Thi THPT quốc gia: Gặp đề lạ, hãy chọn góc nhìn riêng
Dưới áp lực thời gian, các sĩ tử viết ‘như lên đồng’ nhưng Khánh cố gắng giữ đầu óc tỉnh táo, ưu tiên biện pháp an toàn, không cố gắng mở bài mạo hiểm quá sáng tạo, khác biệt.
Thi THPT quốc gia: Gặp đề lạ, hãy chọn góc nhìn riêng
Thường xuyên nhận đánh giá không đạt yêu cầu trong suốt kỳ ôn thi môn văn, Nguyễn Lê Gia Khánh (nữ sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương, Gia Lai) bất ngờ lội ngược dòng trở thành 1 trong 7 thí sinh có điểm văn cao nhất nước (9.75) tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, đồng thời trở thành thủ khoa khối D1 Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 tại TP.HCM với 26.95 điểm.
Đọc sách như cuộc dạo chơi
Khánh xác định thi khối D từ năm lớp 10 và theo đuổi môn học yêu thích tiếng Anh. Tình yêu ngôn ngữ sớm đưa Khánh đến với viết, đọc sách, tích lũy vốn kiến thức thông qua văn học trong nước và ngoại văn.
“Ngoài ra, thầy cô đóng vai trò quan trọng về phương pháp truyền đạt, khơi gợi đam mê cho học trò, thậm chí giúp mình tìm kiếm tài liệu ôn tập” – Khánh nói.
Mặc dù đọc nhiều nhưng khi viết, lối hành văn lại là một vấn đề khác. Trong suốt thời gian ôn tập, giáo viên thường xuyên đánh giá các đoạn văn của Khánh không đạt yêu cầu, lối viết cũ, có phần rập khuôn văn mẫu, điều này khiến cô bạn căng thẳng, áp lực rất nhiều. Do vậy Khánh dành nhiều thời gian để luyện viết tiếng Anh lẫn tiếng Việt.
Với phần câu hỏi đọc hiểu, Khánh kiên trì phương châm luyện. Luyện nữa, luyện mãi, mua sách đề về tự làm, kiểm tra và liên tục như vậy để biết cách trả lời đủ ý, bám sát mục tiêu của đoạn văn.
“Mọi thứ dần trôi chảy hơn. Mặc dù phần này chiếm ít điểm, tưởng chừng đơn giản nhưng thực chất khó lấy điểm tối đa. Thực tế, viết ngắn mà hay mới khó” – Khánh thừa nhận.
Sau giai đoạn đọc và viết “điên cuồng” ở thể loại phê bình văn học, Khánh ngưng lại, chuyển qua đọc sách giải trí nhẹ nhàng.
“Không nên đặt nhiều áp lực lên việc học sẽ khó thu hiệu quả cao. Đọc trong tư tưởng thoải mái như cuộc dạo chơi thì việc học không còn là gánh nặng, thỉnh thoảng bắt gặp bình luận hay về cuộc sống và cách dùng từ độc đáo” – Khánh chia sẻ.
Trong đề thi môn văn, câu nghị luận xã hội khiến nhiều người bất ngờ nhưng Khánh đã có chuẩn bị từ trước. Bí kíp đơn giản mà cực hiệu quả của Khánh là “khi gặp đề tài lạ, hãy chọn góc nhìn riêng, đưa nó về đề tài quen thuộc”.
Áp dụng phương châm đó, khi bàn về “đánh thức tiềm lực đất nước”, Khánh trở lại vấn đề mỗi cá nhân đã có cơ hội phát huy 100% năng lực, tố chất hay chưa. Dưới áp lực thời gian, các sĩ tử viết “như lên đồng” nhưng Khánh cố gắng giữ đầu óc tỉnh táo, ưu tiên biện pháp an toàn, không cố gắng mở bài mạo hiểm quá sáng tạo, khác biệt.
Mặc dù luyện ngày luyện đêm, Khánh vẫn đọc lướt báo chí, nghe điểm tin để cập nhật xu hướng xã hội. “Đề văn nhiều năm gần đây mang tính thời sự cao. Nếu không đủ thời gian xem thời sự, có thể nghe vào giờ giải lao hoặc xem lại trên Internet ở trường” – Khánh mách nhỏ.
May mắn là bạn bè xung quanh khá quan tâm thảo luận vấn đề xã hội, qua đó Khánh lắng nghe ý kiến mọi người, đánh giá tính lập luận và học hỏi lẫn nhau. Trước khi lao vào bài viết, Khánh luôn ghi chú khung thời gian cho mỗi phần và cực kỳ tuân thủ. Dù viết đoạn hay bài đều lập dàn ý (rất sơ nét), nhắc nhở bản thân hòa thành các luận điểm chính và dẫn chứng quan trọng.
Nếu thời gian đi về cuối mà chưa viết xong thân bài, Khánh cho rằng nên lập tức chuyển qua chăm chút phần kết bài, chỉ quay lại bổ sung luận chứng phụ ở thân bài khi có thời gian. Điều này giúp phần trả lời của thí sinh như một chỉnh thể.
Đừng làm khó bản thân
Với môn sở trường tiếng Anh, Gia Khánh cho rằng nên làm thử một vài đề để thấy điểm yếu của mình ở nội dung nào, chọn mua sách bài tập chia theo nhóm câu hỏi và tập trung ôn phần hụt hẫng. Trong đề thi vừa qua, Khánh sai 4 câu nhưng không phải nhóm câu khó nhất, đây cũng là “gót chân Asin” của những bạn học tốt một môn nào đó.
Cụ thể, ở những câu dễ, thí sinh giỏi thường tự làm khó mình, luôn nghi ngờ tính thách thức của đề thay vì đơn giản hóa mọi việc. Phần khó nhất trong đề thường rơi vào từ vựng, tuy nhiên Gia Khánh không chủ trương ép bản thân học thêm từ mới quá khó vừa không cần thiết vừa làm hoang mang.
Ngược lại, toán luôn là nỗi sợ lớn với nhiều cô gái chuyên khối D. Càng sợ, Khánh càng chăm chỉ gấp đôi để “cần cù bù thông minh”. Trong khi bạn bè thường ôn luyện đề từ câu thứ 25 trở đi vì độ khó trên trung bình, Khánh không chủ quan, quyết tâm làm từ câu dễ nhất.
“Vào phòng thi, áp lực rất dễ khiến người ta thiếu thông minh đến kì lạ, sai lầm ngớ ngẩn, khi đó chỉ sự quen tay mới giúp mình vượt qua” – Khánh cho biết.
Cô “bật mí” thêm: “Trong giờ giải đề, học sinh tự bày mẹo cho nhau, mày mò cách giải nhanh. Mình học hỏi rất nhiều qua con đường đó. Ngoài ra nên follow (theo dõi) các trang mạng xã hội của một số thầy cô uy tín, họ cập nhật đề và phương pháp giải hay mới thường xuyên”.