24/12/2024

Hàng ngàn bài thi trắc nghiệm lỗi ở nhiều nơi

Khi chấm thi trắc nghiệm tại một số địa phương, ban chấm thi phát hiện hàng chục ngàn bài thi bị lỗi.

 

Hàng ngàn bài thi trắc nghiệm lỗi ở nhiều nơi

Khi chấm thi trắc nghiệm tại một số địa phương, ban chấm thi phát hiện hàng chục ngàn bài thi bị lỗi.


 

Hàng ngàn bài thi trắc nghiệm lỗi ở nhiều nơi - Ảnh 1.

Thí sinh kết thúc môn thi tiếng Anh kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tại điểm thi Trường THPT Lê Duẩn, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk – Ảnh: TRUNG TÂN

Thực tế một số sở GD-ĐT sử dụng giấy làm phiếu trả lời trắc nghiệm không chuẩn nên khi chấm có thể nhảy dòng dẫn đến sai lệch điểm. Vì vậy, khâu do lỗi bài thi đòi hỏi phải làm rất kỹ mới đảm bảo quyền lợi của thí sinh”.

Một cán bộ chấm thi trắc nghiệm

Hầu hết các địa phương trên cả nước đã hoàn thành chấm thi tự luận và trắc nghiệm kỳ thi THPT quốc gia 2019. Chiều qua 8-7, còn vài trường ĐH cũng đã xử lý xong một số phần việc sau cùng trong khâu chấm trắc nghiệm.

Đáng chú ý, trong chấm thi trắc nghiệm tại một số địa phương đã phát hiện số bài thi có lỗi đến con số hàng ngàn.

Phát hiện lỗi bất thường ở Đắk Lắk

Tại tỉnh Đắk Lắk, toàn bộ công tác chấm thi trắc nghiệm đã hoàn tất trong sáng 7-7. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đơn vị chủ trì chấm trắc nghiệm tại hội đồng thi tỉnh này, cho biết toàn tỉnh có 20.588 thí sinh dự thi với 60.401 bài thi trắc nghiệm.

Ban chấm trắc nghiệm qua phần mềm chấm thi đã phát hiện sửa lỗi đến hơn 1.450 bài thi.

Cũng tại đây, trong khi quét bài thi trắc nghiệm, ban chấm thi đã phát hiện một số trường hợp bất thường. Ban thư ký hội đồng thi cung cấp danh sách thí sinh vắng thi, có mặt dự thi chưa chính xác như: thí sinh có tên trong danh sách dự thi nhưng thực tế trong danh sách thu bài lại không dự thi hoặc trong phần mềm báo thí sinh vắng thi nhưng trong danh sách thu bài lại có dự thi và có ký nộp bài.

Ngoài ra còn có tình trạng phần mềm nhận dạng ảnh phiếu chưa chính xác, các phiếu lệch không báo đúng số câu lỗi, trong quá trình làm phần mềm không báo mà chỉ phát hiện bằng khung bao đỏ ở dấu nhận dạng mép dưới của phiếu trả lời trắc nghiệm…

Tại Thanh Hóa, 26 cán bộ chấm thi của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội phải mở kiểm tra hàng chục ngàn bài thi được phần mềm báo không nhận diện được phương án thí sinh đã tô do tô mờ, tô chưa hết… Trong đó có khoảng 1.500 bài được sửa sau khi đối chiếu bài thi gốc, sau khi xác định thí sinh có tô phương án trả lời nhưng bị mờ, chưa hết hoặc tẩy để lại dấu vết.

Tại Khánh Hòa, 37.000 bài thi trắc nghiệm của thí sinh tỉnh này đã được Trường ĐH Nha Trang chấm xong.

“Có 210 bài thi trắc nghiệm có lỗi số báo danh, mã đề thi… và một số lỗi do thí sinh tô số báo danh trùng cột. Bên cạnh đó, ban chấm thi trắc nghiệm của trường phải xử lý khoảng 2.000 bài thi có lỗi do phần mềm chấm thi phát hiện nên phải mất hơn một ngày sửa lỗi” – TS Tô Văn Phương, trưởng phòng đào tạo ĐH Trường ĐH Nha Trang, cho biết.

