06/01/2025

Thi THPT quốc gia: Tránh tiêu cực, thầy cô phải trung thực trước

Vấn đề tiêu cực thi cử, nhất là trong kỳ thi THPT quốc gia, luôn tồn tại cùng với sự phát triển của giáo dục nước ta và ngày càng nghiêm trọng. Giải pháp cho vấn đề này là xây dựng một nền giáo dục trung thực.

 

Thi THPT quốc gia: Tránh tiêu cực, thầy cô phải trung thực trước

Vấn đề tiêu cực thi cử, nhất là trong kỳ thi THPT quốc gia,  luôn tồn tại cùng với sự phát triển của giáo dục nước ta và ngày càng nghiêm trọng. Giải pháp cho vấn đề này là xây dựng một nền giáo dục trung thực.
 
 
 
 
 
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia ở Sơn La, Hòa Bình /// TUỆ NGUYỄN

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia ở Sơn La, Hoà Bình   TUỆ NGUYỄN

 

 
 

Tiêu cực thi cử ngày càng nghiêm trọng

Giai đoạn 1998 – 2005, Bộ GD-ĐT có chủ trương tuyển thẳng đại học (ĐH) đối với những học sinh (HS) đạt kết quả tốt nghiệp giỏi và bình quân điểm thi là 8,5 điểm trở lên, sau đó nâng lên 9,0 điểm với mục tiêu động viên HS nỗ lực trong quá trình học tập.
 

Tuy nhiên, số HS được tuyển thẳng theo diện này ngày càng tăng. Một số tỉnh đã xảy ra tiêu cực, như nâng điểm cho HS trong quá trình học tập để được xếp loại giỏi; khi coi thi, giám thị tạo điều kiện cho HS được quay bài hoặc giám thị “gà bài”. Trong chấm thi thì đủ cách, như giám khảo tìm bài, so chữ viết hoặc xin mã phách để tìm bài và nâng điểm. Chính vì những tiêu cực này, nên đến năm 2006, Bộ GD-ĐT bỏ tuyển thẳng đối với HS tốt nghiệp loại giỏi.

 
Năm 2006, vừa chấm dứt việc tuyển thẳng ĐH thì kỳ thi THPT đã xảy ra tiêu cực ở một số địa phương. Tại Tiền Giang, hội đồng chấm thi đã phát hiện có 536 bài thi giống nhau. Kết quả điều tra cho thấy hội đồng thi bổ túc trung học đặt tại Trường THCS Trừ Văn Thố (H.Cai Lậy) đã buông lỏng dẫn đến để lọt đề thi ra ngoài. Một số người chờ sẵn giải đề và đưa vào cho 23 phòng thi. Một số thí sinh là cán bộ, công chức đã thu tiền, hối lộ cho hội đồng để được làm ngơ. Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đã hủy kết quả của 536 bài thi trên và UBND H.Cai Lậy quyết định cách chức hiệu trưởng Trường THCS Trừ Văn Thố (phó chủ tịch hội đồng coi thi) và 13 người khác bị cảnh cáo.
 
Ở phía bắc đã xảy ra vụ gian lận thi cử nghiêm trọng tại Hội đồng thi THPT Phú Xuyên A (Hà Tây cũ), hành vi tương tự hội đồng thi ở Tiền Giang nhưng tình trạng trong phòng thi quay bài, giật bài lộn xộn hơn.
 
 
 
Thi THPT quốc gia: Tránh tiêu cực, thầy cô phải trung thực trước - ảnh 2

Không đánh giá thi đua giáo viên qua tỷ lệ HS xếp loại giỏi, khá… mà thông qua nỗ lực của họ và kết quả tiến bộ của HS

Thi THPT quốc gia: Tránh tiêu cực, thầy cô phải trung thực trước - ảnh 3
 
 

