24/12/2024

Thoả thuận hạt nhân Iran bên bờ sụp đổ

Lần thứ hai trong vòng 1 tuần, Iran phá vỡ cam kết trong thoả thuận hạt nhân ký năm 2015 nhằm phản ứng sức ép từ Mỹ.

 

Thoả thuận hạt nhân Iran bên bờ sụp đổ

Lần thứ hai trong vòng 1 tuần, Iran phá vỡ cam kết trong thoả thuận hạt nhân ký năm 2015 nhằm phản ứng sức ép từ Mỹ.
 
 
 
 
Cơ sở hạt nhân Bushehr, cách Tehran 1.200 km về hướng nam /// Reuters

Cơ sở hạt nhân Bushehr, cách Tehran 1.200 km về hướng nam   Reuters

 

 
Ngày 7.7, Iran thông báo nước này bắt đầu sản xuất uranium với độ làm giàu 5% tại Cơ sở hạt nhân Bushehr, hơn hẳn mức tối đa 3,67% quy định trong thoả thuận được gọi là JCPOA ký năm 2015 với nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức). Bản thân Mỹ đã đơn phương rút khỏi thoả thuận hồi năm 2018, đồng thời tái áp đặt lệnh cấm vận lên Iran. Cách đây 1 tuần, Iran cũng đã sản xuất hơn 300 kg uranium làm giàu thấp, vượt mức hạn định trong JCPOA. Uranium làm giàu đến mức độ tinh khiết 3,67% được xem là phù hợp để sản xuất điện hạt nhân, còn đến 90% là cấp độ chế tạo vũ khí. AFP ngày 7.7 dẫn lời cố vấn Ali Akbar Velayati của Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei tuyên bố việc làm giàu uranium “sẽ tăng đến mức cần thiết nhằm phục vụ các hoạt động hoà bình”.
 

Chưa hết, Tehran hôm qua cảnh báo sẽ tiếp tục từ bỏ thêm nhiều cam kết khác “trong vòng 60 ngày”, trừ phi các bên còn lại trong thoả thuận, nhất là các nước châu Âu, có biện pháp hỗ trợ Iran chống chọi sức ép từ Mỹ. “Chúng tôi hy vọng có thể đạt được giải pháp. Nếu không, sau 60 ngày Iran sẽ có bước đi tiếp theo”, AFP dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Abbas Araghchi phát biểu trong cuộc họp báo ở Tehran. Ông nhấn mạnh nước này “đã cho quá đủ thời gian để đàm phán” kể từ khi Mỹ rút khỏi JCPOA. Cùng ngày, Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif nói “vẫn còn đường cứu vãn” nếu các nước châu Âu “nghiêm túc thực thi cam kết bảo vệ Iran”. Tuy nhiên trước mắt, nước này “sẵn sàng làm giàu vật liệu hạt nhân ở mọi cấp độ và khối lượng tuỳ theo nhu cầu”.

 
Phản ứng trước những diễn biến trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Iran “đang đùa với lửa”, còn Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu kêu gọi trừng phạt “hành động hết sức nguy hiểm” của nước CH Hồi giáo. Anh, Đức và Pháp hôm qua đồng loạt thúc giục Iran thay đổi quyết định để tránh sụp đổ thoả thuận. Reuters dẫn lời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông sẽ nỗ lực thúc đẩy nối lại đối thoại giữa các bên liên quan vào ngày 15.7. Tuy nhiên, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Iran Hassan Rouhani, ông Macron cũng cảnh báo về những hậu quả trước mắt nếu thỏa thuận bị phá vỡ.
 
Trong khi đó, một bên tham gia JCPOA khác là Nga ngày 7.7 một mặt kêu gọi Iran kiềm chế để tránh làm phức tạp thêm tình hình, mặt khác tuyên bố nước này “hiểu lý do thỏa đáng” sau những bước đi của nước CH Hồi giáo. Trước mắt, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thông báo các thanh sát viên quốc tế đang theo dõi sát sao quá trình làm giàu uranium ở Iran và sẽ tổ chức họp khẩn vào ngày 10.7 để thảo luận tình hình.
 
 
 
THUỴ MIÊN