24/12/2024

Ngày gia đình Việt Nam 28-6: Cảm ơn ba mẹ cả đời bên giấc mơ con

Mới ngày nào chúng con còn là những cô bé, cậu bé, giờ chúng con đã học lớp 12 và sắp ra trường. Với tất cả những gì mà cha mẹ đã dành cho con thì ‘con yêu cha mẹ’ không sao nói hết nhọc nhằn của cha mẹ…

 

Ngày gia đình Việt Nam 28-6: Cảm ơn ba mẹ cả đời bên giấc mơ con

Mới ngày nào chúng con còn là những cô bé, cậu bé, giờ chúng con đã học lớp 12 và sắp ra trường. Với tất cả những gì mà cha mẹ đã dành cho con thì ‘con yêu cha mẹ’ không sao nói hết nhọc nhằn của cha mẹ…


 

Ngày gia đình Việt Nam 28-6: Cảm ơn ba mẹ cả đời bên giấc mơ con - Ảnh 1.

Bà Vũ Thị Hà từ huyện Đắk Song, Đắk Nông đến TP.HCM động viên con gái – thí sinh Nguyễn Thị Mỹ Duyên (học sinh Trường THPT Hồng Hà, TP.HCM) thi THPT quốc gia năm nay – Ảnh: TRẦN HUỲNH

 

Những ngày thi THPT quốc gia 2019 vừa kết thúc, chuyên trang Cha mẹ & Con cái nhận được những dòng tâm sự đong đầy tình thương của cả phụ huynh và những đứa con 18 tuổi. 

Tất cả khẳng định một điều: cả đời cha mẹ luôn đồng hành cùng giấc mơ con.

Để con sống với ước mơ của mình

Những ngày thi THPT quốc gia khiến tôi nhớ cách đây đúng 20 năm, con gái tôi vừa tròn 18 tuổi và chuẩn bị bước vào hai kỳ thi quan trọng nhất trong cuộc đời: kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi vào ĐH.

Trong khi hầu như các bạn cùng lớp của con đều đăng ký thi vào trường trung cấp sư phạm gần nhà, con lại đòi thi vào một trường ĐH lớn trên Hà Nội. 

Tôi ra sức cấm cản và phân tích cho con mọi lẽ. Nào là thi sư phạm gần nhà sẽ không phải mất học phí, không phải sống xa gia đình, học xong thì vào trường của bác họ dạy ngay… nhưng con bé nhất định không đồng ý. 

Con nói rằng con phải có ước mơ của mình. Con phải bay cao bay xa chứ không thể quẩn quanh sau lũy tre làng như mẹ được. Tôi bất lực trước sự cứng đầu của con gái.

Hai mươi năm qua, con gái tôi đã sống đúng với ước mơ mà con lựa chọn. Có những lúc thất bại, phải thay đổi mục tiêu, thay đổi công việc nhưng con chưa bao giờ phàn nàn, ta thán nửa lời. Con cứ háo hức, hăm hở với những gì đã lựa chọn.

Và tôi chợt nhận ra rằng nếu ngày ấy con gái tôi là một cô gái cứ vâng lời cha mẹ, làm theo lời cha mẹ để chấp nhận một cuộc sống an nhàn, không sóng gió thì liệu giờ này tôi có thể có cơ hội nhìn thấy một phụ nữ trưởng thành, đầy năng lượng sống với nhiều suy nghĩ tích cực như con gái tôi không?

Hay là tôi lại nhìn thấy những hình ảnh quen thuộc là tôi, là chúng bạn cùng học cấp III với con gái tôi, cứ suốt ngày quẩn quanh với những công việc được gọi là “an nhàn”, không bao giờ dám bước chân ra khỏi vùng an toàn của mình?

TRẦN THỊ TUYẾT (Hải Phòng)

Chỉ sợ con không có nổi một ước mơ

Con thay đổi ước mơ nghề nghiệp tương lai mấy lần cũng chả sao. Lúc con đòi bay vào không gian, khi con muốn chữa bệnh cho thú cưng, giờ thì đòi làm nhà thám tử… cũng được nốt. Con cứ ước mơ nhiều rồi sẽ lọc ra một mơ ước phù hợp nhất để theo đuổi đến cùng. 

Thay đổi ước mơ chẳng đáng ngại. Mẹ chỉ sợ con không có nổi một mơ ước cho ra hồn để bay bổng cùng nó thôi.

Con nói không thích học, mẹ không ép con phải học thật nhiều thật giỏi. Có muôn nẻo vào đời cho dù cách mạng công nghiệp 4.0 hay… 5.0 đi chăng nữa. Nhưng làm gì vẫn cần có nền tảng kiến thức phổ thông con ạ. Đó là tri thức đơn giản cho cuộc sống mà ai nấy đều phải trang bị.