Trước tình hình tiêu cực thi cử xảy ra ở nhiều địa phương, ngành GD-ĐT triển khai cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” nhằm xây dựng một nền giáo dục trung thực: dạy thật, học thật, thi thật. Thực hiện cuộc vận động này, năm 2007, toàn ngành đã tổ chức một kỳ thi thực sự nghiêm túc, kết quả tốt nghiệp toàn quốc gần 70% (năm 2006 là 94%). Năm 2006, nhiều tỉnh đỗ tốt nghiệp 99% đã giảm xuống dưới 50%. Tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp thấp nhất là Tuyên Quang (THPT có tỷ lệ 14,1% và bổ túc THPT là 0,22%). Một số trường không có học sinh tốt nghiệp như: Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Quảng Ngãi); Trường THPT dân lập Vân Phú (TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ); 2 trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Nghệ An… Địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp cao nhất là TP.HCM, đạt 95,1%. Dư luận xã hội đánh giá cao và khẳng định đây là một kỳ thi thực chất. Những năm sau cuộc vận động “hai không” vẫn tiếp tục nhưng tỷ lệ tốt nghiệp tăng dần.

Năm 2012, xảy ra tiêu cực nghiêm trọng ở Hội đồng thi THPT Đồi Ngô (tỉnh Bắc Giang), trong đó một số giám thị đã trực tiếp đưa bài giải cho HS.
 
Năm 2014 và 2015, kỳ thi THPT quốc gia giao cho ĐH coi thi, chấm thi nên tiêu cực giảm hẳn. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến 2018, kỳ thi THPT quốc gia giao cho địa phương chủ trì, các trường ĐH, CĐ cùng coi thi và giám sát dẫn đến tiêu cực phát sinh. Đỉnh điểm là vụ gian lận thi cử xảy ra ở 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình năm 2018. Đây là một tiêu cực tồi tệ nhất trong lịch sử giáo dục nước nhà, với hơn 200 thí sinh đã được sửa điểm. Kết quả có gần 20 cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và công an bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra, trong đó có 3 phó giám đốc sở GD-ĐT. Điều không thể tưởng tượng được là đã xảy ra tình trạng mua – bán điểm, các bị can ở Sơn La đã tự nguyện nộp lại số tiền bất chính lên tới hàng tỉ đồng.

Xây dựng một nền giáo dục trung thực

Giải pháp cho chuyện giảm tiêu cực thi cử chính là xây dựng một nền giáo dục trung thực. Trung thực trong dạy và học, trong kiểm tra, đánh giá, thi cử.

 
Trước hết, mỗi thầy cô, mỗi nhà trường hãy trung thực với chính mình. Dũng cảm đánh giá đúng thực chất HS, đánh giá để HS tiến bộ chứ không phải để xếp loại. Khi một HS đã được giúp đỡ, hỗ trợ nhưng vẫn chưa đủ chuẩn thì cho ở lại lớp. Không đánh giá thi đua giáo viên qua tỷ lệ HS xếp loại giỏi, khá… mà thông qua nỗ lực của họ và kết quả tiến bộ của HS. Thầy cô tham gia coi thi, chấm thi ở kỳ thi nào cũng cần nghiêm túc thực hiện chức trách của mình một cách trung thực nhất.
 
Về phía Bộ GD-ĐT, cần xây dựng hệ thống dữ liệu nhiều năm để so sánh, đánh giá các trường, giống như hệ thống đối sánh trong giáo dục ở các nước. Hệ thống này không chỉ giúp các trường biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình mà qua so sánh, các cấp quản lý phát hiện được tiêu cực của các trường. Đánh giá các trường qua dữ liệu chứ không qua báo cáo.
 
Trung thực là một trong 5 phẩm chất mà mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông mới nhắm tới. Muốn tạo ra những thế hệ HS trung thực, trước hết thầy cô, nhà trường và các cấp quản lý giáo dục phải trung thực. Về tuyển sinh ĐH, giao cho trường ĐH tự chủ theo luật và thi THPT quốc gia để trường ĐH tham gia sâu hơn để giảm thiểu tiêu cực.
 
 
 
MINH ĐỨC HỒ