08/01/2025

Những sĩ tử vừa thi xong lại miệt mài ‘nước rút’ ôn thi năng khiếu

Kỳ thi THPT quốc gia kết thúc, nhiều bạn bắt đầu nghỉ ngơi sau khoảng thời gian dài áp lực thi cử. Nhưng các sĩ tử có nguyện vọng vào các ngành năng khiếu lại tiếp tục dồn sức ôn thi cấp tốc cho kỳ thi năng khiếu vào đầu tháng 7 này.

 

Những sĩ tử vừa thi xong lại miệt mài ‘nước rút’ ôn thi năng khiếu

Kỳ thi THPT quốc gia kết thúc, nhiều bạn bắt đầu nghỉ ngơi sau khoảng thời gian dài áp lực thi cử. Nhưng các sĩ tử có nguyện vọng vào các ngành năng khiếu lại tiếp tục dồn sức ôn thi cấp tốc cho kỳ thi năng khiếu vào đầu tháng 7 này.
 
 
 
 

Những sĩ tử vừa thi xong lại miệt mài nước rút ôn thi năng khiếu - Ảnh 1.

Mỗi nhóm luyện thi hình hoạ thường tối đa 10 bạn để giáo viên hiểu rõ phong cách và hướng dẫn học được dễ dàng – Ảnh: MINH TRÂM

 

“Giai đoạn cấp tốc này không thể nạp thêm kiến thức, điều này phải được làm từ mấy tháng trước, thậm chí mấy năm trước. Bây giờ chỉ cho các bạn làm thử đề, nhìn ra đâu là điểm yếu thì tiếp tục luyện, điểm nào mạnh thì phát huy để đạt kết quả tốt nhất” – thầy Lê Phi Hùng, trưởng ngành đồ họa, khoa mỹ thuật tạo hình, ĐH Mỹ thuật TP.HCM, cho biết.

3 ca một ngày

Hơn 7h sáng, lớp luyện thi môn vẽ mỹ thuật và kiến trúc của thầy Hùng ở Q.Thủ Đức, TP.HCM đã đông đúc các bạn học sinh mang theo bút chì, thước kẻ, hộp màu… đến luyện thi. 

Trần Thanh Khoa, học viên đã ôn gần hai tháng tại đây, cho biết: “Thời gian thi THPT quốc gia tôi xin nghỉ để tập trung ôn các môn văn hóa. Vừa thi xong là tôi dồn sức ôn vẽ liền để thi vào ĐH Kiến trúc TP.HCM. Hiện tại tôi đang tập vẽ hoàn thiện đầu tượng. Mấy ngày gần đây tôi luyện vẽ từ 8h sáng đến 9h tối mới về”.

Thầy Hùng cho biết trong giai đoạn nước rút, các học viên ôn tập liên tục. Một ngày chia làm 3 ca sáng, chiều và tối. Lớp thường tổ chức các buổi thi thử vẽ mỹ thuật và vẽ trang trí màu để học sinh làm quen với đề, không khí thi, cách chia thời gian để làm bài. 

“Với các môn năng khiếu, mỗi bạn có một phong cách riêng, tôi chỉ hướng dẫn các em phát triển, sửa đổi một vài thứ căn bản dựa trên phong cách, sở trường đó chứ không thể rập khuôn theo một giáo trình bài bản nào” – thầy Hùng cho biết.

Với các môn thanh nhạc, kể chuyện, đọc diễn cảm… cũng đang vào giai đoạn nước rút, các thí sinh phải ôn luyện liên tục. Tuy nhiên, các môn này phải hạn chế ôn luyện nhiều vì dễ ảnh hưởng đến sức khỏe. 

TS Nguyễn Văn Dương – giảng viên khoa âm nhạc Trường CĐ Sư phạm trung ương – chia sẻ: “Thi xong THPT các bạn phải chú trọng đảm bảo sức khỏe, vì các môn khối này phụ thuộc hầu như vào chất giọng, sức khỏe, chỉ cần cảm cúm, mất giọng một chút là coi như công ôn luyện trở về con số 0”.

Những sĩ tử vừa thi xong lại miệt mài nước rút ôn thi năng khiếu - Ảnh 2.

Thầy Lê Phi Hùng hướng dẫn học trò chia tỉ lệ, dựng hình – Ảnh: MINH TRÂM

 

“Cắp bút màu” lên thành phố ôn thi

Ngoài học sinh tại TP.HCM, nhiều bạn từ các tỉnh thành khác cũng “cắp bút màu” đến TP luyện cấp tốc cho kỳ thi quan trọng này.

