06/01/2025

Đức thận trọng ‘rẽ sóng’ ở Biển Đông

Châu Âu thời gian qua đã hiện diện tích cực ở Biển Đông, và thế giới đang trông chờ một vai trò lớn hơn của Đức như cách Anh và Pháp đã thể hiện. Sức ép vô hình nào khiến Berlin do dự?

 

Đức thận trọng ‘rẽ sóng’ ở Biển Đông

Châu Âu thời gian qua đã hiện diện tích cực ở Biển Đông, và thế giới đang trông chờ một vai trò lớn hơn của Đức như cách Anh và Pháp đã thể hiện. Sức ép vô hình nào khiến Berlin do dự?


 

Đức thận trọng rẽ sóng ở Biển Đông - Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hoà đón người đồng cấp Đức Ursula Von der Leyen tại Bắc Kinh vào tháng 10-2018 – Ảnh: REUTERS

 

Khi Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen thăm Bắc Kinh hồi tháng 10-2018, bà thận trọng không đả động trực tiếp đến Biển Đông, dù vấn đề này là quan ngại lớn của phương Tây thời gian qua.

Phát biểu tại Đại học Quốc phòng trực thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), bà Von der Leyen nói một cách chung chung: “Các tuyến hàng hải cần luôn rộng mở, không nên trở thành nơi biểu dương sức mạnh”.

Từ đó đến nay đã nhiều tháng trôi qua, các quan chức Chính phủ Đức vẫn chưa thống nhất được có nên gửi tàu chiến tham gia tuần tra tự do hàng hải chung với hải quân Mỹ ở Biển Đông hay không.

Báo SCMP của Hong Kong ngày 12-6 dẫn một nguồn tin từ Berlin cho biết Bộ Ngoại giao Đức đang chia rẽ trong vấn đề này. Có 2 nguyên nhân liên quan đến nhận thức:

1. Đức là cường quốc kinh tế hàng đầu ở châu Âu, là ngọn cờ đầu của Liên minh châu Âu (EU).

2. Chính sách ngoại giao và quốc phòng của Đức chịu ảnh hưởng bởi di sản của 2 trận thế chiến, trong đó có 45 năm chia cắt hoàn toàn.

Đức có thể không muốn “dây dưa” trực tiếp đến Đài Loan (tuần trước họ bác bỏ thông tin điều tàu chiến đến eo biển này), nhưng Biển Đông quá quan trọng để có thể phớt lờ theo cách đó. 

Khả năng hải quân Đức có mặt ở Biển Đông là một “bí mật mở” trong giới quân sự và ngoại giao, theo báo SCMP.

“Biển Đông là tuyến hàng hải quốc tế quan trọng, còn Đức là một cường quốc giao thương lớn. Dễ hiểu là họ muốn thực hiện phận sự của mình trong việc bảo đảm quyền tự do hàng hải theo luật quốc tế được tôn trọng” – chuyên gia Walter Ladwig thuộc trường King’s College London, bình luận.

Biển Đông là một giao lộ trên biển đối với các nhà xuất khẩu Đức. Theo tổ chức học giả Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (trụ sở tại Washington – Mỹ), hàng hóa Đức lưu thông qua Biển Đông năm 2016 đạt 117 tỉ USD, đứng thứ 9 về khối lượng giao thương.

Trong khi các nước châu Âu khác như Anh, Pháp… đang cân nhắc phương án lập một liên minh phòng vệ, các nhà phân tích đánh giá Thủ tướng Angela Merkel cần thuyết phục được nhóm cử tri hoài nghi về một vai trò lớn hơn của quân đội Đức.

“Liên minh kiểu này cần sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các nước thành viên, nhất là với Pháp. Pháp đã tích cực hiện diện ở Biển Đông và eo biển Đài Loan, còn Đức đã cử đại diện quân sự thực hiện vai trò giám sát trên các chiến hạm Pháp” – chuyên gia Bernt Berger, thuộc tổ chức Hội đồng Đức về quan hệ đối ngoại, nhận định.

Đức thận trọng rẽ sóng ở Biển Đông - Ảnh 2.

Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn tại Berlin ngày 31-5 – Ảnh: REUTERS

 

Đối với Đức, di sản 2 cuộc thế chiến khiến họ lúng túng khi cân nhắc tham gia cùng Mỹ ở Biển Đông theo cách Pháp, Anh, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Philippines đã làm.

“Bà Merkel muốn một quân đội Đức mạnh, đủ sức gánh trọng trách quốc tế nhưng người dân lại phản đối” – truyền thông Đức dẫn lời ông Werner Kraetschell, một người bạn của gia đình Merkel, hồi năm 2017.

Trên thực tế, có đến 75% cử tri Đức phản đối sự can dự vào cuộc xung đột Syria. Điều đó đủ để nói lên tâm lý bài chiến của người dân xứ này. 

Từ cuối Chiến tranh lạnh, Đức còn tuân theo nguyên tắc “quân đội nghị viện”, tức chỉ có Bundestag (Quốc hội liên bang) mới có quyền thông qua chiến dịch quân sự.

Tuy nhiên, các đồng minh vẫn hi vọng Berlin sẽ mở rộng vai trò quân đội trong bối cảnh châu Âu, Mỹ đều cảm nhận thách thức mang tên “Trung Quốc” đối với trật tự quốc tế.

“Đức là quốc gia châu Âu thẳng thắn nhất trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc, đặc biệt là nhân quyền, nhưng lại không phải trả cái giá chính trị nào” – chuyên gia Mathieu Duchatel thuộc Viện Montaigne (Pháp) nhận xét.

Vấn đề chỉ là cái bóng của quá khứ vẫn đè nặng trong tâm trí người Đức. Bộ trưởng Von der Leyen đã thổ lộ tại Bắc Kinh thế này: “Nước Đức thường quá lớn và quá hùng mạnh. Và ham muốn quyền lực thường dẫn đến xung đột”.

 

PHÚC LONG