23/01/2025

Biển Đông giữa thách thức đe dọa quân sự mới

Việc tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc gần đây di chuyển hướng về Biển Đông cùng với cách nước này điều động chiến đấu cơ J-10 đến quần đảo Hoàng Sa của VN tạo ra thách thức đe doạ quân sự mới.

 

Biển Đông giữa thách thức đe dọa quân sự mới

Việc tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc gần đây di chuyển hướng về Biển Đông cùng với cách nước này điều động chiến đấu cơ J-10 đến quần đảo Hoàng Sa của VN tạo ra thách thức đe doạ quân sự mới.
 
 
 
 

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc
  /// Ảnh: AFP

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc   Ảnh: AFP

 

 
CNN ngày 20.6 dẫn lại hình ảnh mới từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã triển khai ít nhất 4 máy bay chiến đấu J-10 tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hình ảnh được chụp lại vào ngày 19.6.

Phô diễn chiến đấu cơ

 
 
Biển Đông giữa thách thức đe dọa quân sự mới - ảnh 1
Việc công khai điều 4 chiến đấu cơ J-10 đến đảo Phú Lâm một lần nữa cho thấy Bắc Kinh không hề làm theo những gì mà ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc, từng khẳng định với Mỹ rằng Trung Quốc sẽ không quân sự hóa Biển Đông. Động thái trên một lần nữa thể hiện rõ dã tâm của Bắc Kinh là biến Biển Đông thành “ao hồ” của Trung Quốc.
Biển Đông giữa thách thức đe dọa quân sự mới - ảnh 2
 
PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Quỹ châu Á – Thái Bình Dương ở Canada)
 

Trả lời Thanh Niên, bà Bonnie Glaser, Cố vấn cao cấp – Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Mỹ, nhận xét việc Bắc Kinh điều động J-10 đến đảo Phú Lâm là không mới. Nhưng bà đặt vấn đề: “Tại sao Trung Quốc cố tình để cho hình ảnh chiến đấu cơ J-10 dễ dàng được chụp lại bởi vệ tinh?”.

Thực tế vài năm qua, chiến đấu cơ J-10 không ít lần bị phát hiện có mặt tại Phú Lâm. Tuy nhiên, lần này chúng được dừng đỗ “lồ lộ” ngoài trời để vệ tinh dễ dàng chụp hình. Cũng qua phân tích hình ảnh ngày 19.6, giới chuyên gia nhận ra các máy bay này không hề mang theo bình xăng phụ. Dữ liệu này được cho là bằng chứng cho thấy căn cứ tại đảo Phú Lâm có thể bổ sung nhiên liệu cho chiến đấu cơ. Nếu như thế, hạ tầng hoạt động của cơ sở do Trung Quốc xây dựng tại đây đã ngày càng hoàn thiện, đủ sức tự thân điều phối máy bay chiến đấu tác chiến.
 
Từ vài năm qua, dấu hiệu tên lửa đối không HQ-9 cũng đã hiện diện ở đảo Phú Lâm. Được xem là “S-300 phiên bản Trung Quốc”, HQ-9 có tầm bắn khoảng 250 km với tốc độ tối đa gấp 4 lần vận tốc âm thanh. Khi kết hợp cả tên lửa HQ-9 cùng chiến đấu cơ J-10 với khả năng cung ứng nhiên liệu tại chỗ, Bắc Kinh xem như có một căn cứ phòng không – không quân khá đầy đủ ở Phú Lâm. Vì thế, không quân Trung Quốc sẽ có thể mở rộng hoạt động ở khu vực Hoàng Sa. Thậm chí rủi ro về việc Bắc Kinh tuyên bố vùng nhận diện phòng không (ADIZ) tại khu vực này trở nên lớn hơn. Qua đó, tình hình an ninh ở Hoàng Sa có thể trở nên căng thẳng hơn.

Tàu sân bay Liêu Ninh vươn vòi

Một mối lo khác được giới chuyên gia quan tâm đối với tình hình Biển Đông chính là việc tuần qua, Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho hay đang theo dõi sát sao hành trình của nhóm tàu sân bay Trung Quốc di chuyển vào Biển Đông. Thông tin này được tờ South China Morning Post ngày 20.6 đăng tải.
 
Theo đó, trước khi đi vào Biển Đông, nhóm tàu sân bay Liêu Ninh đã đi qua eo biển Miyako, nằm giữa đảo Okinawa và đảo Miyako của Nhật Bản hôm 11.6. Giới chức quốc phòng Nhật Bản cho biết tàu sân bay được hộ tống bởi 5 tàu chiến, trong đó có 2 tàu hộ vệ và 2 tàu khu trục mang tên lửa.
 
Trả lời Thanh Niên ngày 22.6, Giáo sư James Holmes, Trường Chiến tranh hải quân (Mỹ), cho rằng việc Trung Quốc đưa J-10 đến Phú Lâm và điều tàu sân bay hướng đến Biển Đông cho thấy: “Bắc Kinh đang muốn gửi thông điệp đến thế giới rằng họ đủ sức mở rộng sức mạnh không quân xuống phía nam”. Kết hợp nhiều yếu tố, theo ông Holmes, Trung Quốc đang cho thấy sức mạnh dần bao phủ không quân xuyên suốt trong “đường 9 đoạn” mà họ tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Xa hơn, GS Holmes lo ngại: “Trung Quốc có thể muốn nhắn gửi rằng nước này đủ sức ngăn cản các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ cùng một số đối tác tại Biển Đông”.
 
Bình luận với Báo Thanh Niên xung quanh diễn biến trên, TS Collin Koh Swee Lean, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore), nhận xét tàu Liêu Ninh là biểu tượng cho thấy hải quân Trung Quốc đang nâng cao năng lực hoạt động xa bờ. Hải quân vốn dĩ luôn là lực lượng nòng cốt để các cường quốc khai thác lợi ích quốc gia trên phạm vi rộng, thậm chí toàn cầu.
 
“Trong trường hợp này, hành trình của tàu sân bay Liêu Ninh không chỉ nhằm mục đích thực hiện đợt huấn luyện mà còn nhằm gửi tín hiệu cho nội bộ Trung Quốc lẫn cộng đồng quốc tế thấy rằng Bắc Kinh ra sức theo đuổi cái mà họ gọi là lợi ích quốc gia, nhất là trong các tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền liên quan”, TS Collin Koh Swee Lean đánh giá.
 
Tương tự, bà Glaser cũng đặt ra lo ngại: “Chuyến đi của tàu Liêu Ninh đến Biển Đông đồng nghĩa với việc Bắc Kinh có thể sẽ thường xuyên điều động tàu sân bay đến đây”. Như thế, Trung Quốc có thể càng có nhiều hành động khó lường trên Biển Đông.
 
 
 
NGÔ MINH TRÍ