Kỷ niệm trao trả Hong Kong: Trưởng đặc khu hứa lắng nghe người trẻ
Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) hứa sẽ thay đổi phong cách lãnh đạo của bà để trở nên ‘cởi mở’ hơn.
Kỷ niệm trao trả Hong Kong: Trưởng đặc khu hứa lắng nghe người trẻ
Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) hứa sẽ thay đổi phong cách lãnh đạo của bà để trở nên ‘cởi mở’ hơn.
Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) phát biểu ngày 1-7 sau lễ thượng cờ đánh dấu kỷ 22 năm ngày Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc – Ảnh: EPA-EFE
“Tôi nhận thức được rằng ngay khi có những ý định tốt, chúng tôi vẫn phải cởi mở và sẵn lòng tiếp nhận ý kiến. Dù phải đảm bảo hiệu quả trong quản lý, chính quyền cũng cần kiên nhẫn lắng nghe” – bà Lâm nói trong bài phát biểu đánh dấu 22 năm kể từ khi Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc đại lục.
Theo báo Straits Times, những phát ngôn trước công chúng lần đầu trong hơn 1 tuần qua của bà Lâm được đưa ra sau một cuộc đụng độ vào đầu ngày, khi cảnh sát sử dụng hơi cay và dùi cui để đối phó người biểu tình chiếm các tuyến đường chính ở Hong Kong.
Với an ninh được thắt chặt, bà Lâm cùng các quan chức cấp cao trong bộ máy đã chứng kiến lễ thượng cờ bên trong Trung tâm hội nghị và triển lãm ở khu Loan Tể (Wanchai) vào lúc 8h sáng 1-7 (giờ địa phương).
Trong bài phát biểu, bà Lâm thừa nhận người biểu tình đã không vui với dự luật dẫn độ gây tranh cãi. Vị lãnh đạo Hong Kong hứa sẽ “tích cực tiếp cận những người trẻ có lai lịch khác nhau thông qua nhiều kênh để lắng nghe suy nghĩ của họ”.
“Vụ việc diễn ra thời gian gần đây đã dẫn tới những cuộc tranh cãi và bất hòa giữa công chúng và chính quyền” – bà Lâm đề cập tới các cuộc biểu tình những tuần qua của người dân Hong Kong để phản đối dự luật cho phép dẫn độ tội phạm sang Trung Quốc đại lục.
Trưởng đặc khu cho biết thêm: “Điều này khiến tôi nhận thức đầy đủ rằng là một chính khách, tôi phải nhắc nhở chính mình mọi lúc về sự cần thiết của việc hiểu chính xác cảm xúc của công chúng”.
Cờ Trung Quốc tung bay trong khi cờ Anh được hạ xuống trong sự kiện Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc ngày 1-7-1997 – Ảnh: AP
Nữ lãnh đạo 62 tuổi nói bà sẽ bắt đầu các bước đi giúp chính quyền “phản ứng nhanh chóng hơn với các khát vọng, tình cảm và ý kiến của cộng đồng”.
“Chúng tôi cũng cần thay đổi cách thức lắng nghe với các quan điểm của công chúng” – bà Lâm nói thêm, đồng thời liệt kê các cách giúp tăng cường việc liên lạc với người dân và giữa cơ quan hành pháp với cơ quan lập pháp.
Sau nhiều năm nằm dưới chế độ thuộc địa của Anh, Hong Kong chính thức được trao trả cho Trung Quốc ngày 1-7-1997.
Trung Quốc đồng ý cai quản Hong Kong theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”. Đặc khu này được phép duy trì các cơ quan chính trị và tư pháp riêng biệt trong 50 năm sau đó.