Chiều 28-6, sau khi kết thúc các môn thi THPT quốc gia, Nguyễn Quốc Tuấn từ Phú Quốc (Kiên Giang) cùng gia đình đến TP.HCM thuê trọ để ôn thi khối V, xét tuyển vào ĐH Kiến trúc TP.HCM. Tuấn cho biết đã ôn vẽ hai tháng trước ở Phú Quốc nhưng do điều kiện còn hạn chế, thầy ở đó khuyên nên đến thành phố sớm để kiếm lớp luyện vẽ mới có khả năng đạt điểm cao. 

Vì vào sau các bạn khác và phải ôn cấp tốc nên một ngày Tuấn luyện vẽ từ 2 đến 3 ca nhưng Tuấn khá tự tin. “Các môn toán, lý trong khối V (toán, lý, mỹ thuật) tôi làm khá tốt, nên quyết tâm với môn vẽ để có thể đậu vào trường”.

Trong lúc Tuấn chăm chú, tập trung làm đề thi thử thì cha mẹ và em trai 4 tuổi cũng đến lớp ôn thi chờ Tuấn. Ông Nguyễn Văn Hoàng, cha Tuấn, chia sẻ: “Tôi không rành đường sá ở thành phố, mà hai cha con đi thì mẹ cháu cũng không yên tâm. Thế là cả nhà quyết định cùng lên thành phố ôn thi luôn, để mình lo cho cháu ăn uống, động viên cháu thi cho tốt”.

Tương tự, chiều 27-6, Trịnh Hiệp từ Thái Bình cũng vào TP.HCM ở nhà người quen để tìm lớp luyện thi vẽ mỹ thuật. Hiệp kể lúc mới vào còn nhiều bỡ ngỡ, thậm chí không biết học ở đâu, phải hỏi thăm để tìm đến ôn thi kiến trúc tại một trung tâm ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM).

Anh Nguyễn Ngọc Hải – giáo viên vẽ kiến trúc (trung tâm luyện thi vẽ Doart) – cho biết: “Các lớp luyện thi năng khiếu ở các tỉnh thành rất ít, thường các bạn rất khó khăn trong việc ôn luyện vì thiếu giáo viên hướng dẫn. Nhiều bạn từ hè năm lớp 10, 11 đã tìm đến các trung tâm để học. Hết mùa hè, các bạn mua luôn đầu tượng về tập vẽ rồi gửi sản phẩm vào các nhóm trên Facebook để trao đổi với thầy cô, bạn bè và đọc thêm nhiều sách”.

Theo anh Ngọc Hải, tuy là môn năng khiếu nhưng các môn này đòi hỏi người thi phải có kiến thức nền tảng, hiểu sâu lý thuyết. Chính vì thế không thể ôn luyện ngày một, ngày hai mà có thể thành thạo, làm bài tốt được.

Phải có chiến lược làm bài

Thầy Lê Phi Hùng khuyên thí sinh dự thi năng khiếu phải chuẩn bị đầy đủ dụng cụ như bút chì, gôm, que đo, dây dọi, bảng vẽ đối với thi hình hoạ.

Với môn thi trang trí bố cục màu cần chuẩn bị đầy đủ bảng pha màu, cọ, compa, thước kẻ, giẻ lau, nước rửa cọ để tránh thiếu dụng cụ, loay hoay, mất tự tin vì với các môn thi này dụng cụ chiếm vai trò rất quan trọng. Trong quá trình làm bài thi hình hoạ, điều quan trọng nhất là phải có chiến lược phân bổ thời gian.

Thầy Hùng khuyên: “Thí sinh thi môn vẽ phải chia thời gian cho phần dựng hình, lên bóng khối sáng tối lớn. Phần dựng hình rất quan trọng và giúp các em có điểm, vì thế nên tập trung làm tốt phần này trước khi tiếp tục các phần sau đó. Trong quá trình làm bài nên lùi xa bài để quan sát tổng thể và không nên nghe bất kỳ nhận xét của ai khác vì ở mỗi vị trí các em sẽ có tỉ lệ khác nhau”.

Đối với môn trang trí màu, quan trọng nhất là bước phác thảo, lên ý tưởng, chọn màu. Nếu tiết kiệm được thời gian cho bước này, thí sinh sẽ có nhiều quỹ thời gian sáng tạo vì phần này sẽ giúp thí sinh đạt điểm cao.

Với môn thi này, thầy Hùng khuyên thí sinh lưu ý không được lạm dụng những chi tiết rườm rà khiến cho bài thi trở nên rối và khó hiểu, bài thi đơn giản mà tinh tế vẫn luôn là tiêu chí hàng đầu.

 

 

MINH TRÂM