Con không cần thi thố điểm cao, song con vẫn cần hiểu biết những kiến thức cơ bản từ tiếng Việt, toán, khoa học, lịch sử, thể dục thể thao… Và hiện nay tiếng Anh cũng trở nên phổ quát luôn rồi. Cầm cuốc hay cầm bút đều sống sót, chỉ cần con chăm chỉ, trách nhiệm và tử tế là ổn.

Và dù con thành – bại trên cương vị nào ở công việc nào thì con luôn còn gia đình bên cạnh. Chỉ cần còn cha mẹ, anh chị, bạn đời, con cái là con còn điểm tựa vững chắc để quay về, còn động lực để vươn lên. Vậy chẳng việc gì phải cuống cuồng nhưng cũng chẳng thủng thẳng được đâu, nhất là đối với học hành cần cả một quá trình “mưa dầm thấm sâu”.

Nên hãy bắt đầu từng chút một, hãy nỗ lực mỗi ngày một ít nha con!

KIM OANH (ĐH Kinh tế – luật TP.HCM)


“Không ngôn từ nào nói hết nhọc nhằn của cha mẹ”

Mới ngày nào chúng con còn là những cô bé, cậu bé, vậy mà giờ đây chúng con đã học lớp 12 và sắp ra trường để bước vào đời.

18 năm cha mẹ nuôi dưỡng chúng con, cho chúng con đến trường, công ơn đó suốt đời chúng con không sao trả hết.

Có thước đo nào định lượng được những gì mà cha mẹ đã dành trọn cho con mình. Suốt cuộc đời, tình yêu thương con quan trọng nhất trong tim cha mẹ. Mưa nắng dãi dầu, khó khăn nhọc nhằn, có những lúc tưởng chừng như tất cả khó khăn chồng chất, nỗi lo cơm áo gạo tiền, những rạn nứt đối mặt trong cuộc sống đã có thể quật ngã.

Niềm vui của con được đến trường cùng bè bạn, nụ cười của con rạng rỡ là động lực thôi thúc cha mẹ vượt lên tất cả để chăm lo cho con từng miếng ăn, giấc ngủ. Niềm vui của con là niềm vui của cha mẹ; nỗi lo con mang, cha mẹ nặng lòng. Dành trọn cho con tất cả mà chẳng đòi hỏi điều chi, chỉ mong con nên người. Đôi lúc con do vô tình hay cạn nghĩ, để rồi nước mắt lăn dài trên má mẹ, tiếng thở dài trong giấc ngủ của cha.

18 tuổi, cái tuổi mà mọi người vẫn bảo nhau là đã lớn; 18 tuổi, con bước vào cuộc sống với nhiều mơ ước trong veo, đầy sức sống của cái tuổi căng tràn nhiệt huyết trẻ; 18 tuổi, con sẽ có những người bạn mới – hoài bão mới.

Dẫu biết rằng lắm gian nan đang chờ phía trước, nhưng đó là quy luật muôn đời. Tuổi 18, tuổi của trưởng thành, tuổi mà chúng con tiếp tục rèn luyện để rõ ràng thêm nhiều thứ, đủ biết sự nhọc nhằn, hi sinh của cha mẹ.

Với tất cả những gì mà cha mẹ đã dành cho con thì “con yêu cha mẹ” sao nói hết nhọc nhằn của cha mẹ. Thời gian hằn sâu vào tâm trí con những giọt mồ hôi của cha, những cam chịu của mẹ, “bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn”.

Con xin lỗi cha mẹ vì nhiều lúc đã làm cha mẹ phiền lòng, lo lắng những lúc chúng con không biết vâng lời và cả những lúc tuy yêu thương nhưng chúng con hời hợt!

THANH THẢO (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng)

Chuyên trang Cha mẹ & Con cái ra định kỳ thứ sáu hằng tuần trên nhật báo Tuổi Trẻ. Chuyên trang gồm những chuyên mục chính như “Học làm cha mẹ” (những kinh nghiệm, câu chuyện thành công, thất bại trong việc nuôi dạy con cái trong và ngoài nước); “Điều con muốn nói” (những chia sẻ, tâm sự, nỗi lòng con trẻ);

“Học cùng con” (những câu chuyện, tình huống cha mẹ đồng hành cùng con cái trong sự học); “Trường học tại nhà” (ngôi nhà như là một ngôi trường thu nhỏ của con, tổ chức không gian học cho con ở nhà ra sao, chia sẻ từ phụ huynh ở các vùng miền khác nhau, điều kiện kinh tế khác nhau)…

Tuổi Trẻ chào đón những câu chuyện, góp ý từ bạn đọc cho trang mới này qua email [email protected]. Những bài viết được chọn đăng sẽ hưởng nhuận bút theo quy định của báo Tuổi Trẻ.

 

 

TUỔI TRẺ