25/12/2024

Thi THPT quốc gia: Trường ĐH “gánh” vất vả và tốn kém

Từ hôm qua (21.6), nhiều cán bộ, giảng viên của trường ĐH đã khởi hành lên đường làm nhiệm vụ coi thi THPT quốc gia. Nhiều trường cho biết công việc vất vả nhưng sẵn sàng chia sẻ với xã hội nỗi vất vả này.

 

Thi THPT quốc gia: Trường ĐH “gánh” vất vả và tốn kém

Từ hôm qua (21.6), nhiều cán bộ, giảng viên của trường ĐH đã khởi hành lên đường làm nhiệm vụ coi thi THPT quốc gia. Nhiều trường cho biết công việc vất vả nhưng sẵn sàng chia sẻ với xã hội nỗi vất vả này.
 
 
 
 

Cán bộ giảng viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM lên đường coi thi THPT quốc gia
ở tỉnh Bình Thuận /// Ảnh:T.S

Cán bộ giảng viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM lên đường coi thi THPT quốc gia ở tỉnh Bình Thuận  ẢNH:T.S

 

 
 

5 giờ sáng hôm nay (22.6), hơn 20 thầy cô Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 có mặt ở trường để xuất phát đi Sốp Cộp, một huyện biên giới (giáp với Lào) của Sơn La, làm nhiệm vụ coi thi kỳ thi THPT quốc gia. 

Điều kiện sinh hoạt tạm bợ

PGS Phùng Gia Thế, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, giải thích: “Sốp Cộp cách trường khoảng 450 km, vừa xa vừa đi lại khó khăn, nên đoàn phải khởi hành trước so với các đoàn khác một ngày, để đảm bảo 100% quân số có mặt làm nhiệm vụ đúng thời điểm mà Bộ GD-ĐT quy định”.
 
Năm nay Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức kỳ thi THPT quốc gia tại địa phương này (cùng với 5 đơn vị khác), đồng thời trường được giao chủ trì chấm thi trắc nghiệm tại Sơn La. Số cán bộ, giảng viên mà trường huy động làm công tác thi tại Sơn La là 185 người, trong đó 11 người trong tổ chấm thi trắc nghiệm.
 
“Đây là một điểm khó khăn về cả điều kiện kinh tế xã hội và giao thông nên các thầy cô đều có quan điểm là cố gắng khắc phục.


Nhiều nơi không có nhà nghỉ, các thầy cô phải ở trong khu nội trú tại trường, chấp nhận điều kiện sinh hoạt tạm bợ. Lãnh đạo trường vẫn lưu ý các thầy cô phải cố gắng tập trung cao độ để làm tốt nhiệm vụ, tránh để xảy ra bất kỳ sơ suất nào, do Sơn La là “điểm nóng”, được dư luận xã hội quan tâm hơn những nơi khác”, PGS Thế chia sẻ.

 
Trước đó, 5 giờ sáng 21.6, khoảng 30 cán bộ, giảng viên của Trường ĐH Thủy lợi đã lên đường đi Điện Biên làm nhiệm vụ coi thi, trong đó khoảng hơn 20 thầy cô lên Mường Nhé, cách Hà Nội khoảng 650 km. Số còn lại, hơn 300 thầy cô đồng loạt khởi hành từ 5 giờ sáng hôm nay.
 
Theo GS Nguyễn Trung Việt, Phó hiệu trưởng nhà trường, có 3 điểm đặc biệt khó khăn. “Có nơi chỉ cách TP.Điện Biên khoảng 70 – 80 km thôi nhưng đi đến nơi cần đến 8 – 9 tiếng đồng hồ. Có điểm phải đi xe máy, không đi ô tô được. Nơi khó khăn nhất phải kể đến Trường THPC Chà Cang (H.Nậm Pồ), cả về nơi ăn chốn ở và đi lại”, GS Việt cho biết, rồi nói thêm: “Anh em rất vất vả, nhưng trường vẫn sẵn sàng chia sẻ với xã hội để “gánh” nỗi vất vả này”.

