24/12/2024

Chống lãng phí thức ăn kiểu Singapore

Singapore hiện có các nhóm thiện nguyện thu gom thức ăn thừa vẫn còn dùng được tại nhà hàng, tiệc cưới… để phân phát cho người cần.

 

Chống lãng phí thức ăn kiểu Singapore

Singapore hiện có các nhóm thiện nguyện thu gom thức ăn thừa vẫn còn dùng được tại nhà hàng, tiệc cưới… để phân phát cho người cần.
 
 
 
 
Công nhân được tặng thức ăn từ các nhóm “giải cứu thực phẩm” ở Singapore /// Chụp màn hình SCMP

Công nhân được tặng thức ăn từ các nhóm “giải cứu thực phẩm” ở Singapore   CHỤP MÀN HÌNH SCMP

 
 
Cứ 2 lần một tuần, Gary Lee đến một trường mẫu giáo gần nhà ở khu trung tâm Singapore để gom thức ăn thừa vốn thường bị vứt bỏ. Là tổng giám đốc một công ty kho vận, Lee (36 tuổi) không hề thiếu thốn nhưng ông là thành viên tích cực của một tổ chức đang góp phần nỗ lực giảm “núi thức ăn thừa” ở Singapore.
 
Chính phủ nước này đã xác định lãng phí thức ăn là một trong những vấn đề của quốc gia và đau đầu tìm cách giải quyết, theo tờ South China Morning Post(SCMP). Thống kê chính thức cho thấy Singapore hiện tạo ra trung bình gần 64.000 tấn chất thải thực phẩm mỗi tháng, tăng 34% so với 10 năm trước, còn tỷ lệ tái chế thực phẩm dư thừa hiện chỉ ở mức 17%. Mới đây, nghị sĩ Anthea Ong đề xuất quốc hội ban hành luật chế tài các doanh nghiệp vứt bỏ thực phẩm vẫn còn dùng được, đồng thời có chính sách khuyến khích, chẳng hạn được giảm thuế khi thu gom và mang tặng thức ăn.
 

Về phía người dân, đã xuất hiện nhiều nhóm tình nguyện kêu gọi “giải cứu thức ăn thừa” để phân phát cho người thiếu thốn nhằm giảm lãng phí. Trong đó, nhóm Food Rescue Singapore (Giải cứu thực phẩm Singapore) của Lee chuyên đi thu gom thức ăn nấu chín tồn đọng về hâm nóng, đóng gói và mang phân phát cho công nhân nhập cư tại các công trường xây dựng. “Mục đích của chúng tôi là không để lãng phí thức ăn, miễn là còn dùng được”, SCMP dẫn lời người sáng lập Den Teo nói. Ban đầu, nhóm chỉ có 10 thành viên vào năm 2017 song đến nay là hơn 2.540 người.

 
Teo kể ông thường thấy thực phẩm bị bỏ phí tại các hội nghị, sự kiện và đám cưới nên nảy ra ý tưởng lập một diễn đàn trên mạng để chia sẻ thông tin về thức ăn thừa. Qua đó, Food Rescue Singapore liên lạc với nhà hàng, trường học, công ty tổ chức sự kiện hay những người sắp tổ chức tiệc… để hợp tác “giải cứu”. Chẳng hạn như trong tiệc cưới mới đây của mình, cô Eunice Leow và chồng quyết định đãi khách theo dạng buffet để đóng gói thức ăn thừa dễ dàng hơn. Nhóm của Teo đã cử người đến đợi sẵn và mang về ngay khi tiệc kết thúc.
 
 
Chống lãng phí thức ăn kiểu Singapore1

Các tình nguyện viên SG Food Rescue trữ trái cây, rau củ thu gom từ chợ   ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH SCMP

 
Tương tự, nhóm SG Food Rescue do ông Daniel Tay (41 tuổi) thành lập chuyên đến chợ thu gom rau và trái cây không bán được, chủ yếu do hình dáng không ngon mắt, để sử dụng cho các chương trình thiện nguyện. Nhóm đã “giải cứu” được hơn 100 tấn trái cây rau củ quả hồi năm ngoái. “Đây chỉ là bề nổi của tảng băng. Chúng tôi chỉ giải quyết trái cây và rau củ quả, song thực tế là còn nhiều loại thực phẩm khác như thịt, thực phẩm nấu chín, đóng gói, hết hạn sử dụng và gần hết hạn sử dụng”, Tay cho hay.
 
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến lo ngại về an toàn thực phẩm; còn nhiều nhà hàng không muốn cho đi thức ăn thừa vì sợ liên đới nếu xảy ra sự cố. Đáp lại, các nhóm thu gom thức ăn khẳng định họ kiểm tra rất kỹ lưỡng chất lượng thức ăn cũng như thời gian, cách chế biến lại và đóng gói trước khi mang phân phát. Bên cạnh đó, ông Tay của SG Food Rescue đề xuất chính phủ có thể ban hành quy định dành riêng cho thức ăn thừa. “Mọi người cũng nên tự kiểm tra mùi vị thức ăn trước khi dùng. Nếu tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc này, bạn sẽ an toàn. Chúng ta cần học cách tự chịu trách nhiệm nhiều hơn với những thứ mình ăn”, ông khuyến cáo thêm.
 
 
 
DANH TOẠI