Cố gắng đảm bảo quyền lợi thí sinh

Thông tin thêm về các bài thi có lỗi này, một số ban chấm thi cho biết do khi làm bài, thí sinh có điều chỉnh đáp án bằng cách tẩy xóa ô đã tô trong phiếu bài làm nhưng không tẩy sạch nên khi quét phần mềm báo lỗi.

Cán bộ phụ trách chấm thi trắc nghiệm của một trường ĐH ở TP.HCM cũng cho biết: “Do phần mềm năm nay bảo mật nên chỉ hiện ra bài có lỗi. Trong khi thực tế một số sở GD-ĐT sử dụng giấy làm phiếu trả lời trắc nghiệm không chuẩn nên khi chấm có thể nhảy dòng dẫn đến sai lệch điểm. Vì vậy, khâu do lỗi bài thi đòi hỏi phải làm rất kỹ mới đảm bảo quyền lợi của thí sinh”.

Tại tỉnh Đồng Nai, hội đồng chấm thi trắc nghiệm do Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM chủ trì cũng đã chấm xong toàn bộ hơn 78.100 bài thi hôm 6-7.

“Tất cả đều là những người có nhiều kinh nghiệm trong chấm trắc nghiệm nên khi chấm không bị sự cố nào. Khi chấm chỉ có hơn 400 bài thi có lỗi và đã được chỉnh sửa theo đúng quy chế” – PGS.TS Lê Văn Tán, phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho hay.

Chiều 8-7, PGS.TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM – đơn vị chủ trì chấm thi trắc nghiệm tại Vĩnh Long, cũng cho biết cơ bản đã hoàn tất khâu chấm thi, chỉ còn làm một vài công đoạn cuối, thống kê, báo cáo Bộ GD-ĐT. Tại tỉnh này có hơn 30.000 bài thi trắc nghiệm và số bài thi có lỗi rất ít.

Tại tỉnh Bình Thuận, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng đã chấm xong toàn bộ gần 32.000 bài thi trắc nghiệm hôm 5-7. Số bài thi bị lỗi cũng ít và được phần mềm hỗ trợ nên việc sửa lỗi khá thuận lợi.

Tương tự, đến nay các trường ĐH chủ trì chấm thi trắc nghiệm tại tỉnh Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu… cũng đã chấm xong và gửi dữ liệu chấm thi trắc nghiệm về Bộ GD-ĐT chờ ngày công bố điểm.

Môn văn điểm không cao

Theo Sở GD-ĐT Đồng Nai, công tác chấm thi THPT quốc gia tại hội đồng thi tỉnh này cơ bản đã hoàn thành. Theo đó, hội đồng chấm thi tự luận chấm xong 27.000 bài thi môn ngữ văn. Thống kê ban đầu cho thấy chỉ có ba bài đạt điểm 9 là cao nhất.

Tại Tây Ninh, có khoảng 6.000/hơn 8.500 bài đạt điểm từ mức 5 điểm trở lên, 12 bài đạt từ 8 đến 8,25 điểm và là mức điểm cao nhất ở môn văn của tỉnh. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở GD-ĐT cho biết toàn tỉnh cũng chỉ có hai bài thi môn ngữ văn đạt 9 điểm. Trong tổng số các bài thi môn tự luận này, có hơn 20% bài thi đạt 7 điểm trở lên, 50% bài thi ở mức từ 5-7 điểm và có 30% bài thi dưới 5 điểm.

Tại tỉnh Bình Thuận, hội đồng chấm thi tự luận đến chiều 8-7 mới chấm xong 10.722 bài thi môn ngữ văn nên phải đợi nhập điểm rồi mới có kết quả. Theo ThS Phạm Thái Sơn – phó trưởng ban chấm thi tự luận tỉnh Bình Thuận, thống kê sơ bộ có 80% số bài thi môn văn đạt điểm từ 5 trở lên, chủ yếu dao động khoảng 5-6 điểm.

Số bài thi tự luận đạt điểm trên 8 chỉ chiếm 0,56%, 60 bài đạt điểm trên 8 và toàn tỉnh chỉ có duy nhất 1 điểm 9 môn văn. “Các bài thi có điểm cao đều được chấm thẩm tra. 100% bài thi được hồi phách sau khi chấm nhằm đảm bảo tính chính xác” – ông Sơn cho biết thêm.

 

 

TRẦN HUỲNH