Trường phải bù thêm hàng trăm triệu đồng

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là đơn vị phải huy động nhiều cán bộ, giảng viên đi phục vụ kỳ thi THPT quốc gia nhất, tới 841 người. Địa phương mà trường được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ phối hợp tổ chức thi là Thanh Hóa, một trong những nơi có đông thí sinh dự thi nhất nước.
Trường thuê xe chở các thầy cô đi từ Hà Nội đến tận từng điểm thi. Theo quy định chung, tỉnh khoán cho mỗi thầy cô chỉ 300.000 đồng tiền xe (cả đi và về). Ngoài ra, trường còn hỗ trợ các thầy cô tiền ăn, nghỉ ngoài khoản công tác phí. Tổng kinh phí trường phải bù vào là hơn 500 triệu đồng. PGS-TS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường sẵn sàng chi trả để tạo điều kiện cho các thầy cô yên tâm làm nhiệm vụ trong điều kiện tốt nhất có thể”.


GS Nguyễn Trung Việt, Trường ĐH Thủy lợi, cho biết trường bố trí tổng cộng 45 xe 45 chỗ để chở các đoàn cán bộ, giảng viên lên 
coi thi ở Điện Biên, toàn bộ chi phí do trường chi trả. Được biết, cộng với các khoản hỗ trợ khác, kinh phí trường bỏ ra cho kỳ thi này cũng ước tính khoảng 500 triệu đồng.

 
Hầu hết các trường ĐH khi tham gia phối hợp tổ chức kỳ thi với các địa phương đều xác định phải bù thêm tiền cho cán bộ, giảng viên. Trường càng xa, chi phí bỏ ra càng nhiều. Chẳng hạn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 xác định sẽ phải bù thêm khoảng 600 triệu đồng (dù chỉ cử 185 người). Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải, dù địa bàn coi thi ngay tại Hà Nội, nhưng là ở ngoại thành (Chương Mỹ, Quốc Oai, Sóc Sơn), nên trường cũng xác định là sẽ phải bù vào  khoảng 250 triệu để hỗ trợ cho 450 cán bộ giảng viên tham gia kỳ thi.
 
 
 

Hà Nội rà soát cơ sở vật chất 125 điểm thi THPT quốc gia

Tại hội nghị hướng dẫn coi thi THPT quốc gia do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức sáng 21.6, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở GD-ĐT), cho biết Hà Nội đã hoàn tất cơ sở vật chất, lắp đặt xong hệ thống camera giám sát ở 125 điểm thi và được các đoàn kiểm tra đầy đủ. Ban Chỉ đạo TP đã họp 2 lần và quyết định thành lập 13 đoàn kiểm tra, trong đó trưởng đoàn là các lãnh đạo trường đại học, kiểm tra trực tiếp các ban chỉ đạo cấp huyện và các điểm thi tại các quận, huyện.
 
Sở cũng bố trí 125 tổ thanh tra tại các điểm thi, được tập huấn trước ngày thi. Nhân sự của 125 điểm thi đã được rà soát, công tác in sao đề thi đã được triển khai 4 ngày. Cơ sở vật chất cho chấm thi trắc nghiệm khách quan đã được kiểm tra thử nghiệm…
 
Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, đề nghị lãnh đạo các điểm thi kiểm tra và hoàn thiện mọi điều kiện đảm bảo cho kỳ thi diễn ra theo đúng các quy định. Trưởng điểm thi, phó trưởng điểm thi, trưởng phòng GD-ĐT tiếp tục rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất. Đặc biệt là phòng để tủ lưu giữ đề thi và bài thi của thí sinh, tạo điệu kiện tốt nhất để các lãnh đạo điểm thi nghỉ lại qua đêm tại điểm thi của mình.
 
Năm nay Hà Nội có số thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất với hơn 74.000 thí sinh. Có 3.119 phòng thi; gần 9.200 cán bộ, giáo viên, nhân viên được huy động làm nhiệm vụ tại kỳ thi. Trong đó 7.755 cán bộ, giảng viên, giáo viên tham gia công tác coi thi. Có 1.376 nhân viên, an ninh, trật tự viên phục vụ tại các điểm thi của Hà Nội.

Tuệ Nguyễn