22/01/2025

Rộ tin tàu sân bay Liêu Ninh tiến vào Biển Đông

Trung Quốc triển khai tàu sân bay Liêu Ninh đến Biển Đông, đồng thời điều động phi pháp chiến đấu cơ J-10 đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

 

Rộ tin tàu sân bay Liêu Ninh tiến vào Biển Đông

Trung Quốc triển khai tàu sân bay Liêu Ninh đến Biển Đông, đồng thời điều động phi pháp chiến đấu cơ J-10 đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
 
 
 
 

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc	 /// Ảnh: CSIS

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc   ẢNH: CSIS

 

 
 
Theo tờ South China Morning Post ngày 20.6, Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho hay đang theo dõi sát sao hành trình của nhóm tàu sân bay Trung Quốc di chuyển vào Biển Đông. “Lực lượng phòng vệ đã tiến hành mọi hoạt động tình báo cần thiết để nắm toàn bộ thông tin về hành trình của nhóm tác chiến tàu Liêu Ninh, gồm các tàu hộ tống và máy bay, trong suốt hành trình tại khu vực”, Cơ quan phòng vệ Đài Loan tuyên bố trong thông cáo đưa ra hôm qua nhưng không tiết lộ thêm chi tiết.
 
Trước khi đi vào Biển Đông, nhóm tàu sân bay Liêu Ninh đã đi qua eo biển Miyako, nằm giữa đảo Okinawa và đảo Miyako của Nhật Bản hôm 11.6. Giới chức quốc phòng Nhật Bản cho biết tàu sân bay được hộ tống bởi 5 tàu chiến, trong đó có 2 tàu hộ vệ và 2 tàu khu trục mang tên lửa. Bắc Kinh tuyên bố hoạt động lần này của tàu sân bay Liêu Ninh “nằm trong chương trình huấn luyện thường xuyên, phù hợp với luật pháp quốc tế”, đồng thời kêu gọi các nước tôn trọng quyền tự do hàng hải của Trung Quốc.
 
Tuy nhiên, báo chí Đài Loan dẫn lời nguồn tin giấu tên tiết lộ rằng sau khi rời eo biển Miyako nhóm tàu sân bay đã đi vào vùng biển tây Thái Bình Dương, tiến gần đảo Guam, nơi Mỹ đặt căn cứ không quân Andersen, và Philippines trước khi vòng ngược vào Biển Đông. Theo giới quan sát, hành trình này được xem là mang tính biểu tượng chứng tỏ hải quân Trung Quốc đủ sức vượt qua “chuỗi đảo thứ nhất”, khái niệm chỉ vòng cung bao quanh lãnh hải Trung Quốc trải dài từ phía bắc Nhật Bản, xuống Đài Loan, Philippines đến tận Indonesia, để vươn ra biển xa. Bên cạnh đó, CNA dẫn các nguồn tin suy đoán nhiều khả năng tàu sân bay Liêu Ninh sẽ có hoạt động tại khu vực các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp phi pháp tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
 
Cũng trong ngày 20.6, CNN dẫn lại hình ảnh mới từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã triển khai ít nhất 4 máy bay chiến đấu J-10 tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Từ các bức ảnh được chụp vào ngày 19.6, giới phân tích nhận định số chiến đấu cơ này đã hiện diện phi pháp ở Phú Lâm khoảng 10 ngày. Ông Carl Schuster, cựu Giám đốc chiến dịch ở Trung tâm tình báo thuộc Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Mỹ, cho rằng thông qua hành động phi pháp lần này, Trung Quốc muốn phô trương khả năng điều động sức mạnh không quân ở Biển Đông. Tương tự, cựu sĩ quan không quân Úc Peter Layton nói: “Có vẻ như Trung Quốc muốn phô trương và gây chú ý đến số chiến đấu cơ này, nếu không thì chúng đã đậu trong nhà chứa máy bay chứ không phải ngoài trời”. Cũng theo giới phân tích, 4 chiếc J-10 không mang thêm bồn nhiên liệu, cho thấy chúng có thể được tiếp liệu ngay trên đảo Phú Lâm.
 
Hành động mới của Trung Quốc rõ ràng vi phạm trắng trợn chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời gây thêm lo ngại về nguy cơ quân sự hoá trên Biển Đông.
 
 
 

 
PHÚC DUY – VĂN KHOA