18/01/2025

Nữ chủ tịch đầu tiên của Uỷ ban châu Âu là ai?

Bà Ursula von der Leyen, đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Đức, đã chính thức được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC), qua đó trở thành người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm cương vị này.

 

Nữ chủ tịch đầu tiên của Uỷ ban châu Âu là ai?

Bà Ursula von der Leyen, đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Đức, đã chính thức được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC), qua đó trở thành người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm cương vị này.
 
 
 
 

Bà Ursula von der Leyen trở thành nữ chủ tịch EC đầu tiên /// AFP

Bà Ursula von der Leyen trở thành nữ chủ tịch EC đầu tiên   AFP

 

 
 
Tối 16.7 (rạng sáng 17.7 giờ Việt Nam), trong phiên bỏ phiếu tại Nghị viện châu Âu (EP) ở Strasbourg (Pháp), bà Ursula von der Leyen đã giành được 383 phiếu thuận, vượt qua mức tối thiểu cần đạt (374 phiếu), theo Reuters. Với tỷ lệ ủng hộ 52%, bà Ursula sẽ chính thức trở thành tân Chủ tịch EC và sẽ nhậm chức vào ngày 1.11 tới.
 
 
Đây là lần đầu tiên sau hơn 50 năm, một người Đức được trao quyền lãnh đạo EC. EC là cánh lập pháp của liên minh, chịu trách nhiệm cho việc đề xuất các dự luật của khối, thực thi các hiệp định và đại diện cho lợi ích của EU trên chính trường thế giới.
 
 
Trước đó một ngày, nữ chính trị gia thuộc đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Đức tuyên bố qua Twitter sẽ từ chức Bộ trưởng Quốc phòng Đức vào ngày 17.7 bất kể kết quả cuộc bỏ phiếu thế nào. “Tôi sẽ từ chức Bộ trưởng Quốc phòng Đức vào thứ tư tới để phục vụ châu Âu với tất cả khả năng”, bà Ursula viết.
 
 
Quyết định trên của Ursula von der Leyen nhận được sự ủng hộ và tôn trọng của Thủ tướng Angela Merkel. Đồng thời, Chính phủ Đức cũng xác nhận bà Annegret Kramp-Karrenbauer sẽ trở thành tân Bộ trưởng Quốc phòng nước này sau khi bà Ursula từ chức.
 
 
Nữ chủ tịch đầu tiên của Ủy ban châu Âu là ai? - ảnh 1

Bà Ursula nhiều năm là cánh tay đắc lực trong nội các của Thủ tướng Angela Merkel   AFP

 

 

Từ Tiến sĩ Y khoa đến Bộ trưởng Quốc phòng

 
Ursula von der Leyen, 61 tuổi, là một chính trị gia cứng rắn, từng được đánh giá là ứng viên tiềm năng kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel. Trùng hợp là bà cũng sinh ra tại Brussels (Bỉ) – nơi Uỷ ban châu Âu đặt trụ sở chính.
 
 
Ursula xuất thân trong một gia đình chính trị giàu có. Cha của bà, ông Ernst Albrecht, từng giữ chức Thống đốc bang Lower Saxony (phía tây bắc nước Đức) trong 14 năm.
 
 
Khi còn nhỏ, Ursula sinh sống tại Bỉ. Đến năm 13 tuổi, bà và gia đình mới chuyển về Đức. Bà cũng từng có thời gian theo học tại trường Đại học Kinh tế London – LSE (Anh) danh giá. Vì vậy bà đã sớm có lợi thế hơn nhiều chính trị gia khác ở Đức khi có thể thành thạo 3 ngôn ngữ – tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Pháp.
 
 
 
Sau khi tốt nghiệp kinh tế, bà Ursula tiếp tục theo học ngành dược tại Trường Y Hanover. Tại đây, Ursula đã gặp chồng tương lai của mình, ông Heiko thuộc dòng dõi quý tộc Von der Leyen, đang học ngành y.
 
 
Năm 1986, hai người kết hôn và có với nhau 7 người con từ 1987 đến 1999. Bà từng có khoảng thời gian phải tạm ngưng sự nghiệp để theo chồng sang Mỹ 4 năm, khi ông Heiko được Trường ĐH Stanford mời về giảng dạy.
 
