Tại những cảng cá sầm uất nhất Quảng Nam, lẽ ra những ngày cuối tháng 6 này phải tấp nập kẻ bán người mua. Tuy nhiên, trái ngược với thực tế đó, chỉ có những ngư dân với nước da đen sạm đang thay nhau bảo vệ tàu cá. Hàng chục chiếc tàu câu mực neo đậu tại cảng cá An Hòa (xã Tam Giang) và cảng Kỳ Hà (xã Tam Quang, H.Núi Thành, Quảng Nam), hàng trăm tấn mực đánh bắt được sau chuyến vươn khơi vẫn nằm im lìm trong hầm chứa mà không có thương lái nào đến hỏi mua.
Với những ngư dân quanh năm đi biển, mỗi chuyến vươn khơi sẽ là một hành trình đầy cảm xúc. Vui có, buồn có, lo lắng có. Vui là khi chuyến đi thắng lợi, buồn là khi thất thu. Còn lo lắng là giá cả xuống thấp. Điều đáng nói, lần này thì khác, niềm vui chưa trọn vẹn sau một chuyến biển “thắng lớn” thì tất cả đều ôm chung một nỗi lo tìm đầu ra cho sản phẩm.
Hàng ứ đọng do “tắc” đường xuất tiểu ngạch
|
|
|
Sở NN-PTNT sẽ cùng Sở Công thương tác động với Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương trong vấn đề tiếp cận để cho doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc gặp nhau bàn luận, đi đến giải quyết tiêu thụ hàng hóa cho ngư dân
|
|
|
Ông Ngô Tấn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam
|
|
|
Ngư dân Phan Bá Linh (50 tuổi, ở thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, chủ tàu QNa 90037) buồn bã cho biết đầu tháng 3 âm lịch ông đầu tư hơn 400 triệu đồng chi phí, cùng với 40 thuyền viên vươn khơi hành nghề câu mực tại vùng biển Hoàng Sa. Sau hơn 2 tháng đánh bắt, tàu ông cập cảng An Hòa sáng 8.5 âm lịch, chở theo hơn 23 tấn mực khô. Chuyến biển trước, tàu ông đánh bắt được 27 tấn mực khô, bán giá 130.000 đồng/kg, thu về 3,5 tỉ đồng. “Những chuyến biển gần đây ngư dân chúng tôi đều thắng lớn. Tuy nhiên, lần này khi tàu cập cảng thì không có thương lái nào tới mua. Lý do thương lái đưa ra là không xuất khẩu được qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch(?!)”, ông Linh nói.
Tính đến nay, tàu ông Linh đã nằm bờ 16 ngày và 23 tấn mực khô (trị giá khoảng 3 tỉ đồng) vẫn “đỏ mắt” chờ thường lái tới mua. Hơn 30 năm đi biển, đây là lần đầu tiên ông chứng kiến mực bị tồn ứ trong thời gian dài. Câu hỏi “Khi nào vươn khơi trở lại?” vẫn còn bỏ ngỏ với ông cũng như những ngư dân nơi đây. “Tại cảng An Hòa, hơn 30 tàu câu mực đang nằm bờ. Chuyến biển này tàu đánh bắt ít nhất 10 tấn, nhiều nhất gần 60 tấn mực khô. Ước tính khoảng 600 tấn mực đang ứ đọng tại cảng”, ông Linh nhẩm tính.
Nhiều ngư dân điêu đứng vì hàng chục tấn mực đánh bắt về không thể tiêu thụ
|
Cùng cảnh ngộ, ngư dân Lương Tới (44 tuổi, ở thôn Đông Xuân, chủ tàu Qna 90668) đánh bắt được hơn 50 tấn mực và đã neo đậu tại cảng cá hơn 10 ngày nay. Theo ông Tới, trước đây tàu vào bờ thì thương lái đến ngã giá rồi cho xe tải chở mực đi. Sau đó, ngư dân tiếp tục mua sắm dầu, lương thực, thực phẩm… để lại vươn khơi. “Giờ hàng chục tấn mực chưa bán được thì lấy kinh phí đâu mà vươn khơi? Với tình hình này, tàu sẽ còn nằm bờ trong thời gian dài, lấy tiền đâu trả cho bạn thuyền?”, ông Tới thở dài.
Gỡ rối từng bước
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó chủ tịch UBND H.Núi Thành, cho biết tại địa phương có khoảng 40 tàu câu mực xa khơi, thu hút 2.000 lao động. Nghề câu mực bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 10 âm lịch hằng năm, mỗi chuyến ra khơi kéo dài hơn 2 tháng với tổng sản lượng khai thác mỗi năm trên 10.000 tấn. Tình trạng mực ứ đọng không có thương lái mua như hiện nay khiến ngư dân lẫn chính quyền địa phương rơi vào thế bí. “Mặt hàng này chủ yếu bán qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, ít tiêu thụ trong nước. Loại mực xà sống ở vùng xa bờ có độ mặn cao nên không ngon bằng mực gần bờ, giá thường thấp hơn. Hiện địa phương đã thống kê số lượng mực tồn đọng và báo cáo Sở NN-PTNN tìm hướng giải quyết, gỡ vướng mắc cho ngư dân”, ông Thịnh nói.
Mực không bán được nên hàng chục tàu câu mực chưa thể vươn khơi
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Ngô Tấn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cho rằng lâu nay mực xà của ngư dân tỉnh Quảng Nam đều xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, rất ít ràng buộc quy định của ngành chức năng hai nước. Tuy nhiên, bây giờ phải đổi lại phương thức bán hàng, do Trung Quốc đòi hỏi hàng phải qua đường chính ngạch để dễ quản lý. Việc này xảy ra bất ngờ so với dự báo giữa doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp Việt Nam nên giai đoạn đầu bị “bỡ ngỡ”.
“Sở NN-PTNT sẽ cùng Sở Công thương tác động với Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương trong vấn đề tiếp cận để cho doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc gặp nhau bàn luận, đi đến giải quyết tiêu thụ hàng hóa cho ngư dân”, ông Ngô Tấn nói và cho biết theo thống kê hiện có 40 tàu hành nghề câu mực khơi đang trong tình trạng không bán được hàng, khiến hàng trăm tấn mực khô nằm cảng. Số liệu chính thức đang được địa phương thống kê chi tiết để báo cáo Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương.
MẠNH CƯỜNG