29/12/2024

Thế giới tìm cách chống du lịch quá tải

Theo báo cáo của Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới (Anh), có 20 thành phố sẽ chịu thiệt hại nặng nếu không đối phó với tình trạng du lịch quá tải, bao gồm Amsterdam, Barcelona, Paris, Prague, Rome, San Francisco, Stockholm, Toronto…

 

Thế giới tìm cách chống du lịch quá tải

Theo báo cáo của Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới (Anh), có 20 thành phố sẽ chịu thiệt hại nặng nếu không đối phó với tình trạng du lịch quá tải, bao gồm Amsterdam, Barcelona, Paris, Prague, Rome, San Francisco, Stockholm, Toronto…


Thế giới tìm cách chống du lịch quá tải - Ảnh 1.

Một bãi biển đông nghẹt người ở thành phố Barcelona, Tây Ban Nha – Ảnh: AFP

 

Những nơi này được mô tả có hạ tầng du lịch và điều kiện tốt, nhưng lượng khách du lịch quá lớn “có khả năng gây căng thẳng cho thành phố”.

Đông – Tây chống chịu du lịch quá tải

Trong ba ngày liên tiếp vào cuối tháng 4-2019, 10 địa điểm du lịch tại quần đảo Faroe của Đan Mạch phải đóng cửa để bảo tồn.

Cuối tháng 5, Bảo tàng Louvre (Pháp) – nơi nổi tiếng với bức tranh nàng Mona Lisa của danh họa Leonardo da Vinci – buộc phải đóng cửa một ngày sau khi các nhân viên đình công để phản đối tình trạng số người đến quá đông.

Venice (Ý) đầu tháng này cũng chấn động với vụ siêu du thuyền MSC Opera có sức chở hơn 2.500 hành khách đâm vào cầu cảng, làm năm người bị thương.

Tháng trước, tình trạng tắc đường trên đỉnh Everest vì du khách quá đông đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng.

“Thậm chí ở độ cao 8.848m, đỉnh Everest vẫn không thể thoát khỏi vấn đề du lịch quá tải” – báo South China Morning Post bình luận.

Thái Lan vừa qua phải đóng cửa vịnh Maya cho đến năm 2021 để bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái. Theo Đài BBC, trước khi đóng cửa, vịnh này đón tới 5.000 khách mỗi ngày và hậu quả là hầu hết rạn san hô tại đây đã chết.

Nhìn ở hướng tích cực, du lịch mang lại việc làm, đầu tư và các lợi ích kinh tế cho người dân địa phương. Tuy nhiên, tình trạng quá tải khách du lịch hiện nay đang làm tổn hại đến cảnh quan, phá hoại các bãi biển, gây áp lực cho cơ sở hạ tầng và tác động mạnh tới thị trường bất động sản.

Tuyệt chiêu chống “nghẹt thở”

Quản lý dòng chảy du khách có vẻ là một nhiệm vụ không mong muốn đối với nhiều nơi. Tuy nhiên, trước các tác động từ du lịch quá tải, chính phủ các nước và nhiều cơ quan du lịch đã tung một loạt “tuyệt chiêu” để cân bằng giữa du lịch và các lợi ích khác.

Bhutan – quốc gia chỉ hơn 800.000 dân ở Nam Á – là trường hợp đáng chú ý nhất trong cuộc chiến chống lại du lịch quá tải.

Thay vì hạn chế lượng khách ở một con số nào đó, chẳng hạn giống với trường hợp quần đảo Galapagos của Ecuador, Bhutan yêu cầu mỗi du khách đến nước này phải trả mỗi ngày 200 USD trong mùa ít khách và 250 USD trong mùa cao điểm.

“Chính sách này còn giúp ngăn chặn luồng khách balô và các du khách có tài chính eo hẹp – mà chính xác là mục đích của Chính phủ Bhutan sau khi chứng kiến các tác động của ngành du lịch ở nước láng giềng Nepal và Ấn Độ” – Đài CNBC dẫn lời bà Beth Whitman, nhà sáng lập trang du lịch WanderTours, lý giải.

Trong khi đó, Peru bán loại vé giới hạn thời gian tham quan khu di tích nổi tiếng Machu Picchu, nhằm ngăn chặn tình trạng xuống cấp của di sản này. Công viên Guell ở Tây Ban Nha cũng áp dụng biện pháp tương tự.

Ngoài chiêu thức hạn chế số du khách, một số địa điểm thực hiện chính sách “khuếch tán” để không gây áp lực các địa điểm trung tâm. Chẳng hạn Cục Du lịch Iceland tạo ra chiến dịch “từ A tới O của Iceland”, thách thức du khách tới mọi miền của đất nước.

Bà Erika Richter, người phát ngôn Hội Cố vấn du lịch Mỹ (ASTA), nhận định việc giải quyết vấn đề du lịch quá tải ở các thành phố hiện nay không chỉ là trách nhiệm của chính phủ và các cơ quan du lịch, mà đó còn là trách nhiệm của du khách.

Liên quan tới vấn đề này, một số thành phố đã nỗ lực điều chỉnh cách hành xử của du khách.

Tại Amsterdam, thành phố chưa tới 1 triệu dân nhưng lại đón hơn 19 triệu du khách mỗi năm, người ta phát động chiến dịch “Thưởng thức và tôn trọng” để nhắc nhở du khách không tiểu tiện nơi công cộng, xả rác bừa bãi, ca hát om sòm hay có các hành vi xấu khác.

Nhiều địa điểm du lịch mới

Theo nhà xã hội học người Ý Marco d’Eramo, năm 1950, 15 điểm đến du lịchhàng đầu thế giới tiếp nhận tới 98% du khách quốc tế. Trong khi đó, con số này vào năm 1970 và 2007 lần lượt giảm còn 75% và 57%.

Điều này phản ánh sự xuất hiện của nhiều điểm đến mới, với phần nhiều tại các quốc gia đang phát triển.

 

 

 

BÌNH AN