 
Ursula lấy bằng tiến sĩ Y khoa năm 1991. Trong nhiều năm tiếp theo, bà đảm đương trách nhiệm của một người vợ, người mẹ, khi tự tay nuôi nấng 7 người con. Đến năm 1999, khi đã hơn 40 tuổi, bà Ursula mới quyết định tiếp bước sự nghiệp chính trị của cha mình.
 
 
Năm 2003, Ursula trở thành người đứng đầu cơ quan phụ trách quyền lợi phụ nữ và trẻ em tại bang Lower Saxony. Cách làm việc tận tâm và thông minh của Ursula đã thu hút sự chú ý của các chính trị gia tại Berlin, trong đó có bà Angela Merkel.
 
 
Năm 2005, Thủ tướng Merkel đã chính thức giới thiệu Ursula Von der Leyen với chính trường Berlin khi bổ nhiệm bà vào vị trí Bộ trưởng phụ trách quyền lợi phụ nữ và trẻ em.
 
 
Khi trở thành người đứng đầu Bộ phụ trách quyền lợi phụ nữ và trẻ em của Đức, Ursula đã kêu gọi tăng trợ cấp xây dựng nhà trẻ, để những người mẹ như bà có thể được thoải mái đi làm sau khi sinh con. Sự năng động của bà đã vấp phải ánh mắt hoài nghi của các nhân vật bảo thủ trong đảng CDU và sự kinh ngạc từ phía cánh tả.
 
 
Đến năm 2009, dưới nhiệm kỳ thứ 2 của Thủ tướng Merkel, Ursula trở thành Bộ trưởng Bộ Lao động. Bà tiếp tục khiến cánh tả và cánh hữu “mắt tròn mắt dẹt” khi bắt buộc hội đồng quản trị các tập đoàn phải dành ra một lượng ghế nhất định cho phụ nữ, cũng như đặt ra mức lương tối thiểu. Dù chính sách này sau đó đã vướng nhiều phản đối khiến chính Thủ tướng Merkel phải ra tay giải vây nhưng Ursula đã chứng minh được bà là một chính trị gia có tầm ảnh hưởng.
 
 
Nữ chủ tịch đầu tiên của Ủy ban châu Âu là ai? - ảnh 2

Chủ tịch EP, David Maria Sassoli, chúc mừng bà Ursula đắc cử Chủ tịch EC  Reuters

 
 
 
Trong nhiệm kỳ thứ 3 của bà Angela Merkel, Ursula Von der Leyen giữ vị trí người đứng đầu Bộ Quốc phòng. Đây được xem là chiếc ghế nóng bậc nhất chính trường Berlin và Ursula là người phụ nữ đầu tiên nắm giữ.
 
 
Theo báo The Economist (Anh), Bộ Quốc phòng Đức từ lâu được xem như “nghĩa địa” cho những sự nghiệp chính trị đang triển vọng. Nước Đức muốn đảm bảo vai trò của mình trên trường quốc tế nhưng kể từ sau sự kiện “bức tường Berlin sụp đổ” (1991) đến nay, đa phần người dân Đức vẫn chưa tin tưởng vào quân đội của mình. Khoảng cách giữa mong muốn của chính phủ và niềm tin của người dân còn quá lớn.
 
 
Như lời Daniel Goffart, đồng chủ bút cuốn tự truyện về bà Ursula Von der Leyen, thì “Bộ Quốc phòng là một quả bom nổ chậm. Những gì tích cực thì không được công nhận, còn tiêu cực thì sẽ bị chỉ trích”. Thế nhưng, đã 6 năm trôi qua, có thể nói bà Ursula đang làm gần như hoàn hảo vai trò của mình.
 
 
Sau hơn 20 năm tham gia chính trường, bất chấp những sóng gió, bà Ursula Von der Leyen là người duy nhất liên tục nằm trong nội các của bà Merkel kể từ nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên vào năm 2005.
 
 
Thủ tướng Đức từng nhiều lần dành lời khen cho bà Ursula. Như trong buổi công bố nội các mới cho nhiệm kỳ thứ 3 của mình, bà Merkel đã nhận xét: “Những người đã biết về Von der Leyen hiểu rằng bà ấy có độ dẻo dai để đảm trách công việc khó khăn”.
 
 
Nhiều người Đức, mà phần lớn là phụ nữ, cảm thấy quý mến Ursula. Thông thường ở Đức, 1 phụ nữ chỉ có từ 1 tới 2 con trong khi bà Ursula đã tự tay nuôi dạy 7 người con. Bà đã làm được nhiều việc mà không phải người phụ nữ nào cũng kham nổi khi một tay vừa chăm sóc gia đình, vừa lo cho người cha bị Alzheimer, tay còn lại điều hành toàn những bộ lớn, trong khi vẫn khỏe mạnh tươi cười mỗi ngày.
 
 
Với mái tóc ngắn hoàn hảo, trang phục thanh lịch, người phụ nữ nhỏ bé (bà Ursula chỉ cao 1,61 m) luôn giữ phong thái bình tĩnh trong bất kỳ hoàn cảnh nào khiến nhiều người ví bà là hiện thân của sự “bình yên” nơi “tâm bão”.
 
 
Nữ chủ tịch đầu tiên của Ủy ban châu Âu là ai? - ảnh 3

Bà Ursula có 7 đứa con   AFP

 

Khởi đầu tốt đẹp cho EU

 
“Sự tín nhiệm mà các vị đặt vào tôi cũng là niềm tin vào châu Âu, một châu Âu mạnh mẽ và đoàn kết, từ tây sang đông, từ bắc xuống nam. Hãy cùng nhau làm việc trên tinh thần xây dựng” – chủ tịch tân cử Ursula Von der Leyen, phát biểu ngay sau khi đắc cử.
 
 
Bà Ursula còn có một tầm nhìn chiến lược cho EU và nước Đức. Trong một lần trả lời The Economist, Ursula ví EU như một gia đình đang bị các thế lực bên ngoài phá vỡ sự kết dính. Theo bà, nó cần “một thế lực trung tâm có thể giữ vai trò lãnh đạo hợp nhất và nước Đức nên nắm giữ trách nhiệm này”.
 
 
Bà Ursula cũng có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Bà cho rằng châu Âu cần chú ý nhiều hơn đến Trung Quốc, nơi đang có nhiều mối đe dọa mà đa phần các chính trị gia ở EU lại bỏ qua.
 
 
Trong cuộc phỏng vấn với Die Zeit hồi tháng 1, bà Ursula Von der Leyen đã so sánh ảnh hưởng của Trung Quốc tương tự như mối đe dọa của Nga đối với châu Âu. Bà cũng cho rằng những chính sách mà châu Âu đang áp dụng với Nga cũng cần được xem xét cho Trung Quốc.
 
 
Bà Ursula được EU đánh giá cao không chỉ bởi trình độ học vấn, khả năng ngoại ngữ, kinh nghiệm làm việc mà còn bởi vì bà có cùng quan điểm chính trị với liên minh, nhất là vấn đề Anh tách khỏi EU hay còn gọi là Brexit.
 
 
Ursula ủng hộ sự hội nhập của châu Âu. Bà từng chia sẻ về một mô hình hội nhập cao hơn cho châu Âu, đó là “Hợp chủng quốc châu Âu” – mô hình liên bang giống như Mỹ, Đức hay Thụy Sĩ.
 
 
Bà cho rằng châu Âu có thể sử dụng “lợi thế quy mô” của mình để giải quyết các vấn đề về tài chính, thuế và kinh tế. Ngay khi Anh quyết định sẽ rời khỏi “ngôi nhà chung châu Âu”, bà Ursula tuyên bố đó là cơ hội để EU tăng cường hợp tác quân sự bởi Anh trước đó luôn là nước cản trở các kế hoạch chung.
 
 
Từ Berlin, Thủ tướng Angela Merkel cũng ca ngợi đồng minh lâu năm của mình là một “người châu Âu dám dấn thân và rất thuyết phục” và sẽ “giải quyết rốt ráo những thách thức chúng ta phải đối mặt với tư cách Liên minh châu Âu”.
 
 
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ trước đã dự báo việc bà Ursula trở thành Chủ tịch Uỷ ban châu Âu sẽ mang lại một khởi đầu mới tốt đẹp cho EU.
 
 
Ông cũng tái khẳng định điều này vào hôm qua và khẳng định nước Pháp sẽ ở bên cạnh bà Ursula.
 
 
 
 KIỀU TRANG