên đáng kể để “bù” vào cách tính điểm mới này.
 
 
 
TUỆ NGUYỄN