10 điểm mới đáng chú ý của Quy chế thi THPT quốc gia 2019
Ngày 25-6 tới đây, hơn 887.000 thí sinh cả nước sẽ chính thức bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2019. Việc nắm rõ quy chế thi rất quan trọng với tất cả thí sinh cũng như những người tham gia công tác trong kỳ thi này.
10 điểm mới đáng chú ý của Quy chế thi THPT quốc gia 2019
Ngày 25-6 tới đây, hơn 887.000 thí sinh cả nước sẽ chính thức bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2019. Việc nắm rõ quy chế thi rất quan trọng với tất cả thí sinh cũng như những người tham gia công tác trong kỳ thi này.Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10, TP.HCM) nộp hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2019 – Ảnh: NHƯ HÙNG
Dưới đây là những điểm mới trong quy chế thi năm nay mà thí sinh cần biết.
1- Đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12
Theo Bộ GD-ĐT, nội dung đề thi vẫn nằm trong chương trình THPT nhưng sẽ chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12.
2 – Thí sinh tự do, giáo dục thường xuyên thi chung với thí sinh lớp 12
Kỳ thi năm nay thí sinh tự do, thí sinh chương trình giáo dục thường chuyên được bố trí dự thi tại một số điểm thi cùng với thí sinh giáo dục THPT là học sinh lớp 12 trong năm tổ chức thi và do giám đốc sở GD-ĐT quyết định.
Các thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại điểm thi Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa hoàn thành bài thi sớm nhưng phải chờ hết giờ thi mới được ra về – Ảnh: TRẦN HUỲNH
3 – Bảo quản đề thi, bài thi nghiêm ngặt
Quy chế thi THPT quốc gia năm 2019 đưa ra nhiều quy định chi tiết nhằm siết chặt hơn việc bảo quản, sử dụng đề thi, bài thi tại điểm thi.
Đề thi và bài thi phải được bảo quản trong tủ riêng biệt, có khóa và niêm phong. Khi mở niêm phong phải có chứng kiến của công an và những người ký nhãn niêm phong.
Phòng bảo quản đề thi, bài thi phải có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày, có ít nhất một công an trực, bảo vệ 24 giờ/ngày và một cán bộ làm nhiệm vụ tại điểm thi của trường đại học, cao đẳng thường trực đêm tại phòng.
4- Trường đại học địa phương không tổ chức thi tại địa phương mình
Bộ GD-ĐT điều động cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng đến các hội đồng thi tỉnh/ thành phố để phối hợp tổ chức thi. Trường đại học, cao đẳng địa phương không còn được tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình như trước đây.
5- Các trường đại học chủ trì chấm bài thi trắc nghiệm
Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm tại các hội đồng thi. Các sở GD-ĐT địa phương chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, tài chính, hệ thống máy tính, máy quét ảnh…
Người có người thân dự thi trong năm tổ chức kỳ thi không tham gia ban chấm thi trắc nghiệm tại địa phương có người than dự thi.
Đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ.
6 – “Đánh phách” điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm
Năm nay Bộ GD-ĐT đã sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật và chức năng giám sát để ngăn ngừa các can thiệp trái phép.
Theo đó sẽ “đánh phách” điện tử Phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh: sau khi quét bài thi trắc nghiệm sẽ được mã hóa, không còn nhìn thấy gì trên bài. Nếu copy ra đĩa cũng là dữ liệu đã được mã hóa, phải có mật khẩu mới giải mật được.
7- Cộng điểm ưu tiên cho thí sinh có bằng trung cấp nghề
Năm nay, học sinh THPT, học viên giáo dục thường xuyên có giấy chứng nhận nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp do sở GD-ĐT, các trường dạy nghề cấp trong thời gian học THPT sẽ được cộng điểm.
– Cộng 2 điểm nếu xếp loại giỏi với Giấy chứng nhận nghề, loại xuất sắc và giỏi đối với bằng trung cấp.
– Cộng 1,5 điểm nếu xếp loại khá với Giấy chứng nhận nghề, loại khá và trung bình khá với bằng trung cấp.
– Cộng 1 điểm nếu xếp loại trung bình.
8- Thay đổi công thức tính điểm xét tốt nghiệp THPT
Tăng tỉ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Năm nay, điểm xét tốt nghiệp THPT đối với các thí sinh THPT được tính theo công thức sau:
9 – Thu hồi giấy chứng nhận kết quả thi trước phúc khảo
Từ năm nay, các thí sinh có điểm thi thay đổi sau khi phúc khảo thì được cấp Giấy chứng nhận kết quả thi mới; Giấy chứng nhận kết quả thi trước phúc khảo được thu hồi và tiêu hủy.
10- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát
Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi; phối hợp với các cơ quan, nhất là cơ quan công an để tập huấn kỹ về nghiệp vụ tổ chức thi cũng như kỹ năng phòng chống, phát hiện gian lận, nhất là gian lận sử dụng công nghệ cao.