24/12/2024

Chiêu trò của bất động sản ‘bịp’: Bẫy hợp đồng tư vấn

Nhiều nhà đầu tư (là người dân) khi tham gia vào dự án bất động sản xuất phát từ việc thiếu hiểu biết về pháp luật, nhưng do lợi nhuận cao nên không tìm hiểu kỹ về tính pháp lý của hợp đồng ký kết, dự án.

 

Chiêu trò của bất động sản ‘bịp’: Bẫy hợp đồng tư vấn

Nhiều nhà đầu tư (là người dân) khi tham gia vào dự án bất động sản xuất phát từ việc thiếu hiểu biết về pháp luật, nhưng do lợi nhuận cao nên không tìm hiểu kỹ về tính pháp lý của hợp đồng ký kết, dự án.
 
 
 
 
 /// Minh họa: DAD
Minh hoạ: DAD
 
 

 
Lợi dụng thông tin sốt đất “ảo” tại các tỉnh thành giáp ranh TP.HCM, nhiều đối tượng, công ty bất động sản cài bẫy khách hàng ký nhiều hợp đồng với nhiều điều khoản bất lợi.

Cài bẫy khách hàng

Theo hồ sơ tài liệu của Công an TP.HCM, cuối năm 2018, ông N.T.T được nhân viên môi giới tên Kim (chưa rõ lai lịch) của Công ty TNHH địa ốc Oriland (trụ sở P.2, Q.Tân Bình) giới thiệu mua lô đất tại P.Long Tâm (TP.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), giá 850 triệu đồng. Nếu ông T. đồng ý mua thì được hưởng giảm giá chỉ còn 760 triệu đồng, nộp trước 90% (tương đương 706 triệu đồng), còn lại 10% khi ra công chứng giao sổ sẽ thanh toán đủ.
 
Sau khi ông T. ký hợp đồng mua bán lô đất trên với giá 850 triệu đồng, thì Kim đưa ra thêm hai hợp đồng chuyển nhượng lô đất trên giá 1,35 tỉ đồng và 1 hợp đồng tư vấn trị giá 500 triệu đồng. Kim giải thích ông T. may mắn được giảm giá còn 760 triệu đồng, thực chất giá bán ngoài thị trường 1,35 tỉ đồng. Ông T. cứ ký, công ty của Kim cam kết chỉ thu đúng 760 triệu đồng.
 

Về hợp đồng tư vấn thì Kim nói đây chỉ là hợp đồng san lấp mặt bằng và làm cơ sở hạ tầng… Nghe lời, ông T. ký thêm vào 2 hợp đồng trên. Ngay sau khi ký xong, ông T. nộp 706 triệu đồng (tương đương 90%, 10% còn lại khi ra công chứng giao sổ đỏ sẽ thanh toán đủ), yêu cầu Công ty Oriland liên hệ chủ đầu tư làm thủ tục sang tên chuyển nhượng. Nhưng chủ đầu tư từ chối do Công ty Oriland mới chuyển cho chủ đầu tư 255 triệu đồng, giữ lại 451 triệu đồng cấn trừ vào hợp đồng tư vấn. Khi tìm hiểu, ông T. phát hiện Công ty Oriland gài ký 3 hợp đồng nói trên, trong đó có 1 hợp đồng tư vấn trị giá 500 triệu đồng để chiếm đoạt 451 triệu đồng, nên làm đơn tố Công ty Oriland về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 
Qua xác minh, cơ quan công an xác định, Công ty Thiên Nam chỉ ủy quyền cho Công ty Oriland “ký kết các hợp đồng cọc với khách hàng có nhu cầu để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại dự án Barimex” với giá 850 triệu đồng. Sau đó, Công ty Oriland tuyển chọn nhân viên thời vụ để thuận lợi cho việc lừa dối trong việc ký hợp đồng. Khi khách hàng phát hiện bản chất sự việc, nhân viên môi giới thời vụ đã nghỉ việc, cắt mọi liên lạc, không thể mời làm việc để xác định bản chất của việc môi giới.
 
“Quá trình điều tra, cùng với tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ đã chứng minh được bản chất của vụ án có dấu hiệu của tội phạm, nhưng chưa mời được nhân viên môi giới tên Kim, nên chưa xác định được sự gian dối gài bẫy ký hợp đồng giữa Kim, ông T. và mối quan hệ giữa Kim và Công ty Oriland có sự gian dối với nhau hay không để chiếm đoạt số tiền tư vấn”, một cán bộ của Công an TP.HCM cho biết.
 
Trước đó, tương tự, Công ty CP đầu tư kinh doanh bất động sản (BĐS) Uniland (Q.Tân Bình, TP.HCM) chỉ được chủ đầu tư dự án L.A 5 (ở TP.Bà Rịa) thu tiền đặt chỗ của khách để đảm bảo việc ký hợp đồng chuyển nhượng giữa khách hàng và chủ đầu tư. Thế nhưng, Công ty Uniland tổ chức quảng cáo, tiếp thị ký nhiều “Hợp đồng tư vấn góp vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật và công trình nhà trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất” với giá cao (đã tự ý nâng giá cao hơn giá quy định của chủ đầu tư)…

“Bút sa gà chết”

Theo Công an TP.HCM, một trong những nguyên nhân phát sinh loại tội phạm trên là do công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh BĐS còn nhiều bất cập; cơ quan quản lý nhà nước còn buông lỏng quản lý.

 
Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư (là người dân) khi tham gia vào dự án BĐS xuất phát từ việc thiếu hiểu biết về pháp luật, nhưng do lợi nhuận cao nên không tìm hiểu kỹ về tính pháp lý của hợp đồng ký kết, dự án. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp có trụ sở tại TP.HCM tổ chức giao dịch, kinh doanh dự án ở các tỉnh, thành phố khác, với khách hàng trên địa bàn TP.HCM. Dự án giao dịch này lại không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan chức năng TP.HCM, nên không nắm được tính pháp lý, giao dịch của dự án để cảnh báo người dân kịp thời. Đến khi phát sinh tranh chấp, khách hàng đã tập trung đông người khiếu nại, tố cáo gây mất an ninh trật tự.
 
Trước tình hình này, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (PC03), Công an TP.HCM đề xuất một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này, Sở KH-ĐT, Sở Tài chính, Sở TN-MT, Sở Xây dựng, UBND quận, huyện… tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp, dự án đầu tư, kinh doanh trên địa bàn TP.HCM.
 
Xử lý các dự án “ma”
Ngày 9.7, UBND TP.HCM cho biết đã chỉ đạo UBND các quận, huyện có nhiều dự án “ma”, lừa đảo người dân bán đất nền, nhất là các quận, huyện như: Hóc Môn, Bình Tân, Q.12 phải kiểm tra toàn diện và xử lý nghiêm các dự án này.
 
TP cũng yêu cầu Sở Xây dựng TP, Thanh tra TP tăng cường kiểm tra, giám sát đối với công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn. Không chỉ UBND TP, Thường trực Thành uỷ TP cũng yêu cầu bí thư quận uỷ, huyện uỷ chỉ đạo bí thư Đảng uỷ phường, xã, thị trấn chỉ đạo rà soát, thống kê, lập danh sách số lượng, vị trí cụ thể các trường hợp xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn từng phường, xã, thị trấn trong năm 2017, 2018 và đến ngày 30.5.2019.
 
 
Đình Sơn
 ĐÀM HUY – TRẦN TIẾN