24/12/2024

Lúa hè thu chờ giải cứu, nông dân đứng ngồi không yên

Giá bán lúa nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long đang dưới giá thành sản xuất dù chưa đến chính vụ thu hoạch lúa hè thu, khiến nông dân đứng ngồi không yên.

 

Lúa hè thu chờ giải cứu, nông dân đứng ngồi không yên

Giá bán lúa nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long đang dưới giá thành sản xuất dù chưa đến chính vụ thu hoạch lúa hè thu, khiến nông dân đứng ngồi không yên.
 
 
 
 

 Lúa hè thu chờ giải cứu, nông dân đứng ngồi không yên - Ảnh 1.

Nông dân ĐBSCL luôn mong chờ lúa gạo bán được giá sau mỗi vụ thu hoạch – Ảnh: CHÍ QUỐC

 

Xuất khẩu gạo của Việt Nam đã giảm mạnh trong nửa đầu năm 2019 và nhiều khó khăn trong nửa cuối năm nay. Kế hoạch “giải cứu” lúa hè thu đã được Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT đưa ra tại Hội nghị sơ kết xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2019 do Bộ Công thương tổ chức ngày 24-6 ở TP.HCM.

Bán lúa thấp hơn giá thành

Giá thành sản xuất vụ hè thu 2019 ở Đồng bằng sông Cửu Long, theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), bình quân là 3.826 đồng/kg. 

Trong khi đó, theo ông Phạm Thiện Nghĩa – phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nông dân địa phương này đang bán lúa tại ruộng với giá 3.800 đồng/kg, giảm tới 1.500 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. “Bà con than quá trời vì giá lúa xuống thấp quá” – ông Nghĩa cho biết.

Ông Phạm Thái Bình, tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cho hay giá thành sản xuất lúa vụ hè thu dao động ở mức 3.600-3.900 đồng/kg, trong khi giá bán ở mức 3.800 đồng/kg, người dân đang lỗ. 

“Cần phải có giải pháp để mua hết lúa trong dân khi vụ hè thu đến là may rồi, đảm bảo người trồng lúa có lời tối thiểu 30% là khó khăn” – ông Bình nói.

Trong 5 tháng đầu năm nay, theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,76 triệu tấn, giảm 6,3% so với cùng kỳ 2018, với trị giá đạt khoảng 1,18 tỉ USD, giảm 20,4%. 

Ngoại trừ Philippines, các thị trường truyền thống nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đều giảm nhập gạo Việt Nam với những lý do như Trung Quốc tồn kho vụ cũ nhiều, Bangladesh khôi phục sản xuất sau lũ lụt…

Giá xuất khẩu gạo cũng giảm rất mạnh, trung bình chỉ còn 427,5 USD/tấn, giảm tới gần 77 USD/tấn so với cùng kỳ 2018. 

Theo Bộ Công thương, xuất khẩu gạo giảm do không có hợp đồng tập trung với khối lượng lớn để dẫn dắt thị trường, trong khi thị trường Trung Quốc đang gặp khó khăn do thay đổi chính sách. Đây cũng là một áp lực cho việc tiêu thụ lúa gạo vụ hè thu tới.

Hỗ trợ lãi suất để ”giải cứu” lúa hè thu?

Ông Trần Quốc Khánh, thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết xuất khẩu gạo Việt Nam gặp khó do cách kinh doanh của các doanh nghiệp lâu nay vẫn vậy, “vẫn coi thị trường thế giới như chợ huyện”. 

Sản xuất ra không biết bán cho ai, đi đâu… do thiếu liên kết với đầu ra là người mua nước ngoài. Không có doanh nghiệp nào lập được hệ thống phân phối ở châu Phi, Hoa Kỳ… Để thay đổi điều đó cần những giải pháp và thời gian dài, trong khi vụ hè thu đang đến gần, giá lúa đang ở mức rất thấp.

“Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp để đề xuất chính sách lên Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường thu mua lúa gạo ngay từ đầu vụ để không xảy ra giá giảm sâu. Có thể đó là chính sách cho vay và hỗ trợ lãi suất. Ví dụ ngân hàng cho doanh nghiệp vay với lãi suất 7%/năm, Nhà nước hỗ trợ 6%/năm. Đây nên là chính sách được xây dựng dài hơi để mỗi khi đến đầu vụ các doanh nghiệp tự động được hưởng ưu đãi để mua hết lúa gạo cho dân” – ông Khánh cho hay.

Ông Khánh cũng cho rằng Trung Quốc là thị trường có nhu cầu lớn. Bộ NN&PTNT cần thúc đẩy đàm phán, đề nghị phía Trung Quốc tiếp tục triển khai các đợt đánh giá thực tế và công nhận các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo của Việt Nam được xuất khẩu gạo vào Trung Quốc. Ngoài ra, nếu Hiệp định thương mại Việt Nam – EU được ký kết vào cuối tháng 6 này sẽ có thêm một kênh mới cho lúa gạo Việt Nam tiêu thụ trong thời gian tới…

Xuất khẩu gạo sang châu Phi khởi sắc

Các thị trường có kim ngạch giảm mạnh có Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh. Nhiều thị trường châu Phi trong 5 tháng đầu năm đã có sự tăng trưởng mạnh như Bờ Biển Ngà, Ghana, Nam Phi, Mozambique, Angola.

 

 

 

TRẦN